Nhật ký những ngày “đốt củi”

15/10/2021 06:40
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có những mốc thời gian mà chắc chắn sau nhiều tháng, nhiều năm nữa người dân, truyền thông và những người viết sử sẽ còn phải nhắc đến.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2021 có những mốc thời gian mà chắc chắn sau nhiều tháng, nhiều năm nữa người dân, truyền thông và những người viết sử sẽ còn phải nhắc đến.

Ngày 28-30/09/2021

Từ ngày 28/09/2021 đến ngày 30/09/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kỳ họp thứ bảy và đã công bố quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 cùng 02 trung tướng, 07 thiếu tướng Cảnh sát biển.

Từ ngày 28 đến ngày 30/9/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 07. (Ảnh: Ubkttw.vn)

Từ ngày 28 đến ngày 30/9/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 07. (Ảnh: Ubkttw.vn)

Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng xem xét kết quả giám sát Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2021; Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch EVN cùng một số đơn vị, cá nhân khác.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và 02 trung tướng, 07 thiếu tướng là lãnh đạo các bộ phận thuộc cơ quan này.

Với Bộ Công thương, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy bên cạnh những ưu điểm, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2016 - 2021 có hàng loạt vi phạm, khuyết điểm như:

“Ban hành một số văn bản không đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có nội dung không phù hợp. Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu, thực hiện bổ sung quy hoạch, quản lý phát triển năng lượng điện, nhất là các dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ và vừa; trong xây dựng cơ chế, chính sách về giá điện, giá xăng dầu”…

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên (thuộc biên chế Bộ Công thương từ năm 2016 đến năm 2021 - NV) được giám sát “Kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm, hạn chế đã được chỉ ra, báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Trung ương”. [1]

Ngày 01/10/2021:

Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ý kiến của Quân ủy Trung ương, ngày 01/10/2021, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và một số cá nhân. [2]

Những kết luận Ban Bí thư đưa ra liên quan đến hai lĩnh vực:

Thứ nhất, những vi phạm của một số cá nhân, tập thể Cảnh sát biển theo quy định của Đảng:

“Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, Quy chế làm việc, Quy định của Quân ủy Trung ương, để nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh, Phó Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trực thuộc suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Thứ hai, những vi phạm pháp luật:

“Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hóa; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gây hậu quả rất nghiêm trọng”. [2]

Ban Bí thư đánh giá, những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát Biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 mang đến hậu quả là nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh, Phó Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trực thuộc suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Ngày 04/10/2021:

Từ ngày 04/10/2021 đến ngày 07/10/2021 Ban chấp hành Trung ương khóa 13 đã họp Hội nghị lần thứ 4 (Hội nghị 4).

Suốt ba nhiệm kỳ từ nhiệm kỳ 11 đến nay, Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng luôn chọn nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng để bàn và đưa ra những quyết định mang tính chiến lược cho cả nhiệm kỳ.

Chính vì thế cụm từ “Nghị quyết Trung ương 4” thường được những người quan tâm coi như nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa 11 đánh giá:

“Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa 12 đánh giá:

“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”…”.

Hội nghị Trung ương 4, khóa 13:

Truyền thông chính thức chưa thấy công bố toàn văn Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa 12, một số thông tin được đăng tải cho thấy:

Hai nhóm vấn đề lớn được đề cập tại phiên khai mạc là một số vấn đề về kinh tế - xã hội năm 2021 – 2022 và vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Tại phiên bế mạc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu nhiều kết luận trong đó có thông báo:

“Hội nghị đã thống nhất cao ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên”.

Ngày 09/10/2021:

Ngày 09/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 1, tiến hành tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Tạp chí Cộng sản tường thuật ý kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri tại buổi tiếp xúc như sau:

“Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn và phải tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để đất nước bình yên mới có điều kiện phát triển kinh tế”. [2]

Có thể thấy, trong hoàn cảnh diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, rất nhiều người lao động mất việc làm, không có thu nhập, phải rời bỏ các thành phố, khu công nghiệp về quê, nhưng hoạt động hoạch định đường lối và chỉ đạo thực hiện của Đảng, các cơ quan nhà nước, Chính phủ vẫn diễn ra bình thường, một trong những hoạt động mà người dân có thể thấy là “lò vẫn nóng và củi đang bị đốt cháy”.

Ảnh chụp màn hình Tạp chí Cộng sản ngày 13/10/2021

Ảnh chụp màn hình Tạp chí Cộng sản ngày 13/10/2021

Cùng ngày 09/10/2021, kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu:

“Giao thông thống nhất trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt”.

Giao thông trên toàn quốc bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không và đương nghiên không chỉ là vận tải hàng hóa mà còn chuyên chở người.

Với quyết định này, Chính phủ đã chú ý đến sự cơ cực của hàng vạn người phải sử dụng xe máy rời các đô thị, khu công nghiệp tập trung về quê vì không còn phương tiện sinh sống. Rồi đây khi dòng người trở lại các nhà máy, cơ quan chắc chắn sẽ rất ít người muốn đi xe máy trên chặng đường hàng nghìn cây số khi mà tàu hỏa và máy bay đã sẵn sàng phục vụ.

Ngày 11/10/2021:

Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Nghị quyết 128/NQ-CP quy định khoanh vùng theo 04 cấp độ dịch: vùng có nguy cơ thấp, vùng có nguy cơ trung bình, vùng nguy cơ cao và vùng nguy cơ rất cao, tương ứng với các màu xanh, vàng, cam và đỏ.

Chính phủ giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định cách ly y tế vùng (phong tỏa ổ dịch) nhanh nhất, ở phạm vi hẹp nhất có thể và triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận dịch vụ y tế để người dân yên tâm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Quy định “phong tỏa ổ dịch nhanh nhất, ở phạm vi hẹp nhất có thể” cho thấy từ nay, quy mô phong tỏa có thể chỉ là những khu vực nhỏ như tổ liên gia, ngõ, xóm, hay tầng chung cư và như vậy đất nước đang chuyển sang phương thức sống chung với virus gây bệnh chứ không phải phấn đấu để diệt hết virus…

Tài liệu tham khảo:

[1] http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Thong-cao-bao-chi-Ky-hop-thu-bay-cua-Uy-ban-Kiem-tra-Trung-uong-khoa-XIII/448221.vgp

[2] https://tienphong.vn/khai-tru-dang-2-thieu-tuong-cach-tat-ca-chuc-vu-trong-dang-7-tuong-canh-sat-bien-post1381361.tpo

[2] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/824163/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tiep-xuc-cu-tri-thanh-pho-ha-noi-truoc-ky-hop-thu-hai%2C-quoc-hoi-khoa-xv.aspx

Xuân Dương