Hà Nội - “Sáng kiến vặt” và những chuyện không vặt

01/10/2018 07:01
Xuân Dương
(GDVN) - Tạo cho doanh nghiệp doanh thu lên đến 3.400 tỷ mà bảo là “sáng kiến vặt” liệu bạn đọc có nên nhặt mỗi người một viên sỏi?

Trong tiếng Việt từ “vặt” ngoài dùng để chỉ những sự kiện nhỏ theo nghĩa không hay ho như “ăn cắp vặt”, “chuyện vặt”, “sáng kiến vặt”, “tham nhũng vặt”,…thì cũng còn có nghĩa tương đương từ “hái” trong câu hát:

Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày”.

Hy vọng đọc xong mấy dòng linh tinh này, quý bạn đọc sẽ tự đánh giá từ “vặt” trong “Sáng kiến vặt” được dùng với ý nghĩa nào?

Hà Nội từng có sáng kiến “nhân bản vô tính” biển hiệu trên phố Lê Trọng Tấn.

Sau một thời gian rất nhiều biển hiệu “đồng phục” đã bị người dân tìm đủ lý do thay đổi.

“Đồng phục biển hiệu” trên phố Lê Trọng Tấn (Ảnh chưa rõ tác giả)
“Đồng phục biển hiệu” trên phố Lê Trọng Tấn (Ảnh chưa rõ tác giả)
“Đồng phục gỗ mỡ” trên phố Nguyễn Chí Thanh (Ảnh Dantri.com.vn)
“Đồng phục gỗ mỡ” trên phố Nguyễn Chí Thanh (Ảnh Dantri.com.vn)

Hà Nội từng có sáng kiến “đồng phục” đá tự nhiên cho vỉa hè nhiều tuyến phố, chỉ vài tuần sau nhiều nơi đá vỡ phải bóc đi làm lại.

Hà Nội từng có sáng kiến khoác “đồng phục” vỉa hè tuyến phố Nguyễn Chí Thanh bằng cây vàng tâm, sau khi bị các nhà chuyên môn bóc mẽ là gỗ mỡ nên phải đào lên trồng lại.

Hà Nội đang có chủ trương “mặc đồng phục” cho trụ sở Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn trên toàn địa bàn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thì thành phố có 483 trụ sở xã/phường có thể áp dụng thiết kế mẫu khi đầu tư xây dựng.

Trong đó có 75 trụ sở cần xây mới, 136 công trình phải cải tạo bổ sung quy mô hoặc xây mới một số hạng mục, 118 công trình đã được xây dựng, chỉ cần cải tạo, sửa chữa… [1]

Theo tư vấn, “bét” nhất là tại khu vực đô thị trung tâm trụ sở chỉ rộng khoảng 300 m2, cao 6 tầng, mật độ xây dựng 70% nghĩa là mỗi tầng sẽ rộng khoảng 210 m2, tổng diện tích sử dụng cả 6 tầng khoảng 1.260 m2.

Hà Nội - “Sáng kiến vặt” và những chuyện không vặt ảnh 3Phát hiện mới: “Con ông cháu cha… vỉa hè”!

Tại các địa bàn khác, diện tích trụ sở có thể lên đến vài ngàn mét vuông.

Theo quy định tại điều 4 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ, số lượng cán bộ công chức cấp xã nhiều nhất là 25 và ít nhất là 21 người.

Các chức danh này bao gồm tất cả các đối tượng thuộc Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Công an, Quân đội,…

Cứ cho rằng mỗi trụ sở phải dành một tầng làm hội trường thì diện tích còn lại khoảng 1.000 mchia cho 25 cán bộ, nhân viên, bình quân vào khoảng 40 m2/người?

Một căn hộ rộng 40 mlà mơ ước của các gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, ở đó ít nhất có thể sống 4 người với đầy đủ nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng ngủ…

Hà Nội lại cũng đang có chủ trương “đồng phục” sữa học đường cho khoảng 1,3 triệu học sinh mầm non, tiểu học với nguồn ngân sách dự kiến gần 1.300 tỷ đồng.

Cũng nên biết phần ngân sách hỗ trợ của thành phố chiếm 30%, doanh nghiệp bán sữa hỗ trợ 20% và cha mẹ học sinh phải góp 50%.

Theo tỷ lệ 30% tương đương 1.300 tỷ đồng thì doanh nghiệp trúng thầu phải bỏ ra khoảng 867 tỷ đồng và cha mẹ học sinh phải móc hầu bao cỡ 2.167 tỷ đồng.

Hà Nội - “Sáng kiến vặt” và những chuyện không vặt ảnh 4Hà Nội những năm 2000 - lời khen và … “Thiên lý trường gậy”

Cộng hai khoản của thành phố và cha mẹ học trò, nếu doanh nghiệp nào đó trúng “quả thầu” này thì cầm chắc doanh thu khoảng 3.400 tỷ đồng mà không mất một xu chi cho quảng cáo, tiếp thị.

Tạo cho doanh nghiệp doanh thu lên đến 3.400 tỷ mà bảo là “sáng kiến vặt” liệu bạn đọc có nên nhặt mỗi người một viên sỏi?

Từng nghe nói chuyện “vặt cỏ, tỉa cành” các tuyến phố và nơi công cộng tại Hà Nội mỗi năm ngân sách bỏ ra ngót nghét nghìn tỷ đồng.

Vị Chủ tịch thành phố chỉ mới động nhẹ một cái là giảm được khoảng 700 tỷ đồng.  

Tienphong.vn viết: “700 tỷ đồng một năm đúng là không hề nhỏ! Bởi con số này gần gấp đôi tổng thu ngân sách của cả tỉnh Bắc Kạn và tương đương mức thu ngân sách của Điện Biên hoặc Lai Châu.

Kinh phí chi cho “cắt cỏ, tỉa cây” của Hà Nội bằng thu ngân sách của cả một tỉnh miền núi!” [2] 

Nói “chuyện vặt” nhiều quá e là nhiều người không thích, vậy xin chuyển sang một ít “chuyện nhớn”. 

“Chuyện nhớn” thứ nhất liên quan đến tương lai các thế hệ công dân thủ đô, cũng là tương lai dân tộc, tiền đồ của cả nước.

Uống “sữa học đường” để học sinh mầm non, tiểu học cao thêm, khỏe thêm là viễn cảnh tươi sáng chẳng ai có thể khẳng định trừ mấy vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Điều chắc chắn là với những lớp học chen chúc 60-70 học sinh, chỉ sau vài năm, con em chúng ta nếu không vẹo cột sống, cận thị thì chất lượng học tập cũng không theo mong muốn.

Sở Giáo dục Hà Nội đã sử dụng 19 nghìn tỷ đồng từ ngân sách như thế nào?

“Chuyện nhớn” thứ hai liên quan đến “bộ mặt” thủ đô.

Khoác “đồng phục” cho trụ sở, chưa chắc những chỗ ngồi đẹp ấy sẽ làm cho “chỉ số hài lòng” của Hà Nội tăng thêm, như báo Hanoimoi.com.vn viết:

“Tuy nhiên, việc Hà Nội chỉ đạt 76,53% với Chỉ số SIPAS, so với mức trung bình chung của cả nước là 79,76% cho thấy, mức độ hài lòng với kết quả cải cách hành chính từ bộ máy công quyền của Thủ đô chưa như mong muốn của người dân cũng như lãnh đạo thành phố”. [3] 

Nếu trước cửa các “trụ sở đồng phục” xã, phường mà có người dự đoán là sẽ “đẹp long lanh” ấy chăng đầy “mạng nhện” các loại dây điện, dây thông tin thì liệu có tránh được tai nạn cho người tham gia giao thông, liệu có khiến cho du khách ngắm trụ sở mà quên chụp ảnh hệ thống “mạng nhện” ấy mang về giới thiệu cho người đang muốn thăm Hà Nội?

Lại còn điều này không biết là “vặt” hay “nhớn”. Trên quy mô toàn quốc, chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính từ tỉnh xuống xã đã được đề cập.

Hà Nội có bao nhiêu quận, huyện, xã, phường, thị trấn phải chuẩn bị sáp nhập?

Sao không chờ sau khi sáp nhập xong hay nghĩ đến chuyện xây dựng, sửa chữa mà phải làm ngay lúc này? 

Nếu những “dòng sông chết”, đặc biệt là những “dòng sông thối” vẫn chảy qua địa bàn các quận huyện của thành phố thì Hà Nội phải trồng bao nhiêu cây vàng tâm trên các tuyến phố mới đủ sức lọc sạch không khí?

“Chuyện nhớn” thứ ba là quy hoạch thành phố đã bị “băm nát”, đây là sự đã rồi không thể đổ lỗi cho “thế hệ trước” - như lời vị lãnh đạo thành phố đã nói. 

Sửa chữa quy hoạch đã bị “băm nát” là bất khả thi, điều có thể làm là đừng để “nát” thêm nữa. 

Ngày xưa, khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, trong "Chiếu dời đô" ngài viết về thành Đại La như sau:

Ở giữa khu vực đất trời, được thế rồng chầu- hổ phục, chính giữa nam-bắc-đông- tây, tiện nghi núi sau, sông trước.

Xin hỏi, nay còn đồng chí nào chưa bị lộ?

Vùng này, mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa; dân cư không phải chịu khổ vì thấp trũng, tối tăm; muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh”.

Ở nơi “thế đất cao mà sáng sủa” ấy ngày nay cứ mưa là ngập, vậy cư dân Hà Nội bây giờ “không phải chịu khổ vì thấp trũng, tối tăm” hay ngược lại?

Đi dọc phần đường dẫn cầu Thanh Trì, phía dưới gầm cầu trồng rất nhiều cây, tất cả phủ đầy bụi, còi cọc không thể lớn, vậy ở đó có phải “muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh”?

Nếu trong vòng một, hai nhiệm kỳ, ai đó có thể làm hồi sinh các dòng sông chết, xóa bỏ hệ thống “mạng nhện” dây điện, ống nước và “chuồng chim” tại các khu chung cư cũ, xây đủ trường học cho con em lao động thì người đó dù không được tuyên dương anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cũng xứng đáng có một chỗ trong trái tim mỗi người dân Kẻ Chợ.

Hà Nội nghìn năm văn hiến bao giờ xuất hiện những người như thế, hay là phải chờ nghìn năm nữa?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.tienphong.vn/nhip-song-thu-do/ha-noi-mac-dong-phuc-cho-tru-so-xa-phuong-1327733.tpo

[2]https://www.tienphong.vn/xa-hoi-chuyen-hom-nay/chuyen-lon-hon-cat-co-1040700.tpo

[3] http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/900783/do-dung-su-hai-long-cua-nguoi-dan

Xuân Dương