Góc khuất của kỳ thi học sinh giỏi đến bao giờ được "vén màn"?

06/11/2022 06:40
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông thường những thí sinh của các trường có giáo viên vừa ôn thi, ra đề, chấm thi không rớt mà luôn giành được những giải cao nhất kỳ thi học sinh giỏi.

Sự việc cô giáo V.T.M.P., giáo viên môn Tin học Trường trung học phổ thông chuyên Lê Thánh Tông (Quảng Nam) đã thừa nhận sai trong quá trình đảm nhận việc ra đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh vừa qua là tiếng chuông buồn cảnh báo về những góc khuất trong việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi các cấp hiện nay.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu sự việc này không bị phát giác, hoặc những địa phương đang có cách làm tương tự như tỉnh Quảng Nam thì góc khuất trong kỳ thi học sinh giỏi sẽ tồn tại đến bao giờ?

Những nhà giáo đóng đến 2-3 “vai” khác nhau trong một kỳ thi để chọn lọc những học sinh giỏi nhất đối với môn học đó trong một huyện, một tỉnh họ sẽ còn hiên ngang đứng trên bục vinh quang bao nhiêu kỳ thi nữa? Bao nhiêu giấy khen, bằng khen các cấp đã và sẽ trao cho những người không xứng đáng?

Và họ- những nhà giáo đang đóng nhiều vai trong kỳ thi học sinh giỏi có bao giờ tự cảm thấy chạnh lòng về những việc họ đang làm đã góp phần làm xấu xí đi những danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh mà học trò mình đã nhận?

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Kỳ thi học sinh giỏi đang tồn tại quá nhiều bất cập

Sự việc cô giáo V.T.M.P., giáo viên môn Tin học Trường trung học phổ thông chuyên Lê Thánh Tông (Quảng Nam) xảy ra, tất nhiên ngành giáo dục của địa phương này mất uy tín trước học sinh và phụ huynh trong tỉnh.

Vì thế, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - xác nhận có xảy ra vụ việc này trong kỳ thi học sinh giỏi Trung học phổ thông cấp tỉnh năm 2022 vừa qua và nói rằng sẽ xử lý nghiêm cá nhân sai phạm.

Thế nhưng, việc “xử lý nghiêm” khi sự việc đã bị lộ và mọi người đều biết không phải là một giải pháp căn cơ, lâu dài. Nếu không bị lộ, làm sao sở giáo dục có thể “xử nghiêm” và có lẽ cô giáo V.T.M.P. tiếp tục còn được tín nhiệm ra đề ở những năm tiếp theo.

Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh do sở giáo dục và đào tạo tổ chức, chủ trì thì những tình huống sở phải lường trước để nhằm đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh dự thi, giáo viên ôn thi học sinh giỏi của địa phương là điều mà bộ phận chuyên môn phải nghĩ đến.

Vậy, tại sao sở không sàng lọc, chuẩn bị kĩ lưỡng con người trong tất cả các khâu tổ chức? Thông thường, ra một đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện chỉ có 1-2 người tham gia. Một người ra đề, một người phản biện, thậm chí có nơi chỉ một người ra đề và tự chịu trách nhiệm, chứ không cần đến người phản biện.

Khối cấp trung học phổ thông của một tỉnh có hàng chục trường học khác nhau, nhất là tỉnh Quảng Nam có 2 trường Trung học phổ thông chuyên, đó là: chuyên Lê Thánh và chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm thì điều động một giáo viên ra đề đâu có gì là khó.

Mỗi trường chỉ có 1 giáo viên ôn thi học sinh giỏi, tất nhiên còn nhiều giáo viên mà sở giáo dục có thể điều động ra đề, chấm thi. Tại sao sở lại điều động người ôn thi học sinh giỏi đi ra đề? Vì thế, cái sai là do việc lựa chọn con người và không đặt quyền lợi của thí sinh dự thi lên hàng đầu.

Ai dám khẳng định môn Tin học ở tỉnh Quảng Nam bị lộ đề từ khi chưa thi, còn các môn khác thì không nếu như sở cũng điều động những giáo viên đóng nhiều vai như cô giáo V.T.M.P.?

Và, những địa phương khác có xảy ra tình trạng giáo viên đóng nhiều vai như tỉnh Quảng Nam hay không? Chúng tôi tin, nhiều lắm, nhất là kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp trung học cơ sở. Vì phòng giáo dục chỉ có 1 chuyên viên phụ trách chung về chuyên môn cho tất cả các môn học nên không thể ra đề cho tất cả các môn.

Vì thế, người được lựa chọn ra đề thi học sinh giỏi thường là tổ trưởng hoặc tổ phó Hội động bộ môn cấp huyện và những người này thường là tổ trưởng chuyên môn những trường lớn trong huyện (thị xã, thành phố).

Người ra đề cũng là người đang ôn thi cho học trò trường họ. Trong khi, trường lớn thì số lượng thí sinh dự thi được cơ cấu nhiều hơn.

Đến khi chấm thi, cách làm chung của nhiều địa phương hiện nay vẫn điều tổ trưởng Hội đồng bộ môn đi chấm. Phần vì “uy tín” của họ, phần vì những giáo viên này đã quen việc nhiều năm.

Vì vậy, thông thường những thí sinh của các trường có giáo viên vừa ôn thi, ra đề, chấm thi không rớt mà luôn giành được những giải cao nhất kỳ thi học sinh giỏi. Chỉ còn một số giải thấp “dành” cho các trường còn lại.

Những thầy cô vừa ôn thi, ra đề, chấm thi học sinh giỏi có bao giờ…chạnh lòng?

Sau mỗi kỳ thi học sinh giỏi, những giáo viên có học sinh đạt giải cao, nhiều học sinh đạt giải luôn được tung hô, ca ngợi và có lẽ những giáo viên này cũng lâng lâng cảm xúc vì hạnh phúc từ những lời chúc mừng của cấp trên, đồng nghiệp và phụ huynh.

Những lúc như vậy, không biết những giáo viên vừa ôn thi, vừa ra đề, vừa chấm thi có chạnh lòng đến đồng nghiệp ở đơn vị bạn cũng đã từng dành nhiều tháng trời để ôn thi cho học sinh…?

Bởi, đối lập với niềm hạnh phúc của giáo viên có nhiều học sinh đạt giải sẽ có những giáo viên cảm thấy hẫng hụt, ngại ngùng với đồng nghiệp và chính học trò mà mình đã từng ôn thi nếu không đạt giải, thậm chí tất cả học sinh đều rớt.

Ai cảm thông cho giáo viên có học sinh rớt, hoặc đều rớt hết? Không ai cả, may ra chỉ một vài đồng nghiệp an ủi mà thôi. Trong khi, những giáo viên được phân công ôn thi phần nhiều là những giáo viên có thâm niên, có kinh nghiệm và chuyên môn tốt mới được nhà trường phân công đảm nhận công việc này.

Có điều chúng tôi cảm thấy băn khoăn nữa là một số địa phương khi phân giáo viên đi gác thi học sinh giỏi thì yêu cầu phải là người không có con, cháu tham dự kỳ thi, không dạy cùng khối lớp đó để đề phòng những tiêu cực phát sinh.

Nhưng, làm sao khâu này có thể phát sinh tiêu cực khi trong phòng thi luôn có 2 giám thị và mấy chục học sinh đang ngồi dự thi. Bên ngoài có giám thị hành lang, có thanh tra kỳ thi giám sát?

Trong khi đó, khâu quan trọng nhất là ra đề, chấm thi- những khu vực làm việc độc lập, đơn lẻ lại không được chú trọng để cho những giáo viên đảm nhận 2-3 “vai” trong cùng một kỳ thi.

Trong ranh giới mỏng manh ấy, mấy ai chiến thắng được bản thân mình bởi vì lợi ích của bản thân rất dễ khiến con người ra sẽ đặt quyền lợi, danh dự cho bản thân và học sinh của mình lên tất cả.

Vì thế, sự thay đổi phải bắt đầu từ khâu tổ chức, ban hành kế hoạch của cấp sở, cấp phòng vì suy cho cùng những giáo viên được phân công 2-3 nhiệm vụ trong một kỳ thi cũng chỉ là họ đang thực hiện nhiệm vụ được phân công, điều động của cấp trên mà thôi.

Chừng nào kỳ thi học sinh giỏi còn được cấp trên điều động người ra đề, người chấm thi là người đang ôn thi, bồi dưỡng học sinh giỏi cho cơ sở thì những tiêu cực có thể vẫn luôn tồn tại song hành.

Kỷ luật giáo viên khi sự việc đã rõ mười mươi như Quảng Nam chỉ mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề bởi không làm không được trước sức ép của dư luận. Vì thế, sau sự cố ở Quảng Nam, hy vọng Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn nghiêm ngặt về quy chế tổ chức kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Nếu không, mạnh địa phương nào địa phương đó làm và những người đóng 2-3 “vai” khác nhau sẽ còn tồn tại từ năm học này sang năm học khác. Bởi, cấp huyện hay cấp tỉnh tổ chức thì họ vẫn quen điều động những con người cũ, những người thân thuộc. Tính khách quan, công bằng của kỳ thi mất dần và dẫn đến những bất công, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều thí sinh dự thi và giáo viên ôn thi khác.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG