Giữ chân GV cùng với thu nhập tốt cần có chế tài ràng buộc đào tạo đủ mạnh

23/07/2023 07:12
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, giảng viên nghỉ việc sẽ ảnh hưởng rất nhiều, song song chế độ cần có chế tài và điều chỉnh thu nhập cũng là cách tạo động lực.

Giảng viên nghỉ việc sẽ ảnh hưởng rất nhiều, song song với chế độ cần có chế tài

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế), việc thu hút và giữ chân giảng viên liên quan đến công tác tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng và trọng dụng cán bộ, giảng viên nói chung.

“Đó là một chuỗi hoạt động gắn chặt chẽ với nhau chứ không chỉ đơn thuần là tuyển dụng, mà sau khi tuyển dụng, nhà trường phải có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo liên tục cả trong nước và nước ngoài, thông qua nhiều “kênh”, đặc biệt là thông qua “kênh” chính thức như các chương trình học bổng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt qua “kênh” Hợp tác quốc tế của nhà trường.

Cán bộ, giảng viên được nhà trường cử đi đào tạo ngắn hạn, dài hạn, đặc biệt là đào tạo có bằng cấp, đào tạo nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài. Qua đó, tạo cơ hội cho cán bộ, giảng viên phát triển về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, để đáp ứng những yêu cầu về mặt giảng dạy, nghiên cứu.

Tại chính các đơn vị quản lý trực tiếp cán bộ, giảng viên, cũng có kế hoạch riêng về phát triển chuyên môn để phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị, vì mỗi ngành, mỗi chuyên ngành đều có những đặc thù khác nhau, thời gian đào tạo cũng khác nhau...” - vị Hiệu trưởng chia sẻ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế). Ảnh: Mộc Trà.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế). Ảnh: Mộc Trà.

Song song với việc hỗ trợ về chi phí đào tạo, về cơ chế và tạo điều kiện về thời gian cho các nghiên cứu sinh làm tiến sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy cũng cho biết: “Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế) ban hành các văn bản, quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên, nhằm nâng cao trình độ đội ngũ. Một mặt, nhà trường động viên, khích lệ, thúc đẩy cán bộ, tạo điều kiện tối đa cho cán bộ để học tập, nghiên cứu và sau khi hoàn thành chương trình, sẽ quay trở về làm việc, cống hiến. Mặt khác, cũng phải có các quy định ràng buộc với những biện pháp về mặt hành chính, tài chính, để phòng những tình huống bất khả kháng.

Thực tế, trong những năm qua, việc tuyển dụng cán bộ và cử đi đào tạo, bồi dưỡng vẫn được thực hiện đều đặn, chỉ có một số chuyên ngành đặc thù như thuộc lĩnh vực y học cơ sở thì tuyển dụng gặp khó hơn so với y học lâm sàng.

Chính vì vậy, trong khi thị trường lao động hiện nay đối với cán bộ khoa học đang rất rộng mở và tự do hơn, khiến những biến động về nhân sự là không tránh khỏi, cũng có những trường hợp giảng viên trình độ cao xin nghỉ việc, xin chuyển công tác vì lý do cá nhân hoặc cũng có một số ít giảng viên rời trường vì lý do khác, kể cả lý do kinh tế..., song, số lượng cán bộ có học vị, học hàm vẫn tăng đều qua các năm.

Tất nhiên, với môi trường cạnh tranh như hiện nay, việc tuyển dụng cán bộ, viên chức và người lao động cũng khác nhiều so với trước đây. Phải có sự linh hoạt hơn, đặt ra những tiêu chuẩn, điều kiện và phải chủ động hơn trong việc tiếp cận với thị trường lao động, với những cán bộ khoa học tiềm năng trong tương lai...”.

Mặc dù đã có quy định ràng buộc đối với nghiên cứu sinh làm tiến sĩ, “thời gian cam kết làm việc dao động tùy thuộc từng loại hình đào tạo, mức trung bình từ 2-3 lần khoảng thời gian đào tạo; nếu vi phạm sẽ có đền bù chi phí đào tạo”, nhưng cũng có những thời điểm, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế) đứng trước tình huống: Giảng viên đi học về, xin chuyển công tác và chấp nhận đền bù chi phí đào tạo, bởi mức đền bù khi đó cũng không phải con số đáng kể.

“Chính vì vậy, trong Quy chế mới ban hành cách đây 2 năm, nhà trường đã điều chỉnh mức đền bù cũng tương đối lớn. Và kể từ ngày ban hành, chưa phải áp dụng lần nào...

Nhà trường đã quan tâm, cấp nguồn kinh phí, tạo điều kiện thời gian để giảng viên yên tâm học tập, nghiên cứu, thì ít nhất, khi về cũng phải cống hiến cho công việc chung, chỉ cần một cán bộ, giảng viên xin chuyển công tác đột ngột, sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề như chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng giảng dạy, hoạt động nghiên cứu... Vì vậy, buộc lòng phải có chế tài” - Vị Hiệu trưởng lý giải.

Điều chỉnh thu nhập để giữ chân giảng viên

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm từ phía nhà trường, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy cũng thẳng thắn giãi bày: “Thực tế, năm học 2022-2023, nhà trường đã điều chỉnh chế độ về mặt thu nhập cho cán bộ, thu nhập cho cán bộ tăng thêm trung bình khoảng 21% so với năm học trước. Đến tháng 7/2023, lại tiếp tục điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới... Điều này cũng phần nào khích lệ các cán bộ, giảng viên yên tâm làm việc và cống hiến, đồng thời, cũng được xem là một cách tạo động lực để thu hút, giữ chân cán bộ, giảng viên trình độ cao”.

Sinh viên Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế). Ảnh: huemed-univ.edu.vn

Sinh viên Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế). Ảnh: huemed-univ.edu.vn

Cuối cùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế) bày tỏ: “Nhà trường là đơn vị sự nghiệp công lập, nhân sự nhà trường gồm có viên chức và hợp đồng lao động, về cơ bản là đối tượng hưởng lương, nên chúng tôi rất mong, những chính sách cải cách tiền lương như đề xuất phương án triển khai theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, sẽ được quan tâm và triển khai sớm để nhà trường có thể thực hiện một cách chính xác, đầy đủ và mang tính thúc đẩy, động viên nhiều hơn nữa.

Bên cạnh đó, không phải đề xuất, nhưng chúng tôi muốn chia sẻ thêm: Là một đơn vị sự nghiệp công lập, nhà trường đã và sẽ cố gắng tạo ra một môi trường làm việc mang tính thân thiện, thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo của giảng viên. Bởi nếu thúc đẩy tốt, hiệu suất công việc cũng sẽ cao hơn, từ đó, kết quả đầu ra tốt hơn, song hành với đó, nguồn thu nhập cũng tốt hơn và sẽ lại có một nguồn nhân lực tốt”.

Cũng gặp một số thách thức trong chuyện thu hút và giữ chân giảng viên, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: “Mặc dù nhà trường đã có những chế độ thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ, tạo cơ chế, tạo điều kiện cho giảng viên học nghiên cứu sinh làm tiến sĩ, song, cũng có những giảng viên xin nghỉ chuyển việc sau một thời gian cống hiến. Thực tế, nếu giảng viên tìm được nơi có môi trường làm việc tốt và chi trả quyền lợi tốt hơn, có mong muốn chuyển đi và đền bù chi phí đào tạo, nhà trường cũng sẽ hỗ trợ”.

Từ những khó khăn trong việc thu hút giảng viên có trình độ cao về trường, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung cho rằng, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, còn nếu để các trường “tự túc” thì rất khó, vì tiềm lực của nhà trường có giới hạn. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện về cơ chế, có quy định hành lang pháp lý rõ ràng để các cơ sở thực hiện, bởi, đào tạo nhân lực trình độ cao ngành y đặc thù và rất khó khăn trong việc bổ sung.

Mộc Trà