Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT.
Theo đó, khoản 12, Điều 1 của dự thảo nêu: "Cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung" đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Xét tuyển sớm giúp cơ sở giáo dục tuyển được thí sinh nhưng tỷ lệ ảo cao
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng - Trưởng Phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: “Hình thức xét tuyển sớm là sự thể hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh”.
Ghi nhận từ kết quả tuyển sinh trong các năm học gần đây, thầy Lượng cho biết chất lượng tuyển sinh theo hình thức xét tuyển sớm rất tốt. Khi các đơn vị đào tạo quyết định tuyển sinh theo hình thức xét tuyển sớm thì sẽ đồng thời đưa ra các tiêu chí tuyển chọn cho phương thức này.
Thông thường, các tiêu chí này sẽ cao hơn so với yêu cầu của đợt xét tuyển chung. Chẳng hạn như xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông cộng với các điều kiện khác đi kèm như chứng chỉ quốc tế, các giải thi học sinh giỏi quốc gia….
Như vậy, hoặc là các em học sinh phải có kết quả học tập trong 3 năm học trung học phổ thông thật xuất sắc, hoặc là phải có chứng chỉ quốc tế thì mới đủ điều kiện xét tuyển sớm.
Theo chia sẻ của thầy Lượng, trên thực tế, hình thức xét tuyển sớm diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và một thí sinh có thể xét tuyển sớm ở nhiều cơ sở giáo dục đại học khác nhau nên những em có thành tích tốt có cơ hội đỗ cùng lúc nhiều trường.
Thế nhưng vì đến cuối cùng thí sinh chỉ được lựa chọn 1 trường duy nhất, điều này dẫn đến tình trạng tỷ lệ ảo cho hình thức xét tuyển sớm rất cao, tỷ lệ trúng tuyển thực của cơ sở giáo dục đại học sẽ không thể đạt đến chỉ tiêu đã đề ra ban đầu.
Vậy nên, thầy Lượng cho rằng nếu giới hạn 20% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm thì kết quả xét tuyển sớm của nhiều cơ sở giáo dục đại học sẽ chỉ đạt phần trăm “rất nhỏ” so với chỉ tiêu dự kiến.
Cùng góp ý cho dự thảo, Tiến sĩ Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho hay, điểm tích cực trong việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra các quy định về xét tuyển sớm là hạn chế các cơ sở giáo dục đại học tổ chức xét tuyển quá sớm (thường từ tháng 1 đến tháng 3) khi thí sinh chưa hoàn thành chương trình học tập trung học phổ thông. Bởi, việc biết được kết quả trúng tuyển quá sớm sẽ khiến các em lơ là học tập trong kỳ II lớp 12 và ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Ban đầu nhà trường cũng có nhiều băn khoăn về các hình thức xét tuyển sớm liệu có bảo đảm chất lượng như các hình thức xét tuyển khác hay không. Tuy nhiên, khi theo dõi điểm trung bình chung tích lũy sau các năm học tại Học viện Ngân hàng của các thí sinh trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển khác nhau, tôi thấy điểm học tập của các bạn có sự khác biệt không đáng kể. Điều đó cho thấy sự đồng đều trong chất lượng của các phương thức xét tuyển”, thầy Hà thông tin.
Những năm qua, Học viện Ngân hàng triển khai công tác xét tuyển sớm dựa trên Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/7/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hàng năm, nhà trường dành khoảng 40-50% chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển này, với 4 phương thức chính là: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (khoảng 20%); Xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế (SAT, IELTS, Toefl iBT…); Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (HSA, V-SAT).
Theo chia sẻ của thầy Hà, Học viện Ngân hàng cũng đưa ra các điều kiện xét tuyển ở mức cao so với mặt bằng chung các trường đại học, và chỉ tổ chức xét tuyển sớm vào cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, khi thí sinh đã hoàn thành chương trình học trung học phổ thông và có đầy đủ dữ liệu học bạ, chứng chỉ… để có thể xét tuyển sớm.
Bên cạnh đó, điểm trúng tuyển với hình thức xét tuyển sớm của trường cũng ở nhóm các trường có điểm cao hàng đầu, như điểm học bạ trung bình từ 9.5 điểm/môn, có chứng chỉ IELTS từ 6.5 đến 7.5 tuỳ từng chương trình đào tạo, điểm HSA từ 100-115 tùy chương trình.
Với mức điểm trúng tuyển cao như vậy đã tạo cơ hội cho nhà trường lựa chọn được các thí sinh giỏi và xuất sắc, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào cho nhà trường.
Đề xuất quy định không tuyển vượt 20% chỉ tiêu khi thí sinh xác nhận nhập học
Ghi nhận từ góp ý của một cán bộ tuyển sinh đang công tác tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội cho rằng, việc đưa ra ngưỡng 20% cho chỉ tiêu xét tuyển sớm cần tính toán kỹ lưỡng, tránh ảnh hưởng đến quyền tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.
Trên thực tế, việc tuyển sinh sẽ phụ thuộc vào thế mạnh của từng đơn vị đào tạo cũng như nhu cầu của thí sinh với từng ngành học. Khi thí sinh đăng ký xét tuyển sớm thường sẽ nộp hồ sơ vào nhiều trường, kể cả những em được tuyển thẳng vì còn phụ thuộc vào mong muốn, sở thích của các em. Do đó, chắc chắn sẽ có một tỷ lệ ảo nhất định.
Chính vì thế, việc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ vô tình hạn chế hiệu quả tuyển sinh cũng như quyền chủ động của các cơ sở giáo dục đại học đối với hình thức này.
Bên cạnh đó, vị này còn cho rằng, hiện nay hầu hết các trường đã chuẩn bị phương án tuyển sinh cho năm 2025. Đồng thời, thí sinh cũng đã ôn tập theo các phương thức tuyển sinh trước đó nên nếu có sự thay đổi sẽ tác động khá lớn và có thể ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển của từng trường.
Ngoài ra, dự thảo cũng yêu cầu bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung cũng chưa thực sự phù hợp.
“Mỗi phương thức xét tuyển đều có độ khó, dễ khác nhau. Ví dụ, nếu quy về chung trên thang điểm 30, việc thí sinh đạt 27/30 (90% mức điểm tối đa) theo phương thức xét điểm học bạ trung học phổ thông hay thi tốt nghiệp trung học phổ thông là điều tương đối dễ dàng.
Tuy nhiên để đạt được 135/150 với bài thi HSA (cùng 90% mức điểm tối đa) là rất khó và số lượng thí sinh đạt mức này chỉ đếm trên đầu ngón tay trên cả nước.
Chưa kể, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Do đó mức độ phân hóa đề thi chưa thực sự cao. Còn đề thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực có độ khó hơn hẳn”, vị này nêu quan điểm.
Trong khi đó, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng, khi các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ tuyển sinh thì mỗi đơn vị cũng sẽ phải tính toán được phân khúc số lượng thí sinh tuyển vào sao cho phù hợp với đặc thù của từng ngành đào tạo.
Bên cạnh đó, các trường cũng sẽ phải xác định tỷ lệ phần trăm sinh viên xét tuyển sớm theo phương thức nào thì sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn. Chẳng hạn như một số ngành đặc thù về nghệ thuật, thí sinh sẽ phải thi các môn năng khiếu, cơ sở đào tạo phải xét tuyển sớm (tổ chức thi năng khiếu) thì mới có kết quả làm cơ sở xét tuyển.
Nếu giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% thì sẽ ảnh hưởng lớn đến các trường chủ yếu tuyển sinh bằng thi năng khiếu như thể dục thể thao, văn hoá - nghệ thuật bởi con số 20% sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của các ngành đặc thù.
Theo thầy Lượng, cần nhìn vào mặt tích cực để phát huy hiệu quả của hình thức xét tuyển sớm. Trên thực tế, những em học sinh xét tuyển sớm đều là những em có định hướng, nhận thức tốt khi phải xác định mục tiêu của mình ngay từ những năm học đầu cấp.
Muốn trúng tuyển hình thức xét tuyển sớm, thí sinh phải học tập nghiêm túc và đạt kết quả tốt trong cả 3 năm học trung học phổ thông, thậm chí phải tích cực tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ để có thể đạt được chứng chỉ quốc tế.
Bên cạnh đó thầy Lượng cho hay, điểm chuẩn sẽ phụ thuộc theo đặc thù của từng ngành đào tạo. Thí sinh muốn thi vào những ngành top đầu thì dĩ nhiên sức cạnh tranh lớn, điểm sẽ cao. Điều đó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Chưa kể, sau khi thí sinh xét tuyển sớm thì vẫn phải xác nhận nhập học trên hệ thống chung của Bộ.Trên cơ sở đó, thầy Lượng kiến nghị nên điều chỉnh giới hạn không quá 20% với tỷ lệ khi sinh viên xác nhận nhập học. Điều này vừa "siết chặt" các cơ sở đào tạo không tuyển vượt chỉ tiêu, vừa tạo điều kiện cho các trường tuyển được những thí sinh chất lượng như mong muốn. Khi đó, tỷ lệ ảo sẽ do các trường tự tính toán để phù hợp với tình hình tuyển sinh của mỗi trường.