Giáo viên THCS sang dạy bậc tiểu học, bổ nhiệm lương, chứng chỉ CDNN ra sao?

17/08/2023 07:57
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bạn sẽ được cấp có thẩm quyền xét chuyển CDNN từ giáo viên THCS hạng II cũ sang vị trí việc làm giáo viên tiểu học hạng II cũ có hệ số lương 4,65.

Hiện nay, do nhu cầu công tác, do tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ nên có sự luân chuyển giáo viên từ bậc trung học cơ sở sang giáo viên bậc tiểu học (cùng do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý).

Tuy nhiên, khi chuyển thì giáo viên sẽ được bổ nhiệm, chuyển xếp lương ra sao, có cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bậc học mới hay không được đông đảo giáo viên quan tâm.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Một bạn đọc có tên N.T có địa chỉ mail nguyen..@gmail.com gửi thư về Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có băn khoăn:

Tôi tên N.T, là giáo viên dạy tiếng Anh ngạch trung học cơ sở, vào ngành tháng 2/2000, vào biên chế năm 9/2000 tại một trường trung học cơ sở. Mức lương hiện hưởng bậc 8, hệ số 4.65 (hạng 2 cũ bậc trung học cơ sở mã số V.07.04.11). Tôi đã học và nhận chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng 2 năm 2019.

Hiện nay, tôi đang công tác tại trường tiểu học, vẫn dạy môn tiếng Anh do từ năm 2013 tôi có quyết định chuyển từ trường trung học cơ sở sang trường tiểu học.

Đến thời điểm này, tôi vẫn hưởng lương hạng II cũ của ngạch trung học cơ sở, chưa chuyển sang ngạch tiểu học.

Xin cho tôi hỏi, tôi có được chuyển sang ngạch lương giáo viên tiểu học không? Khi chuyển được bổ nhiệm hạng nào, xếp lương ra sao? Tôi có cần học để lấy chứng chỉ chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học nữa không vì Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giáo viên tiểu học phải có chứng chỉ này?".

Bằng hiểu biết và căn cứ các quy định hiện hành, người viết xin tư vấn để bạn tham khảo như sau:

Thứ nhất, bạn sẽ được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học

Theo quy định hiện nay, trường hợp giáo viên chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đúng với cấp học đang giảng dạy hoặc thay đổi vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó tại Điều 30. Xét chuyển chức danh nghề nghiệp của Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định:

“1. Việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp được thực hiện khi viên chức thay đổi vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới.

2. Viên chức được xét chuyển chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được chuyển.

3. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp theo thẩm quyền phân cấp.

4. Khi xét chuyển chức danh nghề nghiệp không kết hợp nâng bậc lương.”

Như vậy, do bạn chuyển từ giáo viên trung học cơ sở nên bạn sẽ được xét chuyển sang chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được chuyển.

Thứ hai, bổ nhiệm lương từ bậc trung học cơ sở sang tiểu học không cần có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Tại Khoản 5 Điều 5. Điều khoản thi hành của Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (được hợp nhất bởi các văn bản hợp nhất 08, 09, 10, 11/VBHN-BGDĐT)

“5. Trường hợp giáo viên chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đúng với cấp học đang giảng dạy hoặc thay đổi vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và đảm bảo nguyên tắc:

a) Bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp đang giữ khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm và chuyển xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất của hạng được chuyển theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật;

b) Khi chuyển chức danh nghề nghiệp không được kết hợp thăng hạng chức danh nghề nghiệp, không kết hợp nâng bậc lương;

c) Khi chuyển chức danh nghề nghiệp không yêu cầu viên chức phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của vị trí việc làm được chuyển;

d) Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp cũ được xác định tương đương thời gian giữ chức danh nghề nghiệp được chuyển.”

Do quy định khi chuyển chức danh nghề nghiệp không yêu cầu viên chức phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của vị trí việc làm được chuyển nên bạn không cần có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tiểu học.

Theo đó, theo quan điểm người viết, trước hết bạn sẽ được cấp có thẩm quyền xét chuyển chức danh nghề nghiệp từ giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ (mã số V.07.04.11), được chuyển sang vị trí việc làm giáo viên tiểu học hạng II cũ có hệ số lương 4,65 nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên tiểu học hạng II theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT.

Nếu bạn chuyển sang bậc II cũ của bậc tiểu học trong năm 2023, thì trong năm 2024 bạn sẽ được bổ nhiệm sang hạng II mới.

Trên đây là một số thông tin chia sẻ cùng bạn, phần tư vấn có tính chất tham khảo. Thông tin chi tiết bạn liên hệ Phòng Nội vụ nơi bạn công tác.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam