Giáo viên nêu một số bất cập và hạn chế về SGK theo chương trình GDPT mới

21/04/2023 06:30
Nguyễn Thuận Thanh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi một bộ sách đều có những ưu điểm nhất định. Nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế gây khó khăn cho việc dạy và học tại cấp trung học phổ thông.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được ý kiến của giáo viên đang công tác tại một Trường Trung học phổ thông tại Quảng Ninh về một vài điểm trong sách môn Toán học, Vật lí, Hóa học lớp 10 của các bộ sách theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Người viết mong muốn nên có đánh giá, rà soát lại những nội dung được phản ánh để có phương án chỉnh lí phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học.

Nhằm thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, năm 2018 chương trình giáo dục phổ thông mới đã được thông qua và năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện việc dạy và học theo sách giáo khoa mới ở cấp trung học phổ thông (triển khai ở khối lớp 10).

Các bộ sách còn "vênh" nhau về nội dung kiến thức

Đây là một bước nhằm thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa được sử dụng để dạy và học tại bậc giáo dục phổ thông. Theo đó, đến thời điểm hiện nay có 3 bộ sách giáo khoa khác nhau được phê duyệt để dùng chính thức trong nhà trường phổ thông, đó là bộ Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

Ở vai trò giáo viên, khi nghiên cứu và tìm hiểu các bộ sách này, đặc biệt là sách dùng cho cấp trung học phổ thông có thể thấy, mỗi một bộ sách đều có những ưu điểm nhất định. Nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế gây khó khăn cho việc dạy và học tại cấp trung học phổ thông.

Cụ thể: sách giáo khoa Toán 10 (tập một) thuộc bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm tại Bài 1, Chương I, trang 5 khi đề cập "Mệnh đề toán học" là chủ đề của bài học. Tại nội dung đầu tiên khi mở đầu cho bài học có đưa ra hai câu nói, đó là “Số 15 chia hết cho 5.” và “Việt Nam là một nước ở khu vực Đông Nam Á.” và ngay sau đó là một câu hỏi: “Trong hai phát biểu trên, phát biểu nào là mệnh đề toán học?

Bất hợp lý ở đây được thể hiện đó là: học sinh khi chưa biết thế nào là "Mệnh đề toán học" bởi khái niệm này chỉ được đề cập sau đó nên sẽ không thể trả lời được câu hỏi ngay đầu bài học. Vì thế, rất cần thiết phải xem lại nội dung này.

Sách giáo khoa Toán 10 (tập hai) thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Bài 18, Chương VI, trang 25 có đề mục tổng quát là “Phương trình quy về phương trình bậc hai“, như thế, khi nhìn vào đề mục này người đọc có thể nghĩ tới việc sẽ được học tất cả các phương trình quy về phương trình bậc hai. Tuy nhiên trong nội dung này của sách - được đề cập ngay sau đó - là chỉ có hai dạng phương trình được quy về phương trình bậc hai đó là:

Như thế, đây chỉ là hai dạng phương trình được quy về bậc hai, trên thực tế trong Toán học còn có rất nhiều dạng phương trình khác nhau cũng được quy về phương trình bậc hai bằng nhiều cách thức và kỹ năng giải khác nhau như phương trình bậc cao, phương trình lượng giác, phương trình mũ… Như vậy, với việc đưa ra đề mục như trên và với nội dung được giới thiệu như vậy là một một thiếu sót của sách giáo khoa này.

Có một điều cần được lưu ý là, những kiến thức về Toán học còn được sử dụng cho môn học khác như Vật lí, Hóa học… thế nhưng việc sắp xếp các đơn vị kiến thức ở các bộ sách giáo khoa đã không có sự đồng nhất trong việc định hướng nội dung tiếp cận nên đã gây khó cho việc dạy và học ở các môn học khác.

Cụ thể, vectơ là một đại lượng Toán học và đại lượng này cũng được sử dụng trong môn Vật lí, thế nhưng, nếu như những kiến thức Vật lí có sử dụng nhiều kiến thức về vectơ trong chương trình Vật lí lớp 10 là Động học và Động lực học đã được giới thiệu tại Chương II và Chương III của sách Vật lí 10 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, thì ở môn Toán, những kiến thức về vectơ, học sinh chỉ được học tại Chương IV, sách Toán 10 (tập một) thuộc bộ Cánh diều và Chương IV, sách Toán 10 (tập một) thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Chính vì sự không hợp lý về trình tự kiến thức như vậy sẽ gây khó khăn cho việc dạy và học một Vật lí ngay từ ban đầu đối với thầy cô giáo và học sinh.

Bìa sách, được xem như mang những đặc trưng cốt lõi nhất của cuốn sách đó thì hiện tại, bìa cuốn sách Toán 10 (tập hai) thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống lại được minh họa bởi hai hình ảnh: một là, mô tả sự chuyển động của Trái Đất và hai là những tia lửa điện. Như thế, những hình ảnh minh họa bìa này sẽ khiến người xem liên tưởng đến các vấn đề của Vật lí hoặc Địa lí chứ không phải là Toán học. Theo cá nhân người viết, minh họa này là không phù hợp về mặt khoa học.

Bìa của cuốn sách Toán 10 (tập hai) thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Tác giả cung cấp
Bìa của cuốn sách Toán 10 (tập hai) thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Tác giả cung cấp

Có một điểm rất dễ nhận thấy, đó là sự không thống nhất về mặt khoa học giữa các bộ sách. Cụ thể, nếu như "Mệnh đề" là một chủ đề được sách Toán 10 (tập một) thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đề cập là các mệnh đề nói chung thì ở sách Toán 10 (tập một) thuộc bộ Cánh Diều lại được đề cập với nội dung hẹp hơn, chỉ là các mệnh đề toán học.

Hay, khi nói về nguồn gốc hình thành Trái đất, sách Địa lí 10 thuộc bộ Cánh diều tại trang 11 viết như sau: "Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của Trái Đất. Một số giả thuyết cho rằng, ban đầu hệ Mặt Trời là một đám mây bụi quay tròn gọi là tinh vân Mặt Trời. Trong khi quay, lực hấp dẫn và quán tính làm đám mây trở nên phẳng như hình dạng một cái đĩa, vuông góc với trục quay của nó. Đồng thời khối bụi lớn nhất tập trung vào trung tâm, nóng lên và cô lại thành Mặt Trời; phần còn lại xung quanh tạo thành các vành xoắn ốc. Các vành xoắn ốc dần dần kết tụ lại dưới tác dụng của trọng lực và trở thành các hành tinh, trong đó có Trái Đất”.

Tuy nhiên, sách Địa lí 10 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống tại trang 15 thì lại viết: "Có rất nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của Trái Đất, liên quan chặt chẽ với sự hình thành hệ Mặt Trời. Một số giả thuyết cho rằng: Mặt Trời khi hình thành di chuyển trong dải Ngân Hà, đi qua đám mây bụi và khí. Do lực hấp dẫn của Vũ Trụ mà trước hết là của Mặt Trời, khí và bụi chuyển động theo những quỹ đạo hình elip, dần dần ngưng tụ thành các hành tinh (trong đó có Trái Đất)”.

Như vậy, với những thông tin khoa học được đưa ra khác nhau thì sẽ có một câu hỏi được đặt ra là, sách nào tin cậy hơn? Và khi xem xét có thể thấy, sự không thống nhất về mặt khoa học của hai sách này còn được thể hiện ở nhiều chỗ khác nhau, cụ thể:

Chủ đề

Sách Địa lí 10 Bộ Cánh Diều, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm

Sách Địa lí 10 Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Khái niệm Khí quyển

Khí quyển là lớp không khí bao quanh Trái Đất, thường xuyên chịu ảnh hưởng của vũ trụ, trước hết là Mặt Trời. Không khí bao gồm các thành phần: khí ni-tơ (78%); khí ô-xy (21%); hơi nước, khí cac-bo-nic và các khí khác (1%). Trang 26.

Khí quyển là lớp không khí bao quanh Trái Đất, luôn chịu ảnh hưởng của Vũ Trụ, trước hết là Mặt Trời. Thành phần chính của khí quyển là không khí, bao gồm hỗn hợp các chất khí, chủ yếu là ni-tơ (78,1%), ô-xy (20,9%) và các khí khác (ác-gông, các-bo-nic, hơi nước,…), ngoài ra còn có bụi và các tạp chất khác. Trang 28.

Khái niệm Thủy quyển

Thủy quyển là toàn bộ lượng nước trên Trái Đất ở các trạng thái khác nhau (lỏng, rắn, hơi), bao gồm nước trong các biển, đại dương, trên các lục địa và trong khí quyển, trong đó có khoảng 2,8% là nước ngọt, còn lại là nước mặn.

Trang 38.

Thủy quyển là toàn bộ lớp bao quanh Trái Đất, phân bố trong các đại dương, trên lục địa, trong các lớp đất đá, trong khí quyển và cả trong cơ thể sinh vật.

Trang 37.

Khái niệm Sinh quyển

Sinh quyển là toàn bộ sinh vật sống trên Trái Đất, tại thành một quyển của Trái Đất. Đặc điểm chủ yếu của sinh quyển là các cơ thể sống, bao gồm: thực vật, động vật và vi sinh vật.

Trang 46.

Sinh quyển là một trong những bộ phận cấu tạo nên lớp vỏ Trái Đất, nơi có sự sống tồn tại. Giới hạn của sinh quyển phụ thuộc vào sự tồn tại của sự sống. Ranh giới trên cao tiếp xúc với lớp ô-dôn của khí quyển, ranh giới thấp xuống tận đáy sâu của các hố đại dương và dừng lại ở lớp vỏ phong hóa trên đất liền. Như vậy, sinh quyển bao gồm: phần thấp của khí quyển (tầng đối lưu), toàn bộ thủy quyển và phần trên của thạch quyển. Trang 47.

Độ muối của nước biển và đại dương

Có nhiều chất hòa tan trong nước biển, đại dương nhưng muối biển là thành phần quan trọng nhất, trong đó 77,8% là muối nat-ri clo-rua. Độ muối trung bình của nước biển, đại dương là35%0 và thay đổi theo không gian. Độ muối lớn nhất ở vùng chí tuyến (36,8%0), giảm đi ở xích đạo (34,5%0) và vùng cực (34%0). Trên các đại dương có độ muối lớn hơn những vùng ven biển. Trang 42.

Nước biển có nhiều chất hòa tan, nhiều nhất là các muối khoáng. Độ muối trung bình của nước biển là 35%0. Độ muối tăng hay giảm phụ thuộc vào lượng bốc hơi, lượng mưa và lượng nước sông đổ vào (ví dụ: Biển Đỏ có độ muối đạt tới 43%0, trong khi biển Ban-tích có độ muối chỉ dưới 10%0).

Độ muối còn thay đổi theo vĩ độ: vùng xích đạo độ muối là 34,5%0, vùng chí tuyến độ muối là 36,8%0, vùng ôn đới độ muối giảm còn 35%0, vùng gần cực độ muối chỉ còn 34%0. Độ muối cũng thay đổi khá phức tạp theo độ sâu, tùy thuộc vào các điều kiện khí tượng, thủy văn. Trang 41.

Bên cạnh đó, sự không thống nhất giữa các bộ sách còn được thể hiện ở sự phân bổ kiến thức. Có thể theo dõi theo bảng sau:

Chính vì những sự không thống nhất này sẽ gây khó khăn cho việc dạy và học ở trường phổ thông.

Và sự không nhất về mặt khoa học giữa các bộ sách cũng còn được thể hiện ở môn Hóa học. Cụ thể, theo nội dung của chương trình thì phần các nguyên tố halogen đã được giới thiệu tại sách Hóa học 10 thuộc Bộ Cánh Diều và sách Hóa học 10 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Tuy nhiên, cơ cấu, nội dung và sự phân bổ các đơn vị kiến thức về chủ đề này của hai sách là không giống nhau.

Nếu như sách Hóa học 10 thuộc bộ Cánh Diều đề cập theo tuyến nói về tính oxi hóa và tính khử của các nguyên tố halogen khá sâu thì ở sách Hóa học 10 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống lại đề cập các tính chất của các nguyên tố này theo hướng liệt kê với nhiều các phương trình phản ứng hóa học khác nhau, trong đó có những phương trình hóa học mà sách Hóa học 10 thuộc bộ Cánh Diều chưa đề cập.

Ngoài ra, sách Hóa học 10 thuộc bộ Cánh Diều còn đề cập cách nhận biết các nguyên tố halogen còn sách Hóa học 10 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống lại không nói tới. Chính vì sự không thống nhất như vậy nên cần thiết phải có sự xem xét về chất lượng và tính khoa học của những phần kiến thức trong các bộ sách này.

Bên cạnh các bất cập nói trên thì có thể thấy, các bộ sách còn có một điểm hạn chế, đó là câu hỏi và bài tập theo hình thức trắc nghiệm khách quan được sử dụng ít. Trên thực tế, các câu hỏi và bài tập theo hình thức trắc nghiệm khách quan được sử dụng nhiều trong các bài kiểm tra, các kỳ thi, do đó sách giáo khoa cần khai thác nhiều hơn câu hỏi và bài tập dạng này.

Đôi điều trao đổi thêm

Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa đã được đặt ra từ Kỳ họp thứ 8 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII và được đưa vào Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội. Theo Nghị quyết này, sẽ có một một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Để thực hiện chủ trương, các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở quy định của Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Thông tư này, việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo tiêu chí là phải phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Khi đó, việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo quy trình là tổ chuyên môn của cơ sở giáo dục phổ thông sẽ lựa chọn sách giáo khoa cho mỗi môn học tương ứng và có sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh, sau đó trình lên Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập. Sau đó, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa sẽ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sẽ được dùng chính thức trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương mình.

Vấn đề ở đây là, sách giáo khoa là được dùng cho học sinh phổ thông, đây là đối tượng sử dụng trực tiếp, thường xuyên và nhiều nhất, thế nhưng trong quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư nói trên lại không hề nói tới việc có sự tham gia của đại diện học sinh. Học sinh, khi các em đọc sách, sẽ có cảm quan ban đầu về việc sách nào các em thấy dễ hiểu, có hứng thú với bài học, phù hợp tâm lý của các em hơn. Vì thế, trong việc lựa chọn sách giáo khoa, cần thiết phải có sự tham gia của học sinh trên cơ sở có thêm sự hỗ trợ của thầy cô giáo mới là đúng đắn.

Chúng ta đang trong kỷ nguyên của công nghệ số và thông tin, truyền thông, việc có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau cho mỗi môn học sẽ giúp cho học sinh có nhiều học liệu khác nhau.

Thế nhưng việc các bộ sách giáo khoa có những bất cập, còn có chỗ chưa có sự thống nhất về đơn vị và thông tin kiến thức sẽ gây cản trở cho việc giảng dạy và tiếp nhận tri thức. Chính vì thế, cần thiết phải nhìn nhận lại chất lượng cũng như tính thống nhất, chuẩn mực của các bộ sách giáo khoa. Có như thế mới tạo ra được những bước đà và bước đi vững chắc cho sự phát triển.

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của giáo viên Nguyễn Thuận Thanh. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Nguyễn Thuận Thanh