Giáo viên mong được xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở khi biệt phái trở về

05/10/2024 06:25
Thu Thuỷ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Với nỗ lực cống hiến, nhiều giáo viên mong muốn được xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở để được ưu tiên nâng lương trước thời hạn sau khi biệt phái trở về.

Trong thời gian vừa qua, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã nỗ lực khuyến khích và động viên các giáo viên đi biệt phái tại một số trường vùng sâu, vùng xa, nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy Tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Việc này không chỉ góp phần cải thiện chất lượng giảng dạy ở những địa bàn khó khăn mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của giáo viên đối với nhiệm vụ giáo dục. Tuy nhiên, các giáo viên cũng mong muốn sau khi hoàn thành nhiệm vụ biệt phái được ghi nhận xứng đáng hơn.

Đi biệt phái, giáo viên gặp muôn vàn khó khăn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Dương Thị Mai Hương (sinh năm 1977), giáo viên Tiếng Anh của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hán Đà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho biết đã thực hiện biệt phái 2 năm tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Phình Hồ (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái).

Ảnh màn hình 2024-09-27 lúc 16.23.03.png
Cô Dương Thị Mai Hương đi biệt phái 2 năm tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Phình Hồ (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC

Chia sẻ về quá trình biệt phái, cô Hương cho biết, điều kiện thời tiết và đường xá đi lại khó khăn khiến thời gian di chuyển đến trường của cô có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ, nhất là vào mùa mưa lũ. Thêm vào đó, thời tiết ở vùng cao khá khắc nghiệt, mùa đông nhiệt độ chỉ khoảng 5 - 7 độ C vào ban ngày và 3 - 5 độ C vào ban đêm. Nhiều thầy cô khi đến vùng cao thường gặp phải các vấn đề về sức khỏe như cảm lạnh, viêm phổi do không quen với điều kiện thời tiết.

Ngoài ra, cơ sở vật chất của các trường học ở vùng cao còn nhiều thiếu thốn. Mặc dù một số lớp học đã có trang bị tivi và máy tính, nhưng việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy vẫn gặp nhiều trở ngại do học sinh khó tiếp thu và thiếu kỹ năng sử dụng các thiết bị hiện đại. Thậm chí, việc giảng dạy phải quay trở lại các phương pháp truyền thống như dùng bảng đen và phấn trắng, điều này làm giảm hiệu quả của quá trình dạy và học.

Thêm vào đó, các trường vùng cao vẫn còn tình trạng thiếu tài liệu giảng dạy và trang thiết bị hỗ trợ khác. Điều này đặt ra một thách thức cho giáo viên phải tự tìm cách thích nghi với điều kiện dạy học, trong khi vẫn phải đảm bảo học sinh có thể hiểu và tiếp thu kiến thức.

“Về mức lương sau khi đi biệt phái, tôi vẫn được nhận lương từ trường cũ và hưởng phụ cấp ưu đãi 70% lương cơ bản do làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, dù có thêm khoản phụ cấp nhưng giáo viên vẫn phải chắt chiu mới đủ sinh hoạt. Bởi một số giáo viên biệt phái còn trả chi phí thuê phòng vì khu phòng công vụ thường ở chung nhiều người gây bất tiện. Chưa kể, các chi phí sinh hoạt cơ bản như ăn uống và đi lại cũng tốn kém hơn”, cô Hương tâm sự.

Trong khi đó, thầy Cao Hải Kiên, giáo viên Tiếng Anh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Hương (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) nhận định, biệt phái giáo viên không chỉ là một thử thách về mặt nghề nghiệp mà còn là cơ hội để giáo viên trải nghiệm và hiểu sâu hơn về tình hình giáo dục ở các vùng khó khăn.

Thầy Kiên cho biết, năm học 2022-2023, thầy đã thực hiện biệt phái tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Sau 1 năm trở về trường cũ, thầy Kiên tiếp tục biệt phái tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tà Xi Láng (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) vào năm học 2024-2025.

Ảnh màn hình 2024-09-27 lúc 16.35.17.png
Thầy Cao Hải Kiên hướng dẫn làm bài tập cho học trò vùng cao. (Ảnh: NVCC)

“Hai trường mà tôi thực hiện biệt phái đều thuộc xã khó khăn với 100% học sinh là đồng bào dân tộc Mông. Những thách thức mà các giáo viên phải đối mặt không chỉ là điều kiện sinh hoạt thiếu thốn mà còn khó khăn về vấn đề di chuyển. Ở các vùng cao như Trạm Tấu thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa bão. Do đó, nhiều khi con đường duy nhất tới trường bị chia cắt, khiến việc di chuyển của các thầy cô không chỉ vất vả mà còn tiềm ẩn nguy hiểm.

Bên cạnh đó, nơi ở của giáo viên biệt phái thường là những căn phòng nhỏ, không đầy đủ tiện nghi, nhất là phải sinh hoạt chung với nhiều người khác dẫn đến sự bất tiện không đáng có. Trên vùng cao, có những hôm không có nước sạch hoặc điện ổn định khiến nhiều giáo viên bị đảo lộn sinh hoạt. Chưa kể có những giáo viên phải chấp nhận sống xa gia đình hàng tuần, hàng tháng mà không thể về thăm nhà. Khoảng cách địa lý xa xôi cũng đồng nghĩa với việc thiếu thốn về mặt tinh thần, nhiều người cảm thấy cô đơn và áp lực khi phải thích nghi với môi trường sống mới”, thầy Kiên tâm sự.

Theo thầy Kiên, khi biệt phái, giáo viên không chỉ gặp khó khăn trong sinh hoạt mà còn phải đối mặt với nhiều thử thách trong công tác giảng dạy. Ở những địa phương này, nhiều em không sử dụng thành thạo tiếng Việt, dẫn đến việc hiểu bài khó khăn. Đây là một vấn đề lớn khi giáo viên phải cố gắng truyền đạt kiến thức một cách đơn giản và dễ hiểu hơn, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo chất lượng giáo dục.

“Một khó khăn nữa của đa số giáo viên biệt phái là thích nghi và hòa nhập với môi trường mới. Tại các vùng dân tộc thiểu số, văn hóa và lối sống của người dân rất khác biệt. Việc giáo viên phải thích nghi với văn hóa địa phương là điều cần thiết để có thể dạy học một cách hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình này không phải lúc nào cũng dễ dàng khi sự khác biệt về ngôn ngữ và phong tục tập quán dễ tạo ra những rào cản giao tiếp giữa giáo viên và học sinh, cũng như giữa giáo viên và phụ huynh.

Ngoài ra, khi chuyển đến trường mới, giáo viên biệt phái phải xây dựng lại mối quan hệ với đồng nghiệp và học sinh. Mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ ban giám hiệu và đồng nghiệp, nhưng việc thích nghi với phương pháp giảng dạy, nề nếp sinh hoạt mới là một quá trình đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian”, thầy Kiên nêu quan điểm.

Giáo viên mong muốn sau khi hoàn thành biệt phái được ghi nhận bằng các chính sách thiết thực

Theo cô Dương Thị Mai Hương, một trong những mong muốn lớn nhất của cô khi quay trở lại trường cũ là được xem xét tăng lương hoặc các hình thức khen thưởng khác. Bởi biệt phái là một nhiệm vụ đầy thử thách và đòi hỏi sự hy sinh lớn. Chính vì thế, việc có những chính sách ghi nhận và động viên giáo viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ biệt phái là điều nên làm.

"Tôi và đa số giáo viên trong trường cũ đều được xét danh hiệu lao động tiên tiến. Mặc dù đã biệt phái trên vùng cao 2 năm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao do trường biệt phái đánh giá, nhưng tôi vẫn gặp khó trong việc xét lên danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Do đó, tôi mong muốn các giáo viên biệt phái khi trở về công tác tại trường cũ sẽ được tạo điều kiện trong việc xét danh hiệu này bởi đây là căn cứ được ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn", cô Hương tâm sự.

Thầy Nguyễn Đức Vinh, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lý Tự Trọng (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) nhận nhiệm vụ biệt phái tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bản Mù (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) từ ngày 05/9/2024 đến hết ngày 31/5/2025.

Thầy Vinh chia sẻ, mặc dù giáo viên biệt phái phải đối mặt với thách thức về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và sinh hoạt còn hạn chế, nhưng đổi lại là những kỷ niệm đáng nhớ về quá trình công tác của mình.

Ảnh màn hình 2024-09-27 lúc 16.32.12.png
Thầy Nguyễn Đức Vinh (đứng bên phải) nhận nhiệm vụ biệt phái tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bản Mù (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). (Ảnh: NVCC)

Thời điểm tiếp nhận trường, thầy Vinh đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ ban giám hiệu, đồng nghiệp và học sinh, đồng thời ban giám hiệu cũng tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên biệt phái hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, thầy Vinh cũng mong muốn sau khi biệt phái trở về trường cũ, các giáo viên sẽ được ghi nhận bằng các hình thức xứng đáng hơn.

“Trước những khó khăn và thách thức mà các giáo viên biệt phái đang đối mặt, tôi cho rằng, các cơ sở giáo dục cần xem xét tạo điều kiện cho giáo viên biệt phái có thể đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở để được ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn. Đây là điều mong mỏi của nhiều giáo viên biệt phái khi quay trở về trường cũ. Chính sách này không chỉ tạo động lực cho giáo viên mà còn giúp khuyến khích nhiều giáo viên khác sẵn sàng tham gia nhiệm vụ biệt phái trong tương lai”, thầy Vinh bày tỏ.

Thu Thuỷ