Đi biệt phái khiến giáo viên lỡ dở cơ hội xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

19/08/2023 06:29
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đi biệt phái, thầy cô giáo nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ nhưng chưa được tận dụng được hết chuyên môn. Nhiều cơ sở giáo dục mong ngóng giáo viên chính thức.

Giáo viên biệt phái chưa được tận dụng hết năng lực chuyên môn

Để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều địa phương đã thực hiện việc biệt phái giáo viên.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Lư Sĩ Pháp - Giáo viên Toán học của Trường Trung học phổ thông Tuy Phong (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đang thực hiện nhiệm vụ biệt phái tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm từ 01/01/2021 đến ngày 01/01/2024.

Trước khi biệt phái, tại Trường Trung học phổ thông Tuy Phong, thầy Pháp là một trong những giáo viên môn Toán vừa nhận nhiệm vụ ôn thi tốt nghiệp, vừa là người gắn bó, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12, nên khi được cử đến một trường trung học cơ sở, thầy không khỏi bất ngờ.

Thầy Lư Sĩ Pháp chia sẻ: “Về mặt chuyên môn, môn Toán cấp trung học cơ sở không khó, không nhiều kiến thức chuyên sâu như ở bậc trung học phổ thông. Tuy nhiên, giáo viên biệt phái như chúng tôi sẽ gặp phải khó khăn khi chuyển sang một môi trường mới, khi cách học, cách tiếp thu ở hai bậc học này không giống nhau.

Mặc dù vậy, chúng tôi đều cố gắng, nỗ lực hết mình để khắc phục những khó khăn trong môi trường mới và hoàn thành nhiệm vụ”.

Thầy giáo Lư Sĩ Pháp - Giáo viên Toán học của Trường Trung học phổ thông Tuy Phong đang thực hiện nhiệm vụ biệt phái tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.

Thầy giáo Lư Sĩ Pháp - Giáo viên Toán học của Trường Trung học phổ thông Tuy Phong đang thực hiện nhiệm vụ biệt phái tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.

Năm đầu tiên được cử về Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Pháp phụ trách giảng dạy môn Toán lớp 6 và môn Tin học lớp 7. Kế đó, có một khoảng thời gian nhà trường áp dụng phương thức học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một mình thầy Pháp đảm nhiệm dạy môn Toán cho 4/6 lớp 9 sau đó dạy học bình thường dạy 1 lớp 9 và Tin học khối 7. Đến năm học 2022-2023, thầy Pháp vừa giảng dạy môn Toán của một lớp 9, hai lớp 8 và môn Tin học của cả khối lớp 7.

Cũng theo đó, có nơi, giáo viên Toán từ trung học phổ thông khi đi biệt phái về trường trung học cơ sở, còn được phân công dạy cả môn khác nhau không đúng chuyên môn.

Theo thầy Lư Sĩ Pháp, giáo viên được cử đi biệt phái đều là thầy, cô có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ tốt. Tuy nhiên, nhà trường chưa tận dụng được tối đa nguồn giáo viên biệt phái khi phân công dạy khác với chuyên môn tại trường đang được biên chế.

Bên cạnh đó, thầy Pháp cũng trăn trở khi trong thời gian biệt phái, thầy cũng bỏ lỡ cơ hội xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong năm nay, phải chờ đến năm 2024, trở về Trường Trung học phổ thông Tuy Phong mới được xét.

Khi được hỏi về chế độ cho giáo viên biệt phái, thầy Pháp thông tin: “Tôi được hưởng lương theo đúng quy định của Nhà nước. Không có thêm một chế độ nào ưu tiên hơn dành cho giáo viên biệt phái”.

“Biệt phái giáo viên là giải pháp tạm thời cho các trường thừa - thiếu giáo viên. Tuy nhiên, là giáo viên ai cũng có những tâm tư khi đã bỏ công sức đi học, đầu tư thời gian để nâng cao chất lượng chuyên môn, lại bị biệt phái xuống cơ sở giáo dục khác không cùng bậc học. Giáo viên phải “tự thân vận động”, chuẩn bị lại mọi thứ từ đầu, đến khi dần quen thì thời gian biệt phái cũng gần hết. Khó khăn chồng chéo khiến cho thầy, cô giáo không toàn tâm với công việc giảng dạy” - thầy Pháp tâm sự, khi đã gắn bó với Trường Trung học phổ thông Tuy Phong hơn 10 năm, lại được cử đi biệt phái.

Thầy giáo Lư Sĩ Pháp cũng bày tỏ: “Chúng tôi rất mong, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cùng các cấp lãnh đạo có thể xây dựng chính sách hỗ trợ thêm cho giáo viên biệt phái, chẳng hạn như hỗ trợ kinh phí đi lại, tăng lương trước thời hạn, tiền ăn trưa (đi xa từ 10km),...

Tại Trường Trung học phổ thông Tuy Phong, những năm qua đã có 3 đợt biệt phái giáo viên đến hỗ trợ các cơ sở giáo dục khác. Hy vọng là sau khi tôi trở về, trường sẽ không có thầy cô giáo nào phải đi biệt phái nữa, để thầy cô yên tâm công tác giảng dạy, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”.

Biệt phái giáo viên Tiếng Anh và Tin học tại vùng khó

Theo lộ trình đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc đối với lớp 3, đây là một trong những thách thức chung đối với ngành giáo dục.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng, trước thềm năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 209 trường có học sinh tiểu học với 3.833 giáo viên, trong đó có 127 giáo viên môn Tiếng Anh.

Trước tình trạng thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh tuyển dụng 83 chỉ tiêu giáo viên dạy Tiếng Anh nhưng chỉ có 13 hồ sơ đăng ký, không đảm bảo số lượng giáo viên cần tuyển.

Riêng hai huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm là hai địa phương khó nhất của tỉnh Cao Bằng, lại có nhiều điểm trường, ít giáo viên.

Song, để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện biệt phái 38 giáo viên Tiếng Anh từ ngày 01/04 đến hết ngày 31/5/2023.

Gặp mặt các thầy, cô trong đoàn công tác biệt phái đến huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Ảnh: NVCC.

Gặp mặt các thầy, cô trong đoàn công tác biệt phái đến huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Ảnh: NVCC.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lương Ngọc Ánh - Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng) cho biết, việc biệt phái giáo viên đến hỗ trợ “đơn vị bạn” hoàn thành chương trình môn Tiếng Anh và Tin học là việc làm chưa từng có tiền lệ của tỉnh Cao Bằng.

Để chuẩn bị tốt chủ trương biệt phái giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã yêu cầu tất cả giáo viên dạy môn Tiếng Anh và môn Tin học cấp trung học cơ sở hiện có trên địa bàn tham gia tập huấn, bồi dưỡng dạy sách giáo khoa môn Tiếng Anh, môn Tin học lớp 3 năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo đối với lớp 4, 5.

Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai chủ trương biệt phái giáo viên, nhiều thầy, cô đã xung phong, tình nguyện đi thực hiện nhiệm vụ.

Đánh giá về hiệu quả công tác giáo viên của tỉnh trong năm học vừa qua, thầy Lương Ngọc Ánh chia sẻ: “Các thầy, cô đã tạo dấu ấn cho học sinh, phụ huynh và địa phương nơi đến công tác bằng tinh thần trách nhiệm, chia sẻ những khó khăn, vất vả của học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Nhờ chủ trương biệt phái giáo viên đến hỗ trợ các “đơn vị bạn”, mà toàn bộ học sinh lớp 3 của huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm hoàn thành môn học Tiếng Anh và Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Giờ học môn Tiếng Anh tại một điểm trường thuộc tỉnh Cao Bằng. Ảnh: NVCC.

Giờ học môn Tiếng Anh tại một điểm trường thuộc tỉnh Cao Bằng. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về chế độ cho giáo viên biệt phái, thầy Ánh cho biết, các chế độ cho giáo viên biệt phái như: lương, phụ cấp, tiền dạy thêm giờ đều được chi trả theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, tạo điều kiện chỗ ăn, chỗ nghỉ cho giáo viên tại các địa phương nơi có giáo viên biệt phái đến hỗ trợ.

Bên cạnh đó, phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tuyên truyền phụ huynh đưa học sinh lớp 3 ở các điểm trường xa về điểm trường chính, điểm trường thuận lợi để tập trung học môn Tiếng Anh, Tin học trong thời gian giáo viên đến biệt phái.

Kịp thời nắm bắt tình hình khó khăn khi thiếu giáo viên tại nhiều cơ sở giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đã cử 02 giáo viên môn Tiếng Anh và môn Tin học đi biệt phái tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang).

Trước khi tiếp nhận giáo viên biệt phái, cô Dương Thị Thành - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Cú đã có những kế hoạch để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, Tiếng Anh và Tin học đều là hai môn học biệt lập, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức chuyên môn, nên việc khắc phục gặp nhiều khó khăn.

Nói về hiệu quả của việc tiếp nhận giáo viên biệt phái, nữ Hiệu trưởng cho biết: “Điều đáng ghi nhận ở đây là học sinh được học đầy đủ tất cả các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra. Đáng nói, đối với môn Tiếng Anh và Tin học, nếu không có giáo viên dạy thì sẽ không đảm bảo được chất lượng của chương trình”.

Năm học vừa qua, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Cú đã có những hỗ trợ thiết thực đến các thầy, cô giáo đi biệt phái tại trường, thông qua việc hỗ trợ chi phí đi lại. Dù là một phần nhỏ nhưng điều này thể hiện sự quan tâm, động viên sát sao của thầy và trò nhà trường.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cũng tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở giáo dục khi trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ cho môn học Tiếng Anh và Tin học như máy tính, tai nghe, ti vi,… vừa để dạy trực tiếp vừa để dạy trực tuyến.

Vẫn chỉ là giải pháp tình thế

Có thể nói, công tác biệt phái giáo viên đã tạo được dấu ấn tích cực trong năm học 2022-2023 tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Cú.

Cô Dương Thị Thành chia sẻ: “Cơ bản giáo viên đến biệt phái đều hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 với môn Tiếng Anh và Tin học, năm học vừa qua là năm đầu tiên các em học sinh có cơ hội làm quen. Vì được sử dụng máy tính, được sử dụng tai nghe, nên các em đều rất hào hứng và thích thú. Năm học vừa qua, tỉ lệ chất lượng học sinh đảm bảo yêu cầu tương đối cao.

Ngày trước, học sinh tham gia các cuộc thi tiếng Anh, còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau khi tiếp cận với máy tính, được học thêm tiếng Anh, được bổ sung thêm kiến thức về tin học, các em đều đã tự tin hơn”.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Cú cũng bày tỏ: “Vì giáo viên được cử đi biệt phái thường rất vất vả trong việc đi lại, nên nhà trường rất mong sớm có giáo viên chính thức, để tạo điều kiện, giảm bớt khó khăn cho thầy cô chuyên tâm giảng dạy. Như vậy cũng sẽ hài hòa và hợp lý hơn so với việc cử giáo viên đi biệt phái”.

Đồng quan điểm đó, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng) cũng nhấn mạnh: “Việc cử giáo viên đi biệt phái các điểm trường khó khăn chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ từ sớm, nhất là chuẩn bị cho năm học 2023-2024 cận kề để đảm bảo hoàn thành đúng chất lượng và mục tiêu đề ra”.

Thảo Ly