Giáo viên mắc Covid có được nghỉ dạy không, Bộ Giáo dục cần hướng dẫn

04/03/2022 06:33
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi trường làm mỗi cách, mỗi địa phương làm mỗi kiểu khác nhau và tình trạng giáo viên là F0 đang phải giảng dạy online hàng ngày hiện nay không hiếm.

Dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ những ngày đầu năm 2020 và đến nay đã qua rất nhiều đợt dịch bệnh bùng phát. Trong quá trình diễn biến của dịch bệnh, nhiều thời điểm của năm 2020, 2021 thì thầy và trò ở các nhà trường phải gián đoạn việc dạy và học.

Khó khăn thực sự đến với ngành Giáo dục kể từ đầu năm học 2021-2022 đối với các tỉnh phía Nam và bây giờ dịch bệnh lan rộng ra gần hết các địa phương trên cả nước. Số giáo viên là F0 ở các địa phương đều tăng lên từng ngày dẫn đến tình trạng nhiều trường học rất khó bố trí giáo viên thay thế.

Nhiều giáo viên bị nhiễm Covid-19 vẫn phải cáng đáng việc dạy online, nhiều giáo viên là F1 vẫn phải đến trường dạy học trực tiếp - đây thực sự là những băn khoăn bởi nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe cho cả thầy và trò ở các nhà trường có nhiều ca F0.

Hiện nay, nhiều học sinh và giáo viên đã mắc Covid-19. (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: P.L)

Hiện nay, nhiều học sinh và giáo viên đã mắc Covid-19.

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: P.L)

Thế nhưng, hơn 2 năm qua vẫn chưa thấy ngành Giáo dục có văn bản hướng dẫn về việc giáo viên là F0 thì sẽ được nhà trường sắp xếp ra sao? Họ được nghỉ dạy hay phải tiếp tục phải đứng lớp?

Mỗi trường làm mỗi cách, mỗi địa phương làm mỗi kiểu khác nhau và tình trạng giáo viên là F0 đang phải giảng dạy online hàng ngày hiện nay không hiếm.

Trường mở cửa trở lại nhưng chưa hướng dẫn cụ thể đối với giáo viên là F0 sẽ sắp xếp như thế nào?

Ngay sau Tết Nguyên đán thì ngành Giáo dục chủ trương đưa học sinh trở lại trường học học trực tiếp. Bắt đầu là học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông rồi tiếp đến là học sinh tiểu học, các cháu mẫu giáo, mầm non.

Nhiều hướng dẫn, kịch bản được xây dựng ở các cấp Sở, Phòng, nhà trường nhưng gần như mới đề cập đến tình trạng học sinh học sinh là F0 và bố trí phòng cách ly cho học sinh khi thấy nghi nhiễm Covid-19. Đồng thời, linh hoạt sắp xếp lịch giảng dạy cho học trò học trực tiếp, trực tuyến….

Vậy nhưng, chúng tôi chưa thấy Bộ, Sở hướng dẫn nếu như giáo viên không may bị nhiễm Covid-19 thì sẽ xử lý thế nào cho thỏa đáng? Chưa thấy có hướng dẫn nào đề cập đến việc giáo viên là F0 thì có được nghỉ dạy hay vẫn tiếp tục phải đứng lớp bình thường.

Chính vì thế, mới xảy ra tình trạng tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã trừ điểm thi đua đối với những giáo viên là F0 đang phải giảng dạy trực tuyến.

Vẫn biết Bộ chủ trương đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp là điều phù hợp khi chúng ta đã bước sang giai đoạn bình thường mới nhưng những khó khăn đối với các nhà trường thì chồng chất và phát sinh liên tục.

Đó là thời gian qua, các trường học phải mua sắm thêm máy móc để bố trí ở một số lớp để vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến nhằm đảm bảo cho những em không thể đến trường học trực tiếp vẫn có thể học trực tuyến ở nhà.

Trường nào cũng mua sắm thêm test xét nghiệm Covid-19 để sử dụng khi thấy học sinh trong trường có dấu hiệu nghi nhiễm.

Nhưng, vấn đề khi xảy ra tình trạng giáo viên nhiễm Covid-19 sẽ xử lý như thế nào vẫn đang được bỏ ngỏ. Chính vì thế, nhiều nơi, nhiều hiệu trưởng đã lên tiếng là trong trường có nhiều giáo viên là F0 nhưng họ vẫn cáng đáng việc giảng dạy online hàng ngày.

Tại sao giáo viên là F0 lại phải khổ sở đến vậy? Trong khi một số ngành nghề khác không may bị nhiễm Covid-19 thì họ được nghỉ làm việc hoặc có thể vẫn làm việc online nhưng cách làm việc online của các ngành nghề khác đơn giản hơn nhiều những giáo viên là F0.

Bởi lẽ, giáo viên phải giảng dạy là phải nói, nhất là dạy trực tuyến thì người thầy phải đóng vai trò trung tâm trong tiết học. Nói lớn, nói nhiều thì thì học sinh mới nghe, mới hiểu bài được.

Trong khi, chúng ta đều biết những người nhiễm Covid-19 thường đau cổ, rát họng và ảnh hưởng đến đường hô hấp nên khi phải dạy trực tuyến liên tục theo định mức thì chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe sau này.

Vì thế, việc một bộ phận giáo viên là F0 nhưng đang được Ban giám hiệu bố trí giảng dạy là điều không thực sự phù hợp và chưa được quan tâm đúng mức của các nhà trường và các cơ quan quản lý, trong đó có vai trò chủ quản của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ và các Sở Giáo dục nên có hướng dẫn cụ thể về trường hợp giáo viên là F0

Với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong những ngày gần đây, có lẽ chúng ta dễ dàng nhìn thấy dịch bệnh vẫn đang còn rất phức tạp, diễn biến khó lường và chưa biết thời điểm cụ thể nào sẽ khống chế được.

Trong khi, đa phần các địa phương vẫn đang duy trì hình thức giảng dạy và học tập trực tiếp tại nhà trường.

Chính vì thế, việc một bộ phận giáo viên đứng lớp đã và sẽ bị nhiễm Covid-19 là điều không tránh khỏi nên chắc chắn là dẫn đến những khó khăn cho cả người bệnh, tổ chuyên môn và nhà trường.

Thay vì cách làm manh mún như hiện nay thì Bộ và các Sở Giáo dục cần có những chỉ đạo hoặc tham mưu với các cơ quan chức năng có những hướng dẫn cụ thể với đội ngũ nhà giáo khi không may bị nhiễm Covid-19 thì nhà trường mới có cơ sở pháp lý để sắp xếp, phân công giáo viên giảng dạy.

Điều mà đội ngũ nhà giáo mong muốn nhất là nếu không may bị nhiễm Covid-19 thì họ cần được nghỉ ngơi ít nhất cho đến khi xét nghiệm là âm tính để đảm bảo sức khỏe cho bản thân về sau.

Vậy nên, Bộ và các Sở Giáo dục cần nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể về sự việc này càng sớm, càng tốt.

Bên cạnh đó, cần định hướng cho nhà trường khi đơn vị có người là F0 thì giáo viên trong tổ chuyên môn bố trí giáo viên dạy thay (nếu ca nhiễm ít) nhưng nếu trong trường có nhiều giáo viên là F0 có thể linh hoạt sắp xếp dạy cuốn chiếu đối với những môn mà giáo viên đang khỏe mạnh.

Làm như vậy vừa đảm bảo được việc học sinh không phải nghỉ học mà cũng không phát sinh tiền thừa giờ hoặc có tình trạng giáo viên phải dạy thay quá nhiều cho đồng nghiệp của mình.

Dịch bệnh sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa nhưng kéo dài đến bao lâu thì không ai khẳng định được trong lúc này nên sự chủ động, tính toán hợp lý cho nhiều tình huống là điều mà lãnh đạo Bộ và các Sở Giáo dục cần phải hướng đến.

Các trường học hiện nay đa phần đang thực hiện theo chỉ đạo của trên nhưng chính vì chưa thấy một văn bản nào hướng dẫn về trường hợp giáo viên là F0 thì bố trí giảng dạy như thế nào nên thời gian qua mỗi nơi làm mỗi kiểu và nhiều thầy cô giáo là F0 vẫn đang phải thực hiện giảng dạy số giờ theo định mức của mình.

Những trăn trở này có lẽ cũng là trăn trở chung của nhiều thầy cô giáo đang giảng dạy ở các nhà trường hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI