Giáo viên đánh giá SGK chương trình mới có nhiều ưu điểm về nội dung, hình thức

19/10/2024 07:25
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo nhiều giáo viên tại Hải Phòng, sách giáo khoa mới có hình ảnh minh họa sinh động, gần gũi, nội dung sắp xếp khoa học giúp học sinh dễ dàng tiếp thu.

Năm học 2024-2025, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được triển khai cuốn chiếu ở lớp 5, 9, 12. Như vậy, chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai ở tất cả cấp học, lớp học.

Trong đó, sách giáo khoa mới cũng có vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng của bản thân.

Sách giáo khoa mới có nhiều ưu điểm cả nội dung và hình thức

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thị Thắm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho hay: Giáo viên các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5 tại trường đều đánh giá sách giáo khoa mới có nhiều ưu điểm nổi bật, giúp việc học tập và giảng dạy trở nên hiệu quả hơn.

Theo đó, về hình thức bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức và cuộc sống" lớp 1 có hình ảnh minh họa sinh động, gần gũi, màu sắc tươi sáng, nội dung được sắp xếp khoa học giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức. Sách cũng được thiết kế theo hướng tăng cường sự tương tác giữa học sinh với nội dung học tập.

th-nvt-1.jpg
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố đánh giá sách giáo khoa mới có nhiều ưu điểm về nội dung và hình thức (Ảnh: LT)

Các hình ảnh, biểu đồ và cách sắp xếp nội dung trong sách rất rõ ràng, khoa học, giúp học sinh dễ tiếp thu. Đặc biệt là với học sinh lớp 1, việc sử dụng hình ảnh minh họa hấp dẫn giúp thu hút sự chú ý và hứng thú học tập.

Ví dụ: Trong các bài học Tự nhiên và Xã hội, hình ảnh các loài động vật và môi trường sống của chúng được minh họa chi tiết với màu sắc tươi sáng, giúp học sinh hiểu và ghi nhớ thông tin một cách sinh động hơn.

Về nội dung, sách được biên soạn theo các tiết học, tạo sự chủ động cho thầy cô trong quá trình hướng dẫn học sinh. Dựa theo nội dung chương trình mới, sách biên soạn các chủ đề, mỗi chủ đề được phân chia theo từng bài học và được sắp xếp phù hợp, mở rộng dần phạm vi kiến thức của học sinh.

Đồng thời, sách giúp học sinh kết nối kiến thức học tập với các tình huống thực tiễn, giúp các em dễ dàng áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, từ đó phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Nội dung trong sách không chỉ dừng lại ở việc dạy kiến thức hàn lâm mà còn giúp học sinh hiểu rõ cách ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày. Điều này giúp các em không chỉ học để biết mà còn học để làm, tạo động lực học tập.

Ví dụ: Trong môn Toán, học sinh không chỉ học phép cộng trừ đơn thuần mà còn có bài tập ứng dụng tính toán khi đi chợ mua đồ hoặc đếm số vật dụng trong gia đình. Ví dụ, một bài tập có thể yêu cầu học sinh tính toán số quả cam mà một gia đình mua ở chợ để luyện tập phép cộng.

Đặc biệt, nội dung sách không chỉ chú trọng kiến thức mà còn giúp học sinh phát triển các kỹ năng như tư duy logic, ngôn ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm và tự học. Đây là các kỹ năng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của học sinh.

Ví dụ: Trong môn Tiếng Việt, học sinh không chỉ học đọc và viết mà còn được hướng dẫn làm các bài thảo luận nhóm nhỏ về các câu chuyện ngắn, giúp các em học cách lắng nghe ý kiến người khác và trình bày quan điểm cá nhân. Điều này giúp học sinh hình thành kỹ năng giao tiếp ngay từ sớm.

Cũng theo cô giáo Thắm, bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức và cuộc sống" được thiết kế theo hướng tích hợp nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại, như phương pháp dự án, trò chơi, thảo luận nhóm, giúp tăng cường tính tương tác và hứng thú của học sinh.

Ví dụ: Trong môn Tiếng Việt, thay vì chỉ đọc và viết, sách có những trò chơi tìm chữ cái hoặc từ vựng thông qua hình ảnh minh họa, giúp học sinh nhớ từ một cách tự nhiên hơn. Hay ở môn Tự nhiên và Xã hội, các em có thể tham gia dự án nhỏ tìm hiểu về cây cối quanh nhà, rồi thuyết trình trước lớp về những khám phá của mình.

Trong khi đó, cô Trần Bích Thuỷ, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, Hải Phòng) đánh giá bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống lớp 5 chú trọng vào việc phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, giúp các em không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn biết cách vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Kiến thức trong sách giáo khoa cũng rất trọng tâm, giúp phân loại được các đối tượng học sinh. Các phần kiến thức khó được minh họa rõ ràng, giúp học sinh dễ tiếp thu. Sách giáo khoa lớp 5 không chỉ kế thừa mà còn phát triển và đổi mới để đáp ứng nhu cầu giáo dục hiện đại.

Cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân Hải Phòng) đánh giá, sách giáo khoa mới khuyến khích các phương pháp dạy học hiện đại như dạy học theo dự án, học tập thông qua thực hành, và dạy học theo nhóm, giúp học sinh phát triển kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề.

Sách giáo khoa được thiết kế theo chủ đề giúp giáo viên linh hoạt hơn trong giảng dạy, tùy theo thực tế của lớp học và cơ sở vật chất của nhà trường. Kiến thức được chia theo mảng, giúp giáo viên dễ xây dựng các tiết củng cố, các tiết ôn tập theo chủ đề. Nội dung sách giáo khoa có tính tích hợp kiến thức liên môn, gắn với thực tiễn.

Đồng thời, các bài học không chỉ chú trọng vào kiến thức học thuật mà còn giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy phản biện, khả năng tự học và giải quyết vấn đề thực tiễn.

Bộ sách cũng có tính liên thông cao: Nội dung của bộ sách được thiết kế để liền mạch, liên kết chặt chẽ giữa các môn học và các cấp học, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu và liên kết kiến thức từ lớp dưới lên lớp trên. Bên cạnh đó, các hoạt động trong sách khuyến khích học sinh tự khám phá và tự giải quyết vấn đề. Từ đó tăng cường khả năng tự học, một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phiên bản sách điện tử giúp giáo viên và học sinh dạy - học thuận tiện

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố ngoài sách in truyền thống, bộ sách "Kết nối tri thức và cuộc sống" cũng có phiên bản điện tử, giúp học sinh và giáo viên có thể sử dụng trên các thiết bị số, hỗ trợ quá trình học tập và giảng dạy trong môi trường hiện đại.

Việc có phiên bản số của bộ sách giúp giáo viên và học sinh dễ dàng truy cập vào nội dung học tập mọi lúc mọi nơi, đồng thời giúp giáo viên linh hoạt hơn trong việc tổ chức các hoạt động dạy học.

Sách giáo khoa điện tử được sử dụng như một công cụ bổ trợ cho sách giấy. Giáo viên và học sinh có thể truy cập vào các bản sách giáo khoa điện tử trên máy tính hoặc thiết bị di động để tra cứu thông tin, sử dụng các tính năng tương tác như bài tập, video minh họa. Đây là mô hình phổ biến, giúp học sinh làm quen dần với công nghệ trong học tập.

Sách giáo khoa điện tử được thực hiện song song với việc trang bị thiết bị cho từng học sinh. Học sinh có thể học trực tiếp từ sách giáo điện tử, thực hiện các bài kiểm tra, làm bài tập và thảo luận trên các nền tảng số, hạn chế việc sử dụng sách giấy.

th-nvt-2.jpg
Không gian thư viện của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, Hải Phòng)(Ảnh: LT)

Không chỉ vậy, sách giáo khoa điện tử còn được tích hợp trực tiếp vào các hệ thống quản lý học tập (Learning Management System - LMS) của nhà trường. Giáo viên có thể giao bài tập, chấm điểm, theo dõi tiến trình học tập của học sinh ngay trên hệ thống. Điều này không chỉ giúp quản lý hiệu quả mà còn hỗ trợ học sinh học tập linh hoạt, truy cập sách giáo khoa mọi lúc, mọi nơi.

Cũng theo cô Thắm, việc triển khai sách điện tử được giáo viên tại trường hưởng ứng nhiệt tình. Các giáo viên thường xuyên truy cập vào trang hanhtrangso.nxbgd.vn để tổ chức bài giảng qua màn hình tương tác trong lớp. Giáo viên cũng cung cấp cho phụ huynh địa chỉ của trang web này để phụ huynh có thể hướng dẫn các con ôn tập ở nhà thông qua hệ thống vở bài tập.

Bên cạnh đó, nhà trường đã triển khai thư viện số, trong đó ngoài các tài liệu, tranh ảnh, video liên quan đến các chủ đề học sinh được học trong chương trình. Đồng thời, thư viện số còn có các loại sách giáo khoa, sách tham khảo để giáo viên và học sinh có thể vào kho tư liệu số của nhà trường tìm hiểu kiến thức. Kho tư liệu khá phong phú và đa dạng giúp cho giáo viên và các em học sinh dễ dàng tìm kiếm và học hỏi.

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thu Hương cho rằng bộ sách có các phần mở rộng và bổ sung qua các nền tảng số như website và ứng dụng, giúp học sinh có khả năng tìm, lọc thông tin trên không gian mạng giúp làm giàu kiến thức một cách chủ động, sáng tạo.

Sách có nhiều điểm mới vừa có tính mở, trao quyền chủ động cho giáo viên trong quá trình tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập cũng như tạo cơ hội cho tham gia các hoạt động đa dạng; tạo điều kiện để địa phương, nhà trường chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục.

Bên cạnh đó, sách có sự đa dạng trong cách thức ra bài tập, từ bài tập cơ bản đến nâng cao, giúp học sinh ở các mức độ khác nhau đều có thể học và phát triển kiến thức phù hợp với năng lực của mình.

LÃ TIẾN