Giáo viên có nên học lên thạc sĩ không?

10/09/2023 07:41
Thạc sĩ Phan Thế Hoài (giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài viết này cung cấp các căn cứ pháp lí và thực tiễn nhằm giúp thầy cô giáo có thêm thông tin để quyết định bản thân có nên đi học thạc sĩ hay không.

Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Như vậy, quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, phổ thông không yêu cầu phải có bằng thạc sĩ. Tuy vậy, giáo viên có nên học lên thạc sĩ hay không, là câu hỏi phân vân của nhiều thầy cô giáo hiện nay.

Bài viết này cung cấp các căn cứ pháp lí và thực tiễn nhằm giúp thầy cô giáo có thêm thông tin để quyết định bản thân có nên đi học thạc sĩ hay không.

Ảnh minh họa: Phan Thế Hoài

Ảnh minh họa: Phan Thế Hoài

Giáo viên có bằng thạc sĩ sẽ có lợi thế khi thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Thứ nhất, giáo viên trung học phổ thông có bằng thạc sĩ trước khi tuyển dụng sẽ được ưu tiên xếp lương bậc 2 (được tăng bậc lương trước 3 năm).

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2020/NĐ-CP như sau: Trường hợp người tập sự có trình độ thạc sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 2 chức danh nghề nghiệp tuyển dụng.

Đồng thời, giáo viên trung học phổ thông có bằng thạc sĩ trước khi tuyển dụng sẽ được giảm 3 năm giữ hạng chức danh khi tham gia thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II.

(Căn cứ: Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập).

Kéo theo, giáo viên bậc trung học phổ thông có bằng thạc sĩ trước khi tuyển dụng được giảm tổng thời gian thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II, từ hạng II lên hạng I (12 năm).

Thứ hai, khoản 4 Điều 10 văn bản văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non công lập quy định:

Trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I (mã số V.07.02.24) nếu đã có bằng thạc sĩ trở lên đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên mầm non hạng I và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 5 Thông tư này.

Như vậy, giáo viên mầm non hạng II có bằng thạc sĩ sẽ được giảm thời gian giữ hạng 3 năm (chỉ còn lại 6 năm thay vì 9 năm) khi thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I.

Hay nói cách khác, giáo viên mầm non hạng II có bằng thạc sĩ sẽ được tăng lương sớm 1 bậc (sớm hơn 3 năm) nếu được thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I.

Thứ ba, giáo viên tiểu học hạng III, trung học cơ sở hạng III, trung học phổ thông hạng III có bằng thạc sĩ sẽ được giảm thời gian giữ hạng 3 năm (chỉ còn lại 6 năm thay vì 9 năm) khi thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II.

Minh chứng: Khoản 3 Điều 10 văn bản văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập quy định:

Trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) nếu đã có bằng thạc sĩ trở lên đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học hạng II và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

Khoản 4 Điều 10 văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập quy định:

Trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) nếu đã có bằng thạc sĩ đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên trung học cơ sở hạng II và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng theo quy định tại điểm k khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

Khoản 2 Điều 9 văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập quy định:

Trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) nếu đã có bằng thạc sĩ, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên trung học phổ thông hạng II và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

Thứ tư, giáo viên trung học phổ thông hạng II muốn thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I phải có bằng thạc sĩ.

Khoản 3 Điều 5 văn bản hợp nhất Thông tư quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên trung học phổ thông như sau:

Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

Thứ năm, giáo viên được thăng hạng chức danh nghề nghiệp cũng đồng nghĩa với việc thầy cô được chuyển hạng, xếp lương mới.

Cụ thể, giáo viên mầm non hạng I, mã số V.07.02.24, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.

Còn Giáo viên mầm non hạng II, mã số V.07.02.25, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Giáo viên mầm non hạng III, mã số V.07.02.26, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.

Giáo viên trung học cơ sở hạng II, mã số V.07.04.31, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

Còn Giáo viên trung học cơ sở hạng III, mã số V.07.04.32, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Giáo viên trung học phổ thông hạng I, mã số V.07.05.13, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Giáo viên trung học phổ thông hạng II, mã số V.07.05.14, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.

Còn Giáo viên trung học phổ thông hạng III, mã số V.07.05.15, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Thứ sáu, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023.

Liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Như vậy, khi Nghị định được thông qua, viên chức sẽ không còn phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Khi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên có bằng thạc sĩ sẽ có lợi thế như đã dẫn ở trên.

Khi trả lương theo vị trí việc làm, giáo viên có bằng thạc sĩ sẽ khó còn được ưu tiên?

Nghị quyết 27-NQ/TW cho biết: Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành.

Theo đó, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm; mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc, không còn “cào bằng” giữa mọi ngành như hiện nay.

Người dù mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc. Riêng những người giữ chức vụ lãnh đạo được hưởng lương theo chức danh, chức vụ đang giữ.

Như vậy, tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ, công chức, viên chức, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại.

Liên quan đến việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ cũng đang tính toán một vài năm nữa sẽ đề xuất bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm.

Hiện nay, trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Có thể hiểu, khi Nhà nước trả lương theo vị trí việc làm thì ngành giáo dục sẽ không còn tổ chức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giáo viên.

Giáo viên có bằng thạc sĩ (sau khi được tuyển dụng) có thể sẽ không còn được hưởng ưu tiên về chuyển hạng, xếp lương như các quy định hiện hành.

Giáo viên nào cần học lên thạc sĩ?

Quan điểm cá nhân người viết cho rằng, giáo viên mầm non, phổ thông - nhất là bậc trung học phổ thông, nếu có năng lực, điều kiện tài chính và sắp xếp được thời gian thì nên học lên thạc sĩ để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Giáo viên có học vị thạc sĩ quản lí giáo dục sẽ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và phẩm chất cần thiết để đảm nhận các công việc như: làm cán bộ quản lý giáo dục; quản lý chuyên môn, hành chính, nhân sự tại các cơ sở giáo dục...; nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Giáo viên có học vị thạc sĩ về chuyên môn, phương pháp sẽ làm công tác quản lí chuyên môn; dạy học sinh giỏi; hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật... có hiệu quả.

Vậy nên, giáo viên phổ thông có trình độ đào tạo thạc sĩ là quy định không hiếm ở các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Ví dụ, giáo dục Phần Lan quy định các giáo viên phổ thông phải có trình độ tối thiểu về thạc sĩ giáo dục (đối với giáo viên dạy các lớp dưới) và thạc sĩ chuyên ngành (đối với giáo viên dạy các lớp trên).

Hiện nay, Pháp đã chuyển sang mô hình LMD (Licence – Master – Doctorat), nghĩa là để trở thành giáo viên, sinh viên phải trải qua đào tạo bậc cử nhân (L), sau đó phải qua bậc đào tạo thạc sĩ (M) ở Học viện Đại học đào tạo giáo viên thì mới được Bộ Quốc gia Giáo dục Pháp công nhận và bổ nhiệm vào ngạch giáo viên.

Tuy vậy, việc học thạc sĩ là con đường chông gai, lắm nhọc nhằn, chỉ dành cho những ai thực sự chịu khó, đam mê nghiên cứu khoa học và luôn nỗ lực.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-115-2020-ND-CP-tuyen-dung-su-dung-quan-ly-vien-chuc-453968.aspx

https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/thoi-su-phap-luat/chinh-phu-dong-y-bo-hinh-thuc-thi-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-vien-chuc-giao-vien-se-duoc-bo-t-108445.html

https://lsvn.vn/xem-xet-bo-thi-va-xet-thang-hang-vien-chuc-1686748329.html

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-quyet-27-NQ-TW-2018-cai-cach-chinh-sach-tien-luong-doi-voi-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-382336.aspx

http://daidoanket.vn/tam-bang-thac-si-bat-buoc-hay-khong-5721286.html

https://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=648

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài (giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh)