LTS: Trước thềm đổi mới chương trình, nhà giáo Bình Thanh chỉ ra thực trạng đội ngũ giáo viên hiện và những điều giáo viên cần chuẩn bị để có thể thích ứng với chương trình mới.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Không ít người đã khẳng định, chìa khóa thành công trong công cuộc đổi mới chấn hưng giáo dục chính là giáo viên lực lượng được xem là nòng cốt nhất.
Nhà nước đã phải bỏ ra không ít tiền vào đợt đổi mới chương trình giáo dục lần này. Nhưng sự chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên gần như chưa được nhiều.
Để bắt kịp với những đổi mới của ngành thì bản thân mỗi thầy cô phải biết tự làm mới mình theo hướng tích cực.
Giáo viên cần chuẩn bị những gì trước thềm đổi mới chương trình? Ảnh minh họa: VOV |
Thực trạng đội ngũ giáo viên
Phải thừa nhận rằng trong thực tế giáo dục hiện nay không ít những giáo viên vừa có trình độ chuyên môn kém, vừa có sức ì quá lớn. Họ là những người “làm ít nhưng suốt ngày kêu ca”.
Những giáo viên này ở nhiều độ tuổi (trẻ có, già có, mới ra trường cũng như sắp về hưu). Nó được biểu hiện rõ ở nhiều mặt, và cũng rất dễ dàng nhận ra.
Không ít giáo viên trẻ vừa ra trường nhưng hầu như không tự mình soạn nổi một giáo án lên lớp.
Họ học theo cách mà nhiều đồng nghiệp lâu năm vẫn thường làm như việc xin giáo án của người đi trước và chỉ thay tên đổi họ là biến thành của mình.
Theo quy định, giáo viên mới ra trường trong thời gian tập sự phải thường xuyên xin dự giờ để học hỏi đồng nghiệp. Đồng thời phải chủ động dạy cho đồng nghiệp dự giờ, góp ý.
Thế nhưng không ít thầy cô giáo trẻ vẫn luôn né tránh chuyện này. Họ chỉ dạy khi bị phân công. Còn dự giờ đồng nghiệp để học thêm về phương pháp và cách tổ chức lớp học hầu như rất ít.
Giảm hơn 300 giờ học mỗi năm ở chương trình giáo dục phổ thông mới |
Một số giáo viên lớn tuổi lại thường lấy cớ “già rồi” để thoái thác các nhiệm vụ được giao.
Không tham gia hoạt động phong trào, ngay trong các tiết dạy vẫn ít chịu “vận động”.
Một số người vào lớp là ngồi ì một chỗ. Phương pháp họ thường áp dụng để dạy học sinh cho tất cả các bài, tất cả các hoạt động là kiểu thầy giảng trò nghe, thầy đọc trò chép.
Đã thế, họ cũng chính là những thành viên hay bài xích hoặc lên án những đổi mới giáo dục dù cho đó là những đổi mới tích cực.
Dù mỗi trường những thầy cô giáo thuộc hai dạng trên không nhiều. Thế nhưng họ vẫn chính là những vật cản trong công cuộc đổi mới và chấn hưng giáo dục.
Giáo viên cần chuẩn bị những gì trước thềm đổi mới chương trình
Chuẩn bị đầu tiên chính là nhận thức về tầm quan trọng của việc đổi mới giáo dục. Có ý thức sẽ chuẩn bị được tâm thế để tự thay đổi mình.
Xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt lương tâm trách nhiệm vào công việc chứ không đơn giản chỉ làm cho xong để cuối tháng nhận lương.
Phải tự bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho bản thân. Thầy cô dốt chắc chắn sẽ không có học sinh giỏi.
Không ít thầy cô giáo hiện nay chỉ “trung thành” với mớ kiến thức bản thân đã tích lũy được trong thời gian học sư phạm và một số kinh nghiệm trong thời gian giảng dạy.
Chuyện thầy cô giáo say mê đọc sách mỗi ngày hay cặm cụi, tìm tòi thêm nhiều kiến thức để giúp cho bài dạy của mình hiệu quả hơn có lẽ khá hiếm.
Vật lộn với mưu sinh, luôn bằng lòng với những điều mình đang có là vật cản lớn nhất với giáo viên lúc này.
Ngay từ bây giờ, giáo viên phải chuyên tâm học hỏi để tự nâng cao trình độ kiến thức cho mình trước khi ngành thực hiện việc bồi dưỡng (trông chờ ngành tổ chức bồi dưỡng cũng chỉ là cung cấp cho giáo viên về phương pháp, về kĩ năng giảng dạy, kĩ năng đứng lớp).
Nếu không làm thế, sao có thể đảm đương nổi việc dạy tích hợp (kiểu gộp môn) như chương trình mới đã công bố? Riêng việc nâng cao kiến thức phải chính bản thân mình nỗ lực mới làm được.
Người viết bài thật sự lo ngại khi chương trình mới áp dụng việc dạy tích hợp 3 môn (Lý, Hóa, Sinh) thành môn Khoa học tự nhiên.
Bởi trực tiếp làm khá nhiều cuộc phỏng vấn giáo viên dạy cả ba môn, gần như 90% thầy cô (già có trẻ có) đều khẳng định mình không thể dạy hoặc dạy được chứ không thể dạy tốt.
Dù đã có khá nhiều ý kiến phản ánh và phản đối kiểu tích hợp gộp môn thế này nhưng xem ra việc gộp môn vẫn không có gì thay đổi.
Bởi thế, việc trước mắt chính là giáo viên phải tự thay đổi mình, phải tự học và “học lại” để bổ sung kiến thức cho bản thân mới có thể thích ứng với yêu cầu của chương trình mới.