Năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Hồng (huyện Văn Chấn, Yên Bái) được nhà trường gọi về sớm 2 ngày.
Mặc dù sáng thứ 2 (ngày 3/2/2020) học sinh mới tựu trường thế nhưng từ ngày thứ 7 của tuần trước đó, các giáo viên đã tất bật tay cuốc, tay chổi… dọn vệ sinh quanh khu nhà bán trú, khu nhà ăn.
Tờ mờ sáng, cô Hồng cùng hơn 20 thầy cô trong trường tản mát xuống khắp các thôn bản.
Trẻ nghỉ học chống virus Corona, phụ huynh bàn 1001 cách “tác chiến” |
Địa bàn xã Nậm Búng cách xa trung tâm huyện chừng 40km, đường đi khó khăn cũng không làm sờn lòng các giáo viên.
Cô Hồng đến từng nóc nhà, gặp gỡ từng phụ huynh vận động, tuyên truyền học sinh đi học.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa được nhà trường giao cho giáo viên đó là hướng dẫn phụ huynh mua và sử dụng khẩu trang, nước rửa tay sát trùng.
Những ngày này, bên cạnh công việc chuyên môn thuần túy các thầy cô còn làm gấp 2, gấp 3 ngày thường. Mỗi giáo viên là một bác sĩ, một tuyên truyền viên sau sát phụ huynh, học sinh.
Cô Nguyễn Thị Hồng tâm sự: “Chúng tôi đã được tập huấn trước đó vài ngày. So với mọi năm thì năm nay vất vả hơn một chút có thể là gấp 2-3 lần.
Vì giáo viên còn phải đến từng nhà tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh. Vất vả là vậy nhưng chỉ cần học sinh khỏe mạnh đến trường là chúng tôi yên tâm hơn rồi”.
Nhà trường chủ động công tác chuyên môn và đảm bảo phòng chống dịch virus corona cho học sinh (Ảnh:H.T.H) |
Việc bỏ con mình ở nhà đi chăm con người không phải là chuyện hiếm gặp đối với giáo viên vùng cao. Đây là công việc cũng như là tình huống các thầy cô thường xuyên phải đối mặt.
Trước tình hình dịch virus corona đang có những diễn biến phức tạp, các trường vùng cao luôn chủ động và sẵn sàng tinh thần 100%.
So với miền xuôi công tác phòng chống dịch virus corona tại các tỉnh miền núi có nhiều khó khăn hơn. Điều này xuất phát từ trình độ dân trí và đội ngũ y tế không thể hiện đại bằng vùng đồng bằng.
Mấy ngày này, cô Hồng cứ mong trời đừng mưa nữa cho học sinh không bị rét và nguy cơ dịch virus corona cũng bị đẩy lùi.
Trong bối cảnh này, những giáo viên vùng cao như một mũi tiên phong trong công tác phòng chống dịch bệnh virus corona.
Chẳng ai trả lương cho họ để làm công việc này cả. Họ làm xuất phát từ thực tế cái tâm và trách nhiệm của người giáo viên.
Chủ động bữa ăn sạch và dinh dưỡng cho học sinh (Ảnh: Duy Tiến) |
Cô Hồng cũng thừa nhận: “Để các em học sinh ở nhà mình cũng lo lắm. Không giống như dưới xuôi,ở đây mọi thứ đều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp.
Tôi đến những gia đình thậm chí họ còn không biết cách dùng khẩu trang, đi vệ sinh xong cũng không biết cách sát khuẩn.
Thực sự các con đến trường sẽ yên tâm hơn vì nhà trường đều được khử trùng, môi trường cũng sạch sẽ hơn.
Quan trọng hơn là tại trường các con sẽ được các thầy cô chăm lo, nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe thường xuyên”.
Cách xã Nậm Búng không xa, thầy Nguyễn Quang Diện, hiệu trưởng trường bán trú An Lương cũng ráo riết chỉ đạo nhà bếp chuẩn bị những bữa ăn bán trú tươi ngon cho học sinh nhân ngày nhập trường.
Chỉ còn 9 tỉnh thành chưa cho học sinh nghỉ học phòng dịch do virus Corona |
Thầy Diện bộc bạch: “Dịch bệnh thì phải phòng chống nhưng việc ăn ở cho học sinh vẫn phải đảm bảo.
Khi chưa có quyết định cho học sinh nghỉ học thì nhà trường vẫn phải đảm bảo mọi điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho học sinh.
Toàn bộ thực phẩm chúng tôi nhập về đều đảm bảo tươi ngon phục vụ học sinh”.
Cũng giống như nhiều trường vùng cao khác, thầy và trò trường bán trú Tả Ngài Chồ tất bật dọn dẹp, vệ sinh lớp học.
Mặc dù tỉnh Lào Cai đã cho học sinh nghỉ học thêm vài ngày nữa tuy nhiên không vì thế mà công tác phòng chống dịch bệnh virus corona bị lơ là.
Do điều kiện địa lý là một huyện giáp biên giới, huyện Mường Khương có nhiều lao động làm việc tại Trung Quốc. Khi những lao động này trở về nước ngành y tế địa phương cũng chủ động cách ly, kiểm tra và theo dõi sức khỏe.
Đối với những phụ huynh có con đang đi học, nhà trường cử giáo viên đến tận nhà vận động, tuyên truyền cách vệ sinh nhà cửa và phòng chống dịch bệnh. Cô giáo Trần Thu Hằng ví công việc này: Như người đi vào tâm bão.
Đối với những địa phương chưa cho học sinh nghỉ học công tác giảng dạy vẫn diễn ra bình thường (Ảnh:D.T) |
Cô Hằng nói: “Nhiều gia đình phụ huynh đi làm ăn xa các em học sinh phải ở nhà với ông bà. Chính vì thế giáo viên chúng tôi chẳng khác nào thay cha, thay mẹ các em.
Nếu học sinh có biểu hiện ốm sốt là chúng tôi phải có mặt ngay tức thì sau đó phối hợp với các cơ sở y tế tiền hành kiểm tra và điều trị cho các em.
Mặc dù giáo viên không có chuyên môn chính là điều trị bệnh. Nhưng mọi người luôn tâm niệm ở đây dù sao giáo viên cũng là những người được nhân dân tín nhiệm. Nên ai cũng cố gắng hết sức vậy”.
Ôm học trò nhỏ vào lòng, cô giáo Cao Thị Duyên, giáo viên mầm non thủ thỉ: “Em học sinh này bố mẹ đi làm ăn xa chưa về. Trong khi lại đang có dịch nên tôi đưa em về khu tập thể của giáo viên để tiện chăm sóc.
Ở đây có hơn 10 ông bố, bà mẹ (giáo viên của trường) thay nhau chăm sóc cho em. Ăn uống, vệ sinh, tắm rửa đều do một tay các cô làm. Tôi yêu quý học sinh như con mình vậy”.
Những ngày này giáo viên phải làm gấp 2-3 lần công việc nhưng họ luôn cảm thấy vui vẻ (Ảnh: Duy Tiến) |
Trong khi dịch bệnh virus corona vẫn đang có những biến chuyển khó lường, ở những rẻo cao, những giáo viên vẫn hàng ngày miệt mài giữ vững chuyên môn, chăm lo học sinh mùa dịch bệnh.
Thế mới thấy sự hy sinh và tinh thần trách nhiệm cao đẹp của giáo viên vùng cao.
Cô Duyên mong bầu trời Mường Khương sớm hửng nắng, dịch bệnh sớm đẩy lùi để đón học sinh đến trường, về với ngôi nhà thứ 2 của các em.