Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Cao Ngọc Thành, Bác sĩ chuyên khoa II, giảng viên cao cấp bộ môn Phụ sản, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế là một trong 135 nhà khoa học được công nhận danh hiệu Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.
Trong lĩnh vực y học và đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản, Giáo sư, Tiến sĩ Cao Ngọc Thành đã để lại dấu ấn đậm nét với những nghiên cứu mang tính đột phá và ứng dụng cao. Không chỉ là một nhà khoa học, Giáo sư Thành còn là người thầy thuốc, thầy giáo tận tâm với nghề, luôn lấy cộng đồng làm mục tiêu cuối cùng cho mọi nghiên cứu của mình.
Người thầy cần truyền cho sinh viên y đức, tận tâm với bệnh nhân
Xuất thân từ gia đình có truyền thống dạy học tại Thừa Thiên Huế, cha mất sớm nhưng từ nền tảng gia đình và môi trường giáo dục từ nhỏ, Giáo sư Cao Ngọc Thành rất tâm huyết với nghề giáo.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Cao Ngọc Thành nhớ lại: “Khi nhỏ, tôi được gia đình gửi lên ở chùa để đi học. Có lẽ chính vì sống trong môi trường nhân văn ấy, nên tôi đã sớm thấu hiểu, yêu thương, thông cảm những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Bén duyên với ngành y hơn 40 năm, Giáo sư Cao Ngọc Thành dù ở vị thế là thầy thuốc hay thầy giáo cũng đều tận tâm, hết lòng với công việc.
“Người bệnh nào khi bước chân vào bệnh viện cũng đều có những lo lắng nhất định. Họ mong ước khỏi bệnh và tin tưởng vào bác sĩ. Người bác sĩ bên cạnh việc chữa bệnh còn là người chia sẻ, an ủi giúp họ vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, nhất là đối với một số bệnh nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo. Tôi luôn trăn trở một điều làm sao để bệnh nhân bước chân tới bệnh viện cảm thấy được an ủi và yên tâm khi bước chân về nhà.
Thực tế không phải cứ là bác sĩ là có thể thể giải quyết hết căn nguyên mọi căn bệnh. Có những điều y học chưa lý giải được nên bác sĩ luôn luôn phải học tập, trau dồi kiến thức của mình”, thầy Thành tâm sự.
Bên cạnh đó, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế chia sẻ, mỗi lúc giảng bài cho sinh viên, thầy luôn cố gắng hết mình để truyền lửa yêu thương người bệnh cho học trò và làm sao để sinh viên luôn giữ được y đức khi trở thành bác sĩ.
Giáo sư Cao Ngọc Thành nhấn mạnh, ngoài tri thức, người thầy cần phải có “chữ tâm”. Đối với sinh viên y khoa, thầy giáo không chỉ là người truyền đạt kiến thức trong lớp học mà còn là tấm gương sáng trong các buổi thực hành lâm sàng.
Theo thầy Thành, sinh viên sẽ quan sát thầy giáo không chỉ qua những bài giảng, mà còn qua cách người thầy xử lý những tình huống khó khăn, và quan trọng hơn là cách thầy giáo đối xử với bệnh nhân.
Nghiên cứu phải xuất phát từ cộng đồng và vì cộng đồng
Từng tham gia rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học có quy mô lớn, Giáo sư, Tiến sĩ Cao Ngọc Thành cho rằng, điều quan trọng nhất là kết quả của nghiên cứu khoa học phải đóng góp cho xã hội.
“Việc nhận được giải thưởng cho các nghiên cứu là một thành tựu lớn, nhưng điều quan trọng hơn cả là những nghiên cứu đó phải mang lại lợi ích thực sự cho cộng đồng. Bên cạnh đó, niềm hạnh phúc lớn nhất của một nhà nghiên cứu không chỉ nằm ở việc đạt được những giải thưởng danh giá mà còn ở việc đề tài nghiên cứu của họ được xã hội và cộng đồng công nhận cũng như được áp dụng vào thực tiễn”, thầy Thành chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sĩ Cao Ngọc Thành đã chủ trì và tham gia rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ý nghĩa đối với xã hội và cộng đồng. Điển hình như công trình “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và nâng cao chất lượng dân số” đạt giải Nhất Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2017. Hay trong Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XII, năm 2022 thầy Thành cũng đạt giải Nhất với “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật trữ lạnh tinh trùng người trong điều trị vô sinh hiếm muộn”...
Chia sẻ về công trình nghiên cứu khoa học mà bản thân tâm đắc, thầy Thành bồi hồi nhớ về cụm công trình “Tối ưu hóa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng”. Công trình nghiên cứu này đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ (đợt 6) năm 2021.
“Mỗi đề tài tôi lựa chọn đều được suy xét kỹ lưỡng, gắn vào tính ứng dụng của đề tài trong thực tế. Tôi đặc biệt tâm đắc với việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở khu vực nông thôn và miền núi.
Khi đất nước phát triển, một số bệnh lý cũng sẽ có sự thay đổi, đặc biệt là khi nhà nước đã đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao trình độ dân trí ở những khu vực này. Khi dân trí được nâng cao, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khả năng tự phát hiện các vấn đề sức khỏe của người dân cũng tăng lên. Do đó, cần phải tiến hành nghiên cứu để đánh giá lại những thay đổi này. Ngoài ra, tôi cũng ấp ủ nhiều ý tưởng nghiên cứu khác trong tương lai”, thầy Thành cho hay.
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Cao Ngọc Thành, tiềm năng trí tuệ của các nhà khoa học Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, để phát huy và khơi dậy tiềm năng đó ở người làm công tác khoa học thì nhà quản lý cần cố gắng tạo điều kiện để giúp họ phát triển. Một khi đã có ý tưởng thì thực thi ý tưởng không phải quá khó.
Thầy Thành luôn tâm niệm rằng mỗi nhà khoa học, dù trong hoàn cảnh nào, cũng cần phải nỗ lực tìm ra một vấn đề để nghiên cứu, ngay cả khi nguồn lực của đất nước còn rất hạn chế. Việc nghiên cứu không chỉ là để thỏa mãn đam mê cá nhân mà còn nhằm phục vụ cho cộng đồng.
Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế cho rằng nếu các nhà khoa học không nỗ lực nghiên cứu, đất nước sẽ bị lạc hậu so với sự phát triển nhanh chóng của thế giới trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là y học. Chính vì vậy, thầy Thành luôn khuyến khích các sinh viên không ngừng học hỏi, sáng tạo và cống hiến để mang lại những giá trị thiết thực cho đất nước.
Với hơn 40 năm gắn bó trong ngành y, Giáo sư Cao Ngọc Thành đã trải qua biết bao thăng trầm, chứng kiến những đổi thay và tiến bộ của y học. Thầy Thành tâm sự: “Khi tuổi càng lớn là lúc tôi bắt đầu suy nghĩ về tuổi tác và sức khỏe. Còn nhiều điều tôi mong muốn vẫn chưa thực hiện được, có những công việc dù muốn nhưng khó để thực thi. Vì thế gần như mỗi ngày qua đi với tôi là một sự nuối tiếc”.
Tuy vậy, thầy Thành cho biết sẽ không ngừng cố gắng vì trách nhiệm xã hội. Với thầy, mục đích cuối cùng của mọi công việc là mang lại giá trị đích thực cho cuộc sống.
"Thời sinh viên đi thực tập, được theo dõi những bác sĩ hỗ trợ bệnh nhân sinh con từ sáng đến chiều tối, tôi ấn tượng với bác sĩ sản khoa bởi họ đem lại niềm vui, đem lại hạnh phúc cho gia đình và sản phụ. Nỗi đau khi chuyển dạ đối với phụ nữ là đau nhiều nhất nhưng khi sinh ra đứa con, người mẹ dù đau đớn vẫn nở nụ cười. Trong tận cùng đau khổ là hạnh phúc, sau đêm tối là bình minh. Đó mới là giá trị công việc mà người bác sĩ cần trân trọng", thầy Thành nhớ lại.