Giáo dục Đông Nam Bộ đặt mục tiêu không hạn chế sự phát triển của trường tư thục

21/04/2023 06:34
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Mục tiêu đầu tư một số cơ sở giáo dục đại học lớn, đa ngành trong vùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á.

Năm 2022 là một bước nhảy vọt của giáo dục đại học vùng Đông Nam Bộ

Đó là thông tin được nêu trong báo cáo tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, về kết quả giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2011-2022: Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm, năng động nhất cả nước, tốc độ phát triển mạng lưới các cơ sở giáo đại học vùng Đông Nam Bộ luôn thuộc nhóm cao của cả nước. Cơ cấu ngành nghề đào tạo đa dạng, phong phú, gắn kết và đáp ứng nhu cầu lao động của địa phương, đơn vị sử dụng lao động.

Đây là vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp là điều rất cần thiết.

Tính đến tháng 6/2022, toàn vùng có 57 cơ sở giáo dục đại học (tăng 10 cơ sở giáo dục đại học so với năm học 2010-2011) và 316 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chiếm 16% tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp của toàn quốc), với các ngành nghề trọng điểm như công nghệ cao (tự động hóa, sinh học, vật liệu mới,…), khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, phần mềm điện tử viễn thông,… đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.
Sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Các cơ sở giáo dục đại học của vùng đang phát triển theo hướng đa ngành; đào tạo nhiều cấp trình độ từ trình độ cao đẳng đến tiến sĩ. Một số trường đã và đang khẳng định được vị trí, uy tín trong các lĩnh vực đào tạo thế mạnh và là trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, các chuyên gia đầu ngành ở trình độ cao, với chất lượng tin cậy, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước và của vùng Đông Nam Bộ nói riêng.

Mạng lưới các trường đại học tư thục đã hình thành và đang từng bước được mở rộng. Hiện nay, toàn vùng có 19 trường đại học tư thục, 02 trường có vốn nước ngoài chiếm tỉ lệ 37% trong tổng số trường đại học của khu vực.

Với lợi thế là khu vực năng động, các cơ sở giáo dục đại học đã tập trung đầu tư và có nhiều ngành, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

Năm 2022 là một bước nhảy vọt của giáo dục đại học vùng Đông Nam Bộ khi có tới 03 đại diện của vùng được lọt vào bảng xếp hạng THE; có 02 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp các trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities); 02 cơ sở giáo dục đại học có tên trong bảng xếp hạng QS World University Rankings 202348; 04 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng Webometrics; 02 cơ sở giáo dục trong bảng xếp hạng các trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi 2021 (THE Emerging Economies University Rankings 2021)50; 04 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng đại học châu Á (QS Asian University Rankings 2022)51; 01 cơ sở giáo dục đại học tại bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 202252.

Các cơ sở giáo dục đại học từng bước nâng cao quy mô, mở rộng hình thức đào tạo nhân lực trình độ đại học, thạc sĩ.

Hơn 500.000 sinh viên Việt Nam và hơn 2.000 sinh viên quốc tế theo học các chương trình quốc tế; hơn 1.500 lượt giảng viên quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu, giao lưu và học tập.

Trong những năm gần đây, các cơ sở giáo dục đại học trong vùng đã thực hiện hơn 900 hoạt động ký kết hợp tác với các tổ chức quốc tế. Bình quân hằng năm, có khoảng hơn 70.000 sinh viên và 6.000 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng.

Tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 86,6% (cao hơn bình quân chung của cả nước).

Năm học 2020-2021, quy mô sinh viên đại học của vùng là 651.727 sinh viên (tăng 262.344 sinh viên so với năm học 2010-2011, đứng thứ 2 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, sau vùng đồng bằng sông Hồng), trong đó, sinh viên đào tạo hệ vừa học vừa làm chiếm 7,5% và sinh viên đào tạo hệ từ xa chiếm 1,7%. Quy mô học viên cao học là 8.005 học viên, quy mô nghiên cứu sinh là 338 nghiên cứu sinh.

Với tỉ lệ sinh viên đại học, cao đẳng 30,3%, đứng thứ 2 toàn quốc và chỉ đứng sau vùng đồng bằng sông Hồng (40,9%), vùng Đông Nam Bộ ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý. Năm học 2020-2021, tổng số giảng viên của vùng là 22.068 giảng viên (tăng 8.125 giảng viên so với năm học 2010-2011), gồm: 5.980 tiến sĩ (tăng 3.855 tiến sĩ so với năm học 2010-2011), 14.651 thạc sĩ (tăng 8.285 thạc sĩ so với năm học 2010-2011) và 1.617 giảng viên có trình độ đại học (trong đó, có 180 giảng viên là người dân tộc thiểu số; 1.025 phó giáo sư và 156 giáo sư).

Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đã đạt được những kết quả tích cực, sản phẩm nghiên cứu khoa học ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.

Phát huy lợi thế có sẵn, các cơ sở giáo dục đại học đã tập trung đổi mới công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghệ cao như: chíp điện tử, vật liệu nano, robot, công nghệ tạo mẫu nhanh, xử lý môi trường và một số lĩnh vực mũi nhọn như: nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cơ khí, tự động hóa, công nghệ sinh học,… góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Bên cạnh đó, đã hình thành được một số nhóm nghiên cứu mạnh ở Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, các trường, viện nghiên cứu trong vùng.

Đông Nam Bộ cũng là vùng có tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao và được xếp vào tỉ lệ “dân số vàng”. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của vùng tăng nhanh với tốc độ tăng bình quân là 2,7%/năm, cao nhất cả nước (cao hơn tốc độ tăng của cả nước là 1,8%).

Tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo của vùng là 29,5% (đứng thứ 2 trong 6 vùng kinh tế - xã hội, chỉ sau vùng đồng bằng sông Hồng (32,6%). Tỉ lệ dân số có trình độ đại học trở lên của cả vùng khoảng 6,6%.

Chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu địa phương

Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phát triển nhanh về quy mô đào tạo và đa dạng về hình thức đào tạo, trong đó số lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo tư thục tăng nhanh, cao nhất của cả nước, từng bước cung cấp nhân lực chất lượng cao và lao động có tay nghề phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Các cơ sở giáo dục đại học ngày càng khẳng định được vị trí và thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Một số cơ sở khẳng định được uy tín trong các lĩnh vực đào tạo thế mạnh và là trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, các chuyên gia đầu ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà khoa học phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý. Tự chủ giáo dục đại học được đẩy mạnh, tăng cường phân cấp, giao quyền về nhân sự, tài chính và học thuật tạo bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần thay đổi diện mạo của hệ thống giáo dục đại học của cả vùng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế: Quy mô đào tạo của một số cơ sở giáo dục đại học chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương, lợi thế của vùng.

Một số ngành nghề được tập trung đào tạo nhiều nhưng nội dung, chương trình đào tạo chưa mang tính đột phá, hiệu quả đào tạo chưa cao và chất lượng đào tạo còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị sử dụng. Còn thiếu tính liên thông giữa các trình độ và các phương thức đào tạo.

Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phát triển nhanh về quy mô đào tạo và đa dạng về hình thức đào tạo. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phát triển nhanh về quy mô đào tạo và đa dạng về hình thức đào tạo. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Tuy có tiềm năng về nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng lao động trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mạnh tại địa phương, nhất là ở “tứ giác công nghiệp” thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu - Bình Dương.

Tiềm năng nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học chưa được phát huy triệt để; mục tiêu, nội dung hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có sự chuyển hướng kịp thời với sự phát triển của kinh tế - xã hội; sự phối hợp nghiên cứu khoa học với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều công trình nghiên cứu khoa học chưa được áp dụng nhiều trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đầu tư cơ sở giáo dục đại học có trọng tâm, trọng điểm thuộc nhóm hàng đầu châu Á

Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2045, giáo dục và đào tạo Đông Nam Bộ thiết lập một hệ thống giáo dục mở, công bằng, bình đẳng và phục vụ học tập suốt đời; quy hoạch mạng lưới mở, không hạn chế sự phát triển của các trường tư thục; tăng tự chủ đại học và tính chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong vùng; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mục tiêu và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được nêu cụ thể: Tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Phát triển Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt Đức và đầu tư một số các trường đại học lớn, đa ngành trong vùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á.

Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực ASEAN trong một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh; các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thành trung tâm giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia.

Mục tiêu tới đây của giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ, sẽ xây dựng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thành trung tâm giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Mục tiêu tới đây của giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ, sẽ xây dựng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thành trung tâm giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh ở một số trường đại học, phát triển một số cơ sở giáo dục đại học thành các trung tâm đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0. Nâng cao hiệu quả đầu tư đối với công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục; ưu tiên đầu tư phát triển khoa học cơ bản, khoa học mũi nhọn, và khai thác có hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thành lập doanh nghiệp công nghệ hợp tác với doanh nghiệp để sớm chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn.

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Khuyến khích mở rộng và đẩy mạnh các quan hệ hợp tác về đào tạo nghiên cứu với các trường, viện nghiên cứu quốc tế chất lượng cao để hình nhóm nghiên cứu quốc tế nhằm vừa nâng cao năng lực cho đội ngũ vừa tăng cường công bố khoa học trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo, giao lưu hợp tác đào tạo, trao đổi lưu học sinh giữa cấp Chính phủ và khu vực vùng biên nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển, cơ hội đào tạo, tập huấn chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực giáo dục. Tập trung đầu tư xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, kế thừa từ các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến.

Xây dựng cơ chế và chính sách hiệu quả để thu hút, sử dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm. Có chính sách đặc thù để giữ chân giáo viên, giảng viên giỏi, thu hút nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín trong và ngoài nước tham gia phát triển giáo dục vùng.

Xây dựng và triển khai quy trình phát hiện sớm, bồi dưỡng và định hướng phát triển năng khiếu, tài năng cho học sinh, sinh viên; ưu tiên tuyển chọn các đối tượng tài năng đi đào tạo ở các nước tiên tiến.

Tăng cường năng lực và nâng cao vai trò công tác lập kế hoạch; tiến hành dự báo quy mô, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo của đội ngũ lao động nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa của vùng.

Mộc Trà