Từ 1/7, giáo viên đạt chuẩn sẽ có thể được xếp cùng mức lương khởi điểm?

10/04/2020 06:19
BÙI NAM
(GDVN) - Từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực cho nên sẽ có nhiều thay đổi về việc xếp lương giáo viên.

Thời điểm ngày 01/7/2020 khi Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực khi đó trình độ chuẩn của nhà giáo được nâng lên giáo viên mầm non ít nhất tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học trở đến trung học phổ thông ít nhất tốt nghiệp đại học sư phạm nên việc chuyển xếp lương giáo viên từ 01/7 chắn chắn sẽ có nhiều thay đổi cho phù hợp Luật.

Lương hiện nay được trả theo hạng chức danh nghề nghiệp

Hiện nay, lương giáo viên tại các trường phổ thông được trả theo chức danh nghề nghiệp như sau: 

Giáo viên tiểu học, mầm non: Hạng IV (từ 1,86 đến 4,06), Hạng III (từ 2,1 đến 4,98), Hạng II (từ 2,34 đến 4,98)

Giáo viên trung học cơ sở: Hạng III (từ 2,1 đến 4,98), Hạng II (từ 2,34 đến 4,98), Hạng I (từ 4,0 đến 6,38)

Giáo viên trung học phổ thông: Hạng III (từ 2,34 đến 4,98), Hạng II (từ 4,0 đến 6,38), Hạng I (từ 4,4 đến 6,78)

Việc trả lương theo hạng chức danh nghề nghiệp bộc lộ nhiều bất cập như lương giáo viên có bằng đại học hoặc cao hơn nhưng dạy ở mầm non, tiểu học hay trung học cơ sở thì chỉ được xếp lương ở hạng thấp nhất (hệ số lương 1,86 đến 2,1) nên mức lương khởi điểm rất thấp, hay việc chuyển xếp thăng hạng giáo viên cũng gặp nhiều bất cập về điều kiện, tiêu chuẩn, chỉ tiêu,...

Vì vậy, việc thăng hạng hầu như chỉ xảy ra nhỏ giọt ở một vài địa phương, còn các địa phương khác thì vẫn chưa thực hiện được nên việc chuyển thăng hạng chức danh nghề nghiệp rất bất cập, khó triển khai.

Nên việc bỏ việc xét thăng hạng, xếp lương giáo viên theo đúng vị trí việc làm là cần thiết.

Từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực cho nên sẽ có nhiều thay đổi về việc xếp lương giáo viên. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực cho nên sẽ có nhiều thay đổi về việc xếp lương giáo viên. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Từ 01/7, giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông có thể được xếp cùng mức lương khởi điểm?

Luật Giáo dục mới có hiệu lực, cộng với việc xếp lương theo vị trí việc làm (không phải hạng chức danh nghề nghiệp) thì xếp lương giáo viên từ 01/7 sẽ được trả về theo chuẩn, vị trí việc làm.

Từ 01/7, chuẩn trình độ giáo viên sẽ được nâng lên phù hợp như giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông đều là đại học sư phạm hoặc tương đương nên nếu giáo viên trên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 thì sẽ có thể được xếp cùng mức lương khởi điểm là như nhau, cùng ngạch, bậc lương.

Như vậy cũng là công bằng cho giáo viên đã được đào tạo đúng chuẩn, vị trí việc làm không phải bất công như hiện nay. Đây là sự thay đổi cần thiết, hợp lý.

Còn giáo viên mầm non thì trình độ chuẩn đào tạo sẽ là cao đẳng sư phạm nên sẽ có thể xếp ở ngạch khác.

Tuy nhiên, giáo viên là ngành đặc thù được hưởng phụ cấp theo nghề (phụ cấp ưu đãi nghề), và giáo viên mầm non là một trong những đối tượng làm việc rất cực khổ, gian nan nên có thể sẽ được ưu tiên xếp mức phụ cấp theo nghề phù hợp.

Vậy nên hy vọng mức lương giáo viên mầm non được xếp cộng với phụ cấp sẽ tương đương giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông.

Giật mình với lương giáo viên tập sự!
Giật mình với lương giáo viên tập sự!

Nếu như vậy, mức lương khởi điểm của giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông được cộng với phụ cấp đặc thù nghề có thể sẽ tương đương nhau.

Theo quan điểm người viết xin được đề xuất ưu tiên xếp lương giáo viên mầm non cao nhất trong hệ thống lương giáo viên phổ thông.

Có thể từ đây đến hết năm 2020 tất cả giáo viên đủ điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ được thăng hạng để thuận lợi cho việc xếp, chuyển lương theo Luật Giáo dục mới từ 01/7/2020 tiến tới trả lương theo vị trí việc làm cho toàn bộ cán bộ, công chức viên chức từ năm 2021.

Hiện nay đã là trung tuần của tháng 4 nhưng còn rất nhiều hồ sơ thăng hạng giáo viên ở các cấp học, bậc học chưa được giải quyết có phần trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương và cơ quan tham mưu.

Hy vọng đến hết tháng 6 này 100% giáo viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn được chuyển thăng hạng để thuận lợi cho việc xếp chuyển lương giáo viên theo Luật Giáo dục mới tiến tới trả lương theo vị trí việc làm ở năm 2021

Giáo viên chưa đạt chuẩn sẽ xếp lương như thế nào?

Một vấn đề khác cũng cần quan tâm, đáng bàn là khi đó còn rất nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật mới sẽ được xếp lương như thế nào?

Việc đào tạo giáo viên chưa đạt chuẩn để đạt chuẩn trình độ đào tạo mới thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có lộ trình, thậm chí có kế hoạch để đào tạo miễn phí cho giáo viên chưa đạt chuẩn.

Nên giáo viên trên có thể yên tâm phần nào về việc đào tạo để đạt chuẩn, sẽ không có chuyện giáo viên mất việc vì chưa đạt chuẩn trong tương lai gần ít nhất đến năm 2030.

Tuy nhiên, việc các giáo viên đã đạt chuẩn được xếp lương theo chuẩn mới thì việc chưa đạt chuẩn sẽ có thể chấp nhận một phần thiệt thòi trong việc sắp xếp lương. Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề trên.

Hy vọng đợt cải cách lương năm 2021 này là đợt cải cách mạnh mẽ giống như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải chỉ điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa”. 

Đây là quan điểm của người đứng đầu Chính phủ - cũng là trưởng ban khi chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công vào chiều ngày 4/3 vừa qua.

BÙI NAM