Tổng chủ biên nói số môn học giảm, Thứ trưởng bảo số môn học tăng, ai đúng?

29/09/2021 06:52
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những chia sẻ của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cùng một số lãnh đạo Bộ nói khi công bố chương trình thì…ai đúng?

Đến năm học 2021-2022 này, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được ngành giáo dục triển khai giảng dạy ở lớp 1, lớp 2 ở cấp tiểu học và lớp 6 ở cấp trung học cơ sở. Nhìn vào thực tế môn học mà các trường đang triển khai thì ai cũng có thể nhìn thấy chương mới không hề giảm môn so với chương trình 2006.

Không có môn học nào được bớt đi mà thêm vào đó một số hoạt động giáo dục, một số phân môn khác nữa. Điều này, cũng được chính Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định với báo chí.

Thế nhưng, nếu ngược lại thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình tổng thể thì lúc ấy Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên chương trình giáo dục tổng thể và lãnh đạo Bộ đã những chia sẽ rất khác.

Vậy, chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng hay giảm môn? Những chia sẻ của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cùng một số lãnh đạo Bộ nói khi công bố chương trình thì…ai đúng?

Và, thực tế đang chứng minh như thế nào?

Các môn học ở chương trình cũ vẫn được giữ nguyên và có thêm một số môn học, hoạt động giáo dục ở chương trình mới. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Các môn học ở chương trình cũ vẫn được giữ nguyên và có thêm một số môn học,

hoạt động giáo dục ở chương trình mới. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Thầy Thuyết, thầy Thưởng mỗi người nói một cách

Khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang lấy ý kiến thì thầy Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên chương trình giáo dục tổng thể đã nhiều lần khẳng định với báo chí về về chương trình mới mới có nhiều ưu điểm hơn chương trình hiện hành (chương trình 2006).

Khi trả lời Báo VGP News, thầy Thuyết đã cho biết: “Chương trình mới đã giảm số môn học, thời lượng học so với Chương trình hiện hành và còn thấp hơn Chương trình các nước”.[1]

Chiều ngày 27/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo để công bố chương trình giáo dục phổ thông 2018. Lúc đó, thầy Nguyễn Minh Thuyết đã chia sẻ với báo chí như sau:

Nhờ thực hiện dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học, chương trình Giáo dục phổ thông mới mới giảm được số môn học so với chương trình hiện hành:

Theo chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.

Chương trình mới của các lớp trung học cơ sở đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học. Chương trình mới của các lớp trung học phổ thông đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.

Trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục mới hoặc mang tên mới là: Tin học và Công nghệ, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở; Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp trung học phổ thông; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Ở cấp trung học cơ sở, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành Vật lí, Hóa học, Sinh học và Khoa học trái đất; môn Lịch sử và Địa lí được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lý”.[2]

Như vậy, trước và sau khi thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì thầy Nguyễn MinhThuyết đều khẳng định chương trình mới sẽ giảm được số môn học so với chương trình 2006 trước đây.

Tuy nhiên, trước việc giá sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới cao hơn rất nhiều so với sách giáo khoa chương trình 2006 nên ngày 22/4/2021, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã trả lời trên Báo Nhân dân về giá sách giáo khoa.

Lý giải một trong những nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: “số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhiều hơn so với chương trình cũ”. [3]

Từ những chia sẻ của thầy Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên chương trình giáo dục tổng thể và Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thì chúng ta đã thấy có sự khác nhau. Người thì nói chương trình mới giảm môn, người thì nói nhiều môn.

Tuy nhiên, có lẽ 2 thầy phát biểu ở 2 thời điểm khác nhau nên mục đích cũng khác nhau. Thầy Thuyết nói giảm môn vì đó là thời điểm Bộ thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tất nhiên, những ưu điểm, những lợi thế của chương trình mới so với chương trình cũ rất cần được thông báo đến dư luận xã hội…

Còn đối với thầy Thưởng nói khi mà dư luận xã hội lên tiếng về giá sách giáo khoa của chương trình mới cao hơn nhiều lần sách cũ thì cách lý giải giá cao do có nhiều môn học hơn cũng là điều…hợp lý!

Và, rõ ràng dư luận không biết nghe ai và ai là người nói đúng bản chất sự việc.

Thực tế chương trình lớp 6 có giảm môn hay không?

Chúng tôi lấy lớp 6- lớp đầu tiên của cấp trung học cơ sở đã được áp dụng từ năm học 2021-2002 này để làm con số minh chứng cho chuyện tăng môn hay giảm môn học ở chương trình mới.

Nếu như các môn học độc lập ở chương trình năm 2006 như Lịch sử; Địa lý; Vật lí, Hóa học, Sinh học thì bây giờ được “tích hợp” thành 2 môn học mới và đương nhiên là môn học không giảm mà chỉ gọi từ môn học sang…phân môn mà thôi. Môn Âm nhạc, Mĩ Thuật thì gộp thành môn Nghệ thuật.

Trong khi đó, chương trình 2006 thì môn Hóa học bắt đầu dạy ở lớp 8, giờ đưa xuống lớp 6. Ngoài ra, còn thêm môn Giáo dục địa phương gồm các phân môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân; Âm nhạc, Mĩ thuật và hoạt động Trải nghiệm sáng tạo.

Như vậy, nếu so với chương trình lớp 6 mới với chương trình cũ thì nó có thêm phân môn Hóa học; môn Giáo dục địa phương riêng biệt và hoạt động Trải nghiệm sáng tạo. Còn các môn, phân môn học khác thì vẫn được giữ nguyên như cũ.

Về số đầu sách giáo khoa thì có thêm 3 đầu sách, đó là: Thể dục; Trải nghiệm sáng tạo; Giáo dục địa phương.

Như vậy, chúng ta thấy một điều rất rõ ràng là thầy Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên chương trình giáo dục tổng thể nói chương trình mới giảm môn là chưa đúng bản chất vấn đề. Các môn học được giữ nguyên và chương trình mới còn có thêm một số phân môn, hoạt động giáo dục khác nữa.

Cũng chính vì thế mà áp lực cho học trò học chương trình mới cũng không giảm bớt như kỳ vọng, thậm chí nó còn phức tạp hơn khi một môn học có tới 3 thầy, 3 vở ghi chép và mỗi khi lật sách tìm bài học cũng không phải là điều dễ dàng với một số em học sinh.

Bởi, có phân môn nằm ở đầu, có phân môn nằm ở giữa và có phân môn nằm ở cuối cuốn sách giáo khoa…

Tài liệu tham khảo:

[1]http://baochinhphu.vn/Giao-duc/GS-Nguyen-Minh-Thuyet-Hoc-sinh-hoc-it-mon-it-thoi-gian-hon/304925.vgp

[2]https://thanhnien.vn/giao-duc/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-giam-so-mon-hoc-thoi-luong-khong-thay-doi-1037516.html

https://nhandan.vn/dien-dan-giao-duc/giu-gia-sach-giao-khoa-hop-ly-nhat-co-the-642956/

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH