Thưa Bộ trưởng Sơn, vấn nạn ngồi nhầm lớp nằm ở tiêu chí trường chuẩn quốc gia

16/04/2021 07:10
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh xếp loại học lực môn loại Yếu (đối với những môn đánh giá bằng điểm số) và loại Chưa hoàn thành đối với những môn đánh giá bằng nhận xét) không quá 5%.

Câu chuyện em N.V.K đang học kỳ 1 của lớp 6 tại Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp nhưng nhất quyết đòi nghỉ học vì em không biết chữ nên mặc cảm với bạn bè đã làm dư luận bàng hoàng trong thời gian vừa qua.

Ngày 13/4, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, trong đó có vấn đề học sinh lớp 6 đọc không thông, viết không thạo nhưng vẫn được lên lớp.

Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Thanh Danh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, đã từ rất lâu, Sở đã có một chỉ đạo rất xuyên suốt, là không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên, không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện hay khống chế trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng giáo viên vào cuối năm học.

Thế nhưng, trên thực tế là vẫn có một vài trường, ban giám hiệu muốn thành tích của trường mình đẹp, không chấp hành các chỉ đạo của ngành, có những quy định gây áp lực cho giáo viên, nên mới xảy ra tình trạng học sinh yếu kém nhưng vẫn cho lên lớp. [1]

Giọt nước mắt em L.S.V. học sinh Trường THCS Lê Vĩnh Hòa (trường chuẩn quốc gia), Sóc Trăng đang học lớp 6 phải quay lại lớp 1 vì không biết đọc, không biết viết ám ảnh người xem phóng sự của Chuyển động 24h, ngày 1/10/2016. Nguồn: ảnh chụp màn hình phóng sự trên vtv.vn

Giọt nước mắt em L.S.V. học sinh Trường THCS Lê Vĩnh Hòa (trường chuẩn quốc gia), Sóc Trăng đang học lớp 6 phải quay lại lớp 1 vì không biết đọc, không biết viết ám ảnh người xem phóng sự của Chuyển động 24h, ngày 1/10/2016. Nguồn: ảnh chụp màn hình phóng sự trên vtv.vn

Học tới lớp 6 vẫn không thể đọc, viết, nhiều người ngoài ngành nghe thấy lạ, thấy vô lý vì khó tin nhưng với giáo viên chúng tôi lại quá đỗi bình thường.

Bởi, học sinh đọc yếu, thậm chí dù chưa biết đọc ở lớp 1 nhưng lại không cho ở lại lớp mà buộc lên lớp 2. Những học sinh như thế mỗi ngày sẽ đọc yếu hơn vì lớp 2 không dạy học vần. [2]

Như vậy, học sinh không đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng nhưng vẫn bị đẩy lên lớp hoàn toàn do... giáo viên.

Để học sinh không đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng nhưng vẫn được lên lớp, giáo viên phải làm “đẹp” học bạ.

Những con số báo cáo đẹp, những cuốn học bạ đẹp không còn cá biệt ở một cơ sở giáo dục nào đó mà nó hiện diện tràn lan trên cả nước với một tên khác “bệnh chỉ tiêu thành tích” trong giáo dục.

Những con số báo cáo đẹp, những cuốn học bạ đẹp đã bị dư luận coi là ... tội ác. Những con số báo cáo đẹp, những cuốn học bạ đẹp đều là “tác phẩm” của giáo viên, hay nói cách khác, giáo viên chúng ta... ác quá, giáo viên chúng ta không... lương thiện? [3]

Vậy tại sao giáo viên cứ “lùa” học sinh lên lớp để mang tiếng... ác, gây ra tội ác?

Tuyệt đối trong các văn bản giáo dục, không có văn bản nào nào giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên. Cùng với đó, không có văn bản nào dùng chỉ tiêu học sinh lên lớp làm tiêu chí hay điều kiện để khống chế trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng giáo viên vào cuối năm học.

Vậy tại sao giáo viên cứ “lùa” học sinh lên lớp? Giáo viên cho học sinh ở lại lớp được không?

Đầu tiên là bản đăng ký thi đua đầu năm, trong dó có chỉ tiêu bộ môn, chỉ tiêu học sinh lên lớp sau thi lại. Những chỉ tiêu này, năm sau luôn cao hơn hoặc bằng chỉ tiêu trung bình của huyện, với trường đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia thì phải tham chiếu thêm chỉ tiêu của trường chuẩn quốc gia về học lực, hạnh kiểm.

Giáo viên buộc phải đăng ký chỉ tiêu “đẹp”, khó mà đăng kí chỉ tiêu thấp hơn kế hoạch của nhà trường đề ra, đã được cấp trên duyệt.

Tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ “Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành, trong đó có không quá 20% tiêu chí chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ hoặc hiệu quả thấp”. [4]

Giáo viên muốn hoàn thành nhiệm vụ phải thực hiện được chỉ tiêu thi đua theo kế hoạch đề ra trong Hội nghị viên chức đầu năm.

Mặt khác, để đạt trường Chuẩn quốc gia, (lấy ví dụ trường Tiểu học) nhà trường phải có:

4. Chất lượng và hiệu quả giáo dục tính theo từng khối lớp

a) Tỷ lệ học sinh lên lớp hoàn thành chương trình tiểu học đạt ít nhất 95%.

b) Tỷ lệ học sinh được nhận xét thực hiện đầy đủ bốn nhiệm vụ của học sinh tiểu học (hoặc được xếp loại hạnh kiểm Tốt và Khá tốt) đạt ít nhất 95%.

c) Tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu Học sinh Giỏi đạt ít nhất 10%, Học sinh Tiên tiến đạt ít nhất 40%.

d) Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực môn loại Yếu (đối với những môn đánh giá bằng điểm số) và loại Chưa hoàn thành đối với những môn đánh giá bằng nhận xét) không quá 5%.

e) Hiệu quả đào tạo tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm học) đạt ít nhất 90%. [5]

Với trường có biên chế đủ 35 em/lớp, mỗi năm không quá 1 em ở lại lớp mới đạt chuẩn. Với trường học không đạt số lượng biên chế, không thể cho học sinh ở lại lớp nếu muốn đạt chuẩn quốc gia.

Nếu chỉ dừng ở văn bản này, e có người sẽ cho rằng người viết "suy diễn", vậy xin mời đọc bài báo:

Trường chuẩn Quốc gia hai năm liên tục có học sinh “ngồi nhầm lớp” trên Báo Công an nhân dân ngày 13/09/2017 [6];

"Hậu Giang: Nhiều học sinh trường chuẩn quốc gia không biết đọc, biết viết", đăng trên Báo Công lý ngày 18/4/2019 [7]...

Ai cho giáo viên … lương thiện đây, khi còn đó những “gông cùm” vô hình buộc giáo viên phải làm đẹp học bạ, làm đẹp số liệu báo cáo.

Giáo viên vẫn biết, muốn giáo dục học sinh “Chân – Thiện – Mĩ” thì giáo viên phải có “Chân – Thiện – Mĩ”, trên tinh thần “Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm” mới giáo dục được học trò.

Vì vậy, người viết đề nghị Bộ trưởng tham mưu với các cơ quan liên quan, bỏ tiêu chí tỷ lệ học sinh lên lớp trong đăng ký thi đua đầu năm học, chất lượng và hiệu quả giáo dục tính theo từng khối lớp trong đánh giá trường học.

Làm được như thế, học sinh không đạt chuẩn kiến thức kĩ năng, giáo viên sẽ cho ở lại lớp ngay. Không học hành nghiêm túc, không lên lớp, chắc chắn nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế nhà giáo trong xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dong-thap-hop-toan-bo-can-bo-quan-ly-giao-duc-vu-hoc-sinh-lop-6-doc-khong-thong-post217066.gd

[2] https://baoquocte.vn/vu-hoc-sinh-lop-6-khong-doc-duoc-chu-cac-em-duoc-lua-len-lop-vi-dau-142203.html

[3]https://dantri.com.vn/blog/toi-ac-tu-nhung-cuon-hoc-ba-dep-nhu-ve-20210413041305987.htm

[4] https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/30567/bo-tieu-chi-danh-gia-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-tu-20-8-2020

[5]https://nhandan.com.vn/van-ban-moi/quy-che-cong-nhan-truong-tieu-hoc-dat-chuan-quoc-gia-429249

[6]http://cand.com.vn/giao-duc/Truong-chuan-Quoc-gia-hai-nam-lien-tuc-co-hoc-sinh-ngoi-nham-lop-457849/

[7]https://congly.vn/hau-giang-nhieu-hoc-sinh-truong-chuan-quoc-gia-khong-biet-doc-biet-viet-84101.html

Sơn Quang Huyến