Tết, sao thầy cô lại ra bài tập cho học trò của mình?

26/01/2020 06:16
NHẬT DUY
(GDVN) - Tết, giáo viên không ra bài tập, học trò không phải bận tâm đến chuyện bài tập mới là điều thiết thực nhất và tất nhiên là các thầy cô đều hướng tới điều này.

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết Nguyên đán thì lại có một số bài viết đề cập đến chuyện học sinh bị thầy cô giáo ra bài tập về nhà để làm khiến cho phụ huynh và học sinh ngao ngán. Tại sao giáo viên lại giao bài tập Tết cho học trò nhỉ? Bao nhiêu giáo viên đã giao bài tập cho học trò?

Thực tế, chuyện giáo viên giao bài tập cho học trò trong dịp nghỉ Tết thường rất hiếm bởi các em vừa mới bước vào học kỳ II được 2 tuần, lấy đâu ra nhiều bài tập mà giao cho học sinh thực hiện?

Thông thường, các nhà trường hướng học trò tới một số hoạt động ngoại khóa chứ không ra bài tập (Ảnh minh họa: Báo Văn hóa)

Thông thường, các nhà trường hướng học trò tới một số hoạt động ngoại khóa

chứ không ra bài tập (Ảnh minh họa: Báo Văn hóa)

Một số thầy cô sợ học trò xao nhãng việc học

Tình trạng giáo viên ra bài tập học trò vào dịp Tết rất hiếm và những thầy cô làm việc này là do tâm lý sợ học sinh nghỉ dài ngày sẽ xao nhãng chuyện học hành. Một số thầy cô thì sợ học sinh sa vào những thú chơi vô bổ như game online hay một số những tệ nạn xã hội khác.

Thế nhưng, thực tế thì không mấy giáo viên làm việc này cả. Thời còn đi học phổ thông cả khi vào đại học thì chúng tôi cũng chưa bao giờ thấy thầy cô giao bài tập để học trò làm vào dịp Tết.

Bây giờ đi dạy, chúng tôi cũng không bao giờ giao bài tập cho học trò. Nhìn con, cháu đang học phổ thông cũng không thấy thầy cô nào ra bài tập về nhà vào dịp Tết.

Thực tế thì Tết là nghỉ ngơi, thầy cô cũng vậy mà học trò cũng thế. Nếu giáo viên ra bài tập cho học trò thì đó là những trường hợp hy hữu mà thôi. Bởi, thầy cô nào cũng biết rõ một điều là Tết là dịp thích hợp nhất để cả thầy và trò nghỉ xả hơi sau một học kỳ căng thẳng, mệt mỏi.

Tết, sao thầy cô lại ra bài tập cho học trò của mình? ảnh 2Tết cận ngày, thầy trò đều mệt mỏi

Vậy nên, ngày nghỉ Tết, phần lớn giáo viên thường không giao bài tập về nhà cho học trò, nhất là đối với học sinh từ Trung học cơ sở trở lên. Hơn nữa, bài tập thì đa phần học xong bài nào là thầy trò đã giải quyết dứt điểm hết cả rồi.

Điều mà chúng ta đều biết là các em học sinh vừa hoàn thành nội dung, kiến thức của học kỳ I. Phần nhiều các trường học mới bước vào tuần thứ 2 của học kỳ II thì đã nghỉ Tết. Trong khi, sách giáo khoa hiện hành thì các bài đầu sách thường có lượng kiến thức nhẹ hơn rất nhiều những bài ở các tuần sau.

Chính vì thế, sau mỗi bài học, có vài bài tập nên thầy cô đã cho học trò làm hết gọn gàng. Còn đâu ra bài tập mà giao cho học trò, chẳng có thầy cô nào lại đi dồn bài tập vào một cục để đến Tết giao cho học trò làm ở nhà?

Hay, giáo viên nghĩ ra một số bài tập cho học trò làm? Chúng tôi cho rằng chẳng mấy thầy cô làm việc này vì nó không mang lại hiệu quả cho việc học mà chỉ gây áp lực cho cả thầy và trò mà thôi.

Hơn nữa, làm như vậy, không chỉ sai về quy chế chuyên môn mà thực tế làm gì có nhiều bài tập mà giao cho học trò như một số bài viết đã phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày qua.

Hướng học trò vào những việc làm thiết thực như thế nào?

Việc thầy cô và các nhà trường hay làm là trước khi nghỉ Tết thường có những buổi sinh hoạt tập thể để nhắc nhở các em có một tâm thế đón Tết vui tươi, lành mạnh. Ngoài ra, còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, từ thiện để học sinh cảm thấy đó là những hoạt động giáo dục bổ ích cho mình.

Tết, sao thầy cô lại ra bài tập cho học trò của mình? ảnh 3Những món quà Tết đầy nghĩa tình của nhà trường tặng học sinh nghèo

Những ngày nghỉ Tết, học trò được tự do, không chịu sự quản lý hàng ngày của nhà trường nên đây là thời điểm mà các em thoải mái vui chơi.

Trong khi, ngày Tết thì cũng đan cài nhiều những trò chơi vô bổ và phụ huynh cũng hay chủ quan, lơ là quản lý con em mình. Chính vì thế, đây là khoảng thời gian rất cần sự sâu sát của cha mẹ.

Phụ huynh có thể hướng con em mình đi thăm thú ông bà, anh em, người thân của mình. Những học sinh lớn thì cũng cần định hướng để các em tránh sa vào rượu bia, phóng xe tốc độ cao và giới hạn thời gian đi chơi để các em ý thức tốt về những hành động, việc làm của mình trong dịp Tết.

Tết, giáo viên không ra bài tập, học trò không phải bận tâm đến chuyện bài tập mới là điều thiết thực nhất và tất nhiên là các thầy cô đều hướng tới điều này. Chuyện giáo viên ra bài tập cho học trò vào dịp Tết thực tế là rất ít xảy ra.

Hy vọng, gia đình cần quản lý tốt học sinh vào dịp này để sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán thì các em trở lại trường với một tâm thế thoải mái nhất để học tập.

NHẬT DUY