Sắp đến hạn Bộ Giáo dục báo cáo Thủ tướng chứng chỉ chức danh, thầy cô mong lắm

26/03/2021 06:33
Đỗ Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trên các diễn đàn giáo dục, nhiều thầy cô, chuyên gia giáo dục đã chỉ ra những bất cập trong việc tồn tại loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Kể từ khi chùm thông tư về tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 02/02/2021 ra đời, dù chưa có chỉ đạo cụ thể từ các cơ quan chức năng nhưng vì sợ rớt hạng, không được chuyển hạng nên nhiều giáo viên đổ xô đi học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Đây thực sự là một lãng phí rất lớn.

Trên các diễn đàn giáo dục, nhiều thầy cô, chuyên gia giáo dục đã chỉ ra những bất cập trong việc tồn tại loại chứng chỉ này.

Hầu hết các thầy cô đi học đều cho rằng các loại chứng chỉ này không có nhiều ý nghĩa trong việc nâng cao trình độ để phục vụ cho chức danh nghề nghiệp giáo viên đang làm mà chỉ để giữ hạng, thăng hạng.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là để giáo viên giữ hạng và thăng hạng? (Ảnh minh họa: LÂM THIÊN)

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là để giáo viên giữ hạng và thăng hạng? (Ảnh minh họa: LÂM THIÊN)

Thực tế trước đây cùng với chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thấy những bất cập trên.

Cụ thể, ngày 29/7/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 2814/BGDĐT-NGCBQLGD về việc đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101 trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề nghị:

1. Đối với viên chức ngành Giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thay thế bằng các chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (trong trường hợp không thể thay thế tất cả thì chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp).

2. Bổ sung quy định giao cho các Bộ/Ngành ban hành chương trình bồi dưỡng năng lực quản lý chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ quản lý đơn vị sự nghiệp (trong và ngoài công lập) do Bộ/Ngành chủ trì xây dựng (ngoài chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước nói chung do Bộ Nội vụ chủ trì).

3. Không giao thẩm quyền cho các địa phương về việc giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập để đảm bảo Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm soát được chất lượng tổ chức bồi dưỡng của các cơ sở giáo dục được Bộ giao nhiệm vụ.

4. Ngoài ra, để phù hợp với bối cảnh hiện nay, cần bổ sung thêm hình thức bồi dưỡng “qua mạng” trong danh mục các loại hình tổ chức bồi dưỡng.

Tuy nhiên có lẽ vì nhiều lý do khác nhau nên đề xuất này đã không được thực hiện và Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tiếp tục quy định điều kiện về chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên trong chùm thông tư vừa mới ban hành, gây ra nhiều ý kiến phản biện trái chiều trong dư luận, đặc biệt là những tâm tư của các nhà giáo trên cả nước, lực lượng chịu tác động trực tiếp từ những chính sách này.

Nhận thấy những bất cập này từ dư luận, ngày 19/3/2021 Văn phòng Chính phủ ra công văn số 1797/VPCP-TCCV nêu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về đề nghị của Bộ Nội vụ tại Công văn số 931/BNV-ĐT ngày 9 tháng 3 năm 2021 và Công văn số 616/BNV-ĐT ngày 9 tháng 2 năm 2021 về hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu nêu rõ các loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn - nghiệp vụ.

Theo đó, phân loại rõ chứng chỉ nào bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải báo cáo cụ thể những nội dung tương tự trên trong quy định chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tại cơ sở công lập.

Đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ liên quan có báo cáo đề xuất phương án cụ thể sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua. Thời hạn báo cáo trong tháng 3/2021.

Hiện nay khi các thông tư về tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bắt đầu có hiệu lực, một số địa phương đã có phương án triển khai bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, một số nơi vẫn còn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan có thẩm quyền và vấn đề chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên vẫn còn chưa ngã ngũ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có những chỉ đạo cụ thể, tránh việc giáo viên tiếp tục bị mất tiền bạc cho những loại chứng chỉ không thực sự cần thiết.

Thiết nghĩ, để khắc phục những bất cập về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên trước khi có kết luận của Chính phủ, chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện gấp hai việc sau:

Một là, ra văn bản cho giáo viên được nợ các loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong trường hợp giáo viên chưa học kịp thời.

Vì hiện nay một số giáo viên vẫn chưa có chứng chỉ trên, trong khi một số địa phương đã tiến hành triển khai việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp. Nếu sau này sửa Nghị định 101 thì giáo viên khỏi phải tốn tiền một cách vô ích.

Hai là, tiếp tục đề xuất thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bằng các chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên theo tinh thần nội dung công văn 2814/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 29/7/2020 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gởi cho Bộ Nội vụ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Hùng