Nhiều sinh viên đã xin nghỉ học vì không kham nổi học phí, sinh hoạt

15/06/2022 06:52
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người phụ trách Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần nâng mức cho vay vốn và đa dạng hóa hơn nữa đối tượng cho vay.

Giấc mơ về giảng đường đại học là kết quả phấn đấu, nỗ lực học tập suốt bao nhiêu năm đèn sách, tuy nhiên, rất nhiều giấc mơ bình dị này đang bị cản trở vì điều kiện tài chính khó khăn.

Giấc mơ giảng đường dở dang vì học phí tăng chóng mặt

Sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo, bố mẹ đều làm nông, Nguyễn Văn Lộc (huyện Yên Thành, Nghệ An) quyết tâm thi vào một trường khối quân đội để được miễn đóng học phí.

Gia đình Lộc có 3 anh chị em, Lộc là con thứ hai trong gia đình. Bố mẹ làm công việc đồng áng quanh năm, thỉnh thoảng làm thêm công việc chạy vặt cho mọi người, số tiền kiếm được “bập bõm bữa đực bữa cái”.

Phía sau Lộc còn có 1 em gái 3 tuổi. Chỉ riêng chi phí bỉm sữa, tiền ăn học của trẻ mầm non cũng là một khoản lớn với gia đình Lộc. Vì vậy, chàng trai không muốn trở thành gánh nặng của cha mẹ khi mình lên đại học bởi học phí của nhiều trường tăng mạnh theo từng năm học.

Phan Thị M. (huyện Yên Thành, Nghệ An) là cô bé dáng người nhỏ, gầy nhong và làn da sạm nắng vì những vất vả bươn chải phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng.

M. sinh ra trong một gia đình đông con, bố mẹ lớn tuổi, lại thêm bệnh xương khớp nên không thể làm được việc nặng, đau ốm triền miên nên phải thường xuyên vào bệnh viện.

Anh trai M. hết cấp 3 đã phải nghỉ học để đi xuất khẩu lao động. Gia đình vay nợ hàng trăm triệu cho anh trai M. đi nhưng không ngờ công việc không suôn sẻ, gia đình lại gánh thêm khoản nợ lớn cùng số tiền lãi kéo lãi hàng tháng.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2020-2021, M. đăng ký thi khối C và đạt 28 điểm. Tuy nhiên, cô gái đã từ bỏ giấc mơ đại học chỉ vì không có tiền đóng học phí. Gia đình còn bố mẹ đau yếu suốt, mấy đứa em nheo nhóc và một khoản nợ lớn, M. không nỡ chỉ lo riêng phần mình.

“Được học đại học chắc vui lắm, nhưng nếu thế thì cha mẹ em phải khổ thêm. Các khoản học phí, rồi tiền sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ, để cha mẹ gánh, em không đành lòng. Nếu có vay ngân hàng, đến lúc ra trường với số lương 5-7 triệu đồng, em không biết bao giờ mới trả hết…”, cô gái 18 tuổi trải lòng.

Thế là cô gái ấy quyết định tạm gác lại giấc mơ giảng đường đại học, đi xuất khẩu lao động, giúp gia đình giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt.

Rất nhiều giấc mơ về giảng đường đại học của học sinh đang bị cản trở vì khó khăn về tài chính. Ảnh: Doãn Nhàn

Rất nhiều giấc mơ về giảng đường đại học của học sinh đang bị cản trở vì khó khăn về tài chính. Ảnh: Doãn Nhàn

Kiến nghị tăng định mức vay vốn cho sinh viên cao hơn, thời gian dài hơn

Mới đây, mức học phí của nhiều trường đại học tăng mạnh khi áp dụng Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Vậy cánh cửa nào mở ra cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn?

Trong khi đó rất nhiều hộ gia đình vẫn còn lao đao, gặp khó khăn về kinh tế suốt 2 năm qua vì dịch bệnh. Cùng với đó là sức ép của lạm phát, giá cả các mặt hàng tiêu dùng, xăng, dầu đua nhau tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp tới điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình, nhất là những lao động nghèo.

Theo kết quả khảo sát của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện trên quy mô gần 40.000 sinh viên sau đại dịch COVID-19, có đến 60% sinh viên có gia đình mất đi ít nhất một nguồn thu và cũng có đến 60% sinh viên lo lắng về học phí. Nhiều người đã ví von sức nóng của tăng học phí còn hơn cả mức tăng giá xăng dầu hiện nay.

Mặc dù Chính phủ đã có chính sách điều chỉnh tăng mức vay vốn cho sinh viên từ 2,5 triệu đồng/tháng lên 4 triệu đồng/tháng từ ngày 19/5/2022; mức lãi suất giảm từ 6,6%/năm xuống còn 4,6%/năm; Tuy nhiên chính sách này vẫn chưa thực sự cho nhiều em học sinh khó khăn có cơ hội chạm đến giảng đường đại học.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Trường Thịnh, cần nâng mức cho vay vốn và đa dạng hóa hơn nữa đối tượng cho vay. Ảnh: website trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Trường Thịnh, cần nâng mức cho vay vốn và đa dạng hóa hơn nữa đối tượng cho vay. Ảnh: website trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Trường Thịnh – phụ trách Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần nâng mức cho vay vốn và đa dạng hóa hơn nữa đối tượng cho vay.

“Việc điều chỉnh chính sách vay cho sinh viên hiện nay là cần thiết khi mà học phí ngày càng tăng theo lộ trình, chi phí cho cuộc sống ngày càng tăng đặc biệt là ở các thành phố lớn. Sau đại dịch, các gia đình cũng vất vả hơn để trang trải cuộc sống và lo cho con em họ.

Ở trường chúng tôi cũng có khá nhiều em cũng đã xin nghỉ học vì không kham nổi cuộc sống dù mức học phí của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh là thấp nhất trong các trường tự chủ.

Do đó, để đảm bảo cho các em an tâm học, cơ chế và chính sách cho việc vay vốn cần đa dạng hóa hơn về đối tượng cũng như tăng số tiền được vay hàng tháng lên để các em có thể yên tâm học tập”.

Theo thầy Thịnh, hiện nay các ngân hàng chính sách xã hội đều có hỗ trợ cho sinh viên vay tuy nhiên số lượng sinh viên tiếp cận chưa nhiều cũng như số tiền vay chưa đủ đóng học phí và trang trải cuộc sống.

Để giúp sinh viên có cơ hội học tập đầy đủ, thầy Thịnh đề xuất các trường đại học nên có những quỹ tài chính cho sinh viên trường mình vay hoặc hỗ trợ sinh viên khó khăn đóng học phí.

Người phụ trách Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường luôn có các chính sách hỗ trợ sinh viên, giúp các em giảm bớt áp lực về tài chính.

“Hiện nay nhà trường có những chính sách hỗ trợ sinh viên như miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo, gia đình khó khăn, hộ chính sách; Có trợ cấp cho sinh viên tàn tật, khuyết tật; Xây dựng một quỹ do cựu sinh viên đóng góp để cho sinh viên vay để đóng học phí hay trang trải cuộc sống; Duy trì góc sẻ chia dành cho sinh viên khó khăn với thực phẩm, đồ dùng.

Ngoài ra, hàng tuần, nhà trường đều cung cấp các suất ăn miễn phí dành cho hàng trăm sinh viên khó khăn. Đặc biệt, hàng năm, nhà trường có những quỹ học bổng khuyến tài dành cho các ngành đào tạo nhân tài, học bổng cho sinh viên có anh chị học chung, học bổng khuyến khích học tập và nhiều học bổng khác nữa”.

Doãn Nhàn