Giá sách giáo khoa, học phí đều tăng, phụ huynh khó khăn liệu có kham nổi?

06/06/2022 06:58
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi giá sách giáo khoa tăng, học phí tăng thì phụ huynh bắt buộc phải mua, phải nộp cho con em mình vì họ không được quyền trả giá.

Mặc dù thời điểm bước vào năm học 2022-2023 còn 3 tháng nữa nhưng ngay từ lúc này thì phụ huynh cả nước đã bắt đầu cảm thấy lo lắng khi thấy các dịch vụ trong ngành giáo dục bắt đầu chuyển động theo chiều hướng tăng dần đều.

Sách giáo khoa phổ thông mới đã được các nhà xuất bản niêm yết giá và chúng ta thấy mặt hàng này đã tăng nhiều lần so với năm học 2021-2022. Nhiều địa phương, trường đại học cũng đã có dự kiến để tăng học phí kể từ năm học tới đây.

Bên cạnh đó, các dịch vụ học thêm, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh cũng đã tăng theo. Nhìn chung, nhiều phụ huynh đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định về kinh tế gia đình trong mấy năm gần đây.

Đặc biệt, những phụ huynh là công chức, viên chức mà nhất là giáo viên thì kể từ tháng 7/2019 cho đến nay lương cơ sở không tăng. Thế nhưng, nhìn sự chuyển động của các dịch vụ giáo dục đều tăng nên ngay từ lúc này nhiều phụ huynh đã bắt đầu lo lắng.

Năm học tới, chi phí học tập của học sinh, sinh có có thể sẽ tăng thêm khá nhiều. (Ảnh minh họa: Phạm Linh)

Năm học tới, chi phí học tập của học sinh, sinh có có thể sẽ tăng thêm khá nhiều.

(Ảnh minh họa: Phạm Linh)

Giá sách giáo khoa tăng, học phí cũng không dừng lại…

Gần 3 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã có tác động sâu rộng đến đời sống của xã hội và len lỏi ảnh hưởng đến gần hết đến các gia đình. Trong đó, những công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày đều đã tăng theo giá xăng dầu.

Đồng lương của phụ huynh là công chức, viên chức đã gần 3 năm rồi gần như đứng yên một chỗ, lương cơ sở vẫn là 1.490.000 nghìn đồng và cũng chưa biết lúc nào sẽ được điều chỉnh nhưng chắc chắn một điều là hết năm 2022 này vẫn chưa có gì thay đổi về lương.

Lúc này, phụ huynh mà có 2 đứa con đang theo học mà nhất là học sinh đầu cấp, cuối cấp hoặc đang theo học ở các trường đại học quả là điều đáng lo lắng khi gần hết các loại phí dịch vụ đã được các cơ quan chức năng phát tín hiệu sẽ tăng giá vào năm học mới tới đây.

Giá sách giáo khoa chương trình mới tăng khoảng 3 lần so với chương trình hiện hành đã được các nhà xuất bản niêm yết giá. Bên cạnh sách giáo khoa thì các đồ dùng học tập khác cũng tăng theo. Ngay cả chuyện con em học thêm tại trường, tại nhà thầy cô giáo cũng đã đang được đẩy lên cao so với trước đây.

Điều đặc biệt là trong mấy tuần gần đây thì nhiều địa phương và trường đại học đang rục rịch chuẩn bị cho kế hoạch tăng học phí phổ thông và đại học từ năm học tới đây.

Chẳng hạn, Thành phố Hà Nội đã có dự kiến mức học phí cho năm học 2022-2023 như sau: “Với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 là 300.000 đồng mỗi tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000-200.000 đồng (vùng 3) và 50.000-100.000 đồng (vùng 4).

Nếu so sánh theo từng cấp và khu vực, trừ bậc trung học phổ thông vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng, học phí các bậc còn lại đều tăng khoảng gấp đôi năm học 2021-2022”. [1]

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch tăng học phí trong năm học tới đây, có cấp học tăng gấp 5 lần năm học 2021-2022.

"Theo đó, bậc mầm non: các quận tại Thành phố Hồ Chí Minh từ 200.000 đồng lên 300.000 đồng/trẻ/tháng. Các huyện giữ nguyên mức 120.000 đồng/học sinh/tháng. Các lớp mẫu giáo thuộc quận từ 160.000 đồng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng. Các huyện giữ nguyên mức 100.000 đồng/học sinh/tháng.

Bậc trung học cơ sở: học sinh ở các quận từ 60.000 đồng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 5 lần so với trước. Học sinh bậc trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên trung học cơ sở thuộc các huyện từ 30.000 đồng lên 70.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 40.000 đồng/học sinh/tháng.

Bậc trung học phổ thông: học sinh thuộc các quận từ 120.000 đồng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng. Học sinh các huyện từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng/học sinh/tháng”. [2]

Đối với bậc đại học cũng được các trường thông báo tăng học phí từ năm học tới đây.

"Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố học phí năm tới là 4,2 triệu đồng/tháng, mỗi năm sau tăng thêm 200.000 đồng/tháng. Tính toàn khóa, sinh viên nhập học năm 2022 cần nộp khoảng 180 triệu đồng trong bốn năm. So với mức đang được trường áp dụng trong năm học 2021-2022 là 3,5 triệu đồng/tháng, mức thu mới tăng 0,7-1,3 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20-37%.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra học phí dự kiến theo tín chỉ. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà là 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ. Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021 với 276.000 (hệ đại trà) và 771.000 (hệ chất lượng cao)…

Các trường thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố học phí dự kiến và lộ trình tăng cho từng năm.

Tại Trường Đại học Bách khoa, sinh viên trúng tuyển chương trình đại trà sẽ đóng 25 triệu đồng/năm; các năm tiếp theo tăng lên 27,5-30 triệu đồng.

Với Khoa Y, toàn bộ ngành được đào tạo theo hệ chất lượng cao. Học phí giai đoạn 2022-2023 với từng ngành, gồm: Y khoa 66-72,6 triệu đồng/năm; Dược 60-66,5 triệu; Răng Hàm Mặt 96,8-106 triệu đồng/năm. Học phí năm sau cao hơn năm trước trung bình 10%...

Tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, học phí mới cho đợt tuyển sinh 2021 tăng mạnh so với những năm trước. Chương trình đại trà thu 16-24 triệu đồng, tùy ngành; tăng khoảng gấp đôi. Ở chương trình chất lượng cao, trường thu 60 triệu đồng/năm. Với chương trình liên kết quốc tế 2+2, học phí dao động 45-82 triệu đồng/năm…” [3]

Như vậy, giá sách giáo khoa đã tăng và nếu như những dự kiến tiền học phí của học sinh, sinh viên ở nhiều địa phương, trường đại học được áp dụng chính thức sẽ tăng lên đáng kể. Và, tất nhiên là khi giá sách giáo khoa tăng, học phí tăng thì phụ huynh bắt buộc phải mua, phải nộp cho con em mình vì họ không được quyền trả giá.

Phụ huynh đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn

Mấy năm nay, dịch bệnh khó khăn, phải nói rằng rất nhiều phụ huynh đã và đang quá tải về gánh nặng học hành của con em mình. Con học càng lên cao, gánh nặng càng đè lên vai phụ huynh bởi sách giáo khoa, học phí cũng mới chỉ là 2 trong số rất nhiều khoản tiền trường mà phụ huynh đang phải đóng cho con em mình trong mỗi năm học.

Bởi, đối với học sinh phổ thông thì ngoài chuyện sách giáo khoa bắt buộc phải mua, học phí bắt buộc phải đóng thì cũng còn vô vàn những khoản bắt buộc, tự nguyện khác nữa.

Nào là bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền học thêm, tiền xã hội hóa, tiền quỹ hội phụ huynh, tiền tài liệu…

Những dịch vụ ở bên ngoài, ở nhà trường thôi thì cứ cho là tự phát, khó quản lý nhưng sách giáo khoa liên quan đến nhiều Bộ, học phí liên quan đến Hội đồng Nhân dân các tỉnh (thành phố) chẳng lẽ lại cũng tăng trong bối cảnh hiện nay?

Nhiều phụ huynh lúc này cho con đến trường đã là một sự cố gắng rất lớn sau cú sốc của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 khiến cho nhiều gia đình lao đao, đuối sức. Nhiều phụ huynh mất việc làm hoặc ảnh hưởng đến thu nhập hàng tháng.

Những công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng ảnh hưởng nặng nề khi 3 năm nay lương cơ sở không tăng mà tháng nào cũng phải ủng hộ “tự nguyện” hết quỹ này đến quỹ khác.

Thêm gánh nặng tiền trường của con em mình đang theo học ở các nhà trường đang là quá sức của nhiều gia đình. Bởi đồng lương vốn đã ít, đời sống của nhiều gia đình vốn đã khó khăn nhưng có lẽ sẽ còn khó khăn nhiều hơn trong năm học tới đây.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/hoc-phi-tai-ha-noi-co-the-tang-gap-doi-tu-nam-hoc-toi-2021452.html

[2] https://tuoitre.vn/gia-dang-nong-dung-tang-hoc-phi-20220518085413312.htm

[3] https://vnexpress.net/hoc-phi-dai-hoc-tang-manh-4465814.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN