Ngành giáo dục Bà Rịa – Vũng Tàu dạy thật học thật, xứng đáng được khen thưởng

09/05/2021 06:38
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cách làm của Bà Rịa – Vũng Tàu là một giải pháp tuyệt vời, đáng được tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng cả nước.

Ngày 6/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Trong số các quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với ý kiến của Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Ngày 24/2/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản số 368/SGDDT-MNTH về việc tổ chức dạy phụ đạo bắt đầu từ 01/3/2021 cho học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1 trên địa bàn tỉnh này.

Đây là lần đầu tiên người viết nhận thấy một Sở Giáo dục và Đào tạo dám nhìn thẳng vào sự thật là còn nhiều em học sinh lớp 1 chưa đạt một số kỹ năng cần thiết để bước tiếp các lớp tiếp theo.

Nếu cứ giao chỉ tiêu lên lớp 100% thì các em này sẽ được “lùa” lên lớp, khi mà kiến thức lớp 1 không có thì đương nhiên các em sẽ hỏng kiến thức ở lớp 2, rồi tiếp tục bị “lùa” lên các lớp tiếp theo,… sẽ dẫn đến tình trạng như đã từng xảy ra ở các địa phương khác (Sóc Trăng 2016, Đồng Tháp 2021) học đến lớp 6 mà chưa “đọc thông, viết thạo”, nó là căn nguyên của bệnh ngụy thành tích, giả dối trong giáo dục hiện nay.

Trong bài viết “Hiệu trưởng xuống dạy phụ đạo lớp 1 mới thể hiện rõ vai trò người đứng đầu” của tác giả Trung Dũng đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ rất lớn của giáo giới và nhân dân cả nước, rất nhiều người đánh giá rất cao kết quả mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã làm được.

Theo đó, giải pháp của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là: “Với số học sinh này phải được dạy phụ đạo để giúp các em rèn luyện các kỹ năng về đọc, viết, tính toán đồng thời bố trí phòng học riêng, giáo viên dạy phụ đạo tập trung cho các em.

Nếu các trường không có giáo viên để bố trí dạy thì lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách dạy lớp học này. Sau khi các em biết đọc lưu loát, viết, tính toán thành thạo sẽ chuyển các em về lại lớp học ban đầu.”

(Ảnh minh họa, nguồn: baobariavungtau.com.vn)

(Ảnh minh họa, nguồn: baobariavungtau.com.vn)

Kết quả đạt được thì còn bất ngờ hơn, sau thời gian thực hiện tính từ ngày 01/3 đến 15/4/2021, đã có 1096/2.339 em đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán, còn 1.156 em tiếp tục được phụ đạo riêng. Như vậy, tỷ lệ này đã được kéo giảm từ 9,4% xuống còn 4.9%.

Tôi tin rằng với cách làm quyết liệt, đầy trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì những con số trên là những con số thật, không phải như những báo cáo của một số địa phương là 100% học sinh lớp 1 đạt kiến thức, năng lực, phẩm chất,…

Đây là cách làm tuyệt vời, các em học sinh lên lớp 2 là những em có đủ kỹ năng, đủ trình độ để tiếp thu kiến thức, phẩm chất ở những năm tiếp theo.

Đã từng có ý kiến rằng dạy thật, học thật là đánh giá thật, cho học sinh lưu ban để nâng cao chất lượng giáo dục, cá nhân tôi cho rằng đó là giải pháp tồi.

Học sinh học yếu, chậm nếu cho các em ở lại lớp thì các em sẽ tiếp tục học yếu, sẽ tiếp tục ở lại. Do đó, bồi dưỡng kiến thức để các em được tiếp thu, được lên lớp, được tiếp tục học mới là điều cần làm.

Mục đích chính là giúp làm sao để các em học được, tiếp thu được, được lên lớp, được đi học, được vui chơi,… được rèn luyện năng lực và phẩm chất là mục đích tối thượng mà nước ta đang hướng đến.

Trong cuộc đời cách mạng của Bác, thiếu niên, nhi đồng là đối tượng được Bác Hồ quan tâm đặc biệt: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan/Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng…” .

“Trẻ em như búp trên cành” là quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là quan niệm của dân tộc ta về thiếu nhi, về việc chăm sóc thiếu nhi.

Cách làm của Bà Rịa – Vũng Tàu là một giải pháp tuyệt vời, đáng được tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng cả nước.

Nếu tỉnh, thành nào cũng quyết liệt, có chính sách tuyệt vời như Bà Rịa – Vũng Tàu thì giáo dục sẽ phát triển bền vững, không có tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”, không có những báo cáo láo, không có chạy theo thành tích ảo,… như hiện nay.

Với sự quyết liệt trên, với kết quả đạt được như trên, tuy còn rất nhiều vấn đề khó khăn, thử thách ở phía trước tuy nhiên việc Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai và các địa phương thực hiện thì theo người viết, việc tuyên dương, khen thưởng cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là vô cùng cần thiết, việc làm này tuyên dương ghi nhận đóng góp của tỉnh cho nền giáo dục tỉnh nhà và cũng là cơ sở để các tỉnh, thành khác học hỏi để mà làm theo.

Do đó, người viết cho rằng Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hình thức tuyên dương khen thưởng Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kịp thời để tuyên dương, ghi nhận thành tích mà ngành giáo dục tỉnh đã làm được.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nên có hình thức tuyên dương khen thưởng hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên các trường đã làm tốt công việc trên.

Một lần nữa, rất mong có các hình thức khen thưởng phù hợp và các địa phương khác cần mạnh dạn học tập, áp dụng mô hình của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để giáo dục phát triển bền vững, vững chắc.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/nganh-giao-duc-phai-vuon-len-manh-me-doi-moi-tu-duy-quan-ly-post217587.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM