Muốn duy trì kỳ thi quốc gia, Bộ Giáo dục cần có lập luận khoa học, thuyết phục

16/04/2020 06:13
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Qua phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, có thể thấy có vẻ như Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn muốn tiếp tục duy trì kỳ thi trung học phổ thông năm nay.

1. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành, nhiều ý kiến đề xuất không tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm nay.

Tuy vậy, đến thời điểm này lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có quyết định dứt khoát để tham vấn cho Chính phủ mặc dù thời gian kết thúc năm học 2019-2020 đang cận kề.

Cụ thể, trong cuộc họp giao ban với Ban Tuyên giáo ngày 10/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: 

"Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, nếu trong tình hình dịch kiểm soát được, học sinh có thể trở lại trường chậm nhất vào ngày 15/6 thì chương trình học vẫn đảm bảo kết thúc vào ngày 15/7, như vậy kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2020 vẫn diễn ra như dự kiến.

Nếu học sinh đi học trở lại chậm hơn ngày 15/6 thì sẽ có phương án trình Quốc hội để có sự điều chỉnh phù hợp. Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản trình Chính phủ. [1].

Qua phát biểu trên của ông Độ, có thể thấy có vẻ như Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn muốn tiếp tục duy trì kỳ thi này.

Tuy vậy, đáng tiếc là các lãnh đạo của cơ quan này vẫn không cho thấy một cơ sở khoa học hay lập luận nào thật sự thuyết phục để phản biện lại ý kiến của các nhà khoa học về việc không tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay.

Vẫn chưa có quyết định chính thức về việc có tiếp tục thi trung học phổ thông quốc gia không? (Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn)
Vẫn chưa có quyết định chính thức về việc có tiếp tục thi trung học phổ thông quốc gia không? (Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn)

2. Xin nhắc lại, những người đề xuất không tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đã đưa ra những lập luận như sau:

Thứ nhất, về kinh tế, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hàng năm tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng ngân sách Nhà nước.

Trong bối cảnh kinh tế đang bị ảnh hướng bởi dịch Covid-19, Chính phủ phải “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu (thậm chí mới đây còn có đề xuất Chính phủ tạm hoãn kinh phí đầu tư sân bay Long Thành để dành kinh phí kích cầu nền kinh tế sau đại dịch) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn quyết tâm tiêu pha hàng ngàn tỉ đồng để chỉ làm mỗi việc dù chưa thi đã có thể đoán trước kết quả tỉ lệ bình quân tốt nghiệp trên 90% thì có vô lý và hoang phí không?

Thứ hai, về phương diện y tế và đảm bảo sức khỏe cho người dân, cho dù Chính phủ có thể kiểm soát dịch trong tháng 6 nhưng không ai đảm bảo chắc chắn dịch sẽ không bùng phát trở lại nếu lơ là chủ quan trong công tác phòng dịch.

Mới đây, theo báo cáo của Bộ Y tế đã có trường hợp bệnh nhân sau khi điều trị xong đã tái nhiễm trở lại.

Thi hay xét tốt nghiệp cũng phải học!
Thi hay xét tốt nghiệp cũng phải học!

Trong khi đó, cách tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia những năm qua lại rất cầu kỳ, phức tạp khi phải huy động cán bộ giảng viên ở các trường Đại học, Cao đẳng cùng tham gia coi thi chéo giữa các địa phương.

Với cách làm này thì nguy cơ lây nhiễm virus Covid-19 sẽ rất cao. Không khéo công sức phòng chống dịch của Chính phủ từ trước đến nay trở thành công cốc.

Thứ ba, về tính khoa học và hiệu quả của kỳ thi, có thể thấy kỳ thi này đã bộc lộ quá nhiều hạn chế và bất cập.

Dễ thấy nhất là kỳ thi với tính chất “2 trong 1” vừa lấy đó làm kết quả xét công nhận tốt nghiệp vừa lấy đó làm thước đo để các trường Đại học, Cao đẳng xét tuyển là phản khoa học cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Cuối cùng, về căn cứ pháp luật để thực hiện, có thể thấy trước hết luật là do chúng ta làm ra vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp với những những yêu cầu và phát sinh của cuộc sống, xã hội.

Đại dịch Covid-19 là một sự cố bất thường mà cả nhân loại đang phải gánh chịu chứ không riêng gì nước ta.

Thế nên, dù cho Luật giáo dục hiện nay có quy định học sinh học xong lớp 12 phải thi tốt nghiệp thì trong hoàn cảnh bất thường với yêu cầu đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết thì sao chúng ta lại không thể điều chỉnh luật cho phù hợp?

Tuy vậy, cần thấy rằng, các ý kiến đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm nay hoàn toàn không đồng nghĩa với việc bỏ việc kiểm tra đánh giá học sinh mà là giao công việc này lại cho các địa phương tự điều hành, tổ chức tuy vào điều kiện và sự khác biệt giữa các vùng miền.

Nói khác đi, việc thi cử vẫn thực hiện nhưng là thay đổi phương thức, cách thức tổ chức mà thôi. 

3. Từ những vấn đề trên, tôi cho rằng, với trách nhiệm tham mưu chính sách, thiển nghĩ các lãnh của đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy thể hiện bản lĩnh trí tuệ và năng lực điều hành để trước hết, cùng chung tay với Chính phủ phòng chống đại dịch Covid-19 trong toàn ngành mình. 

Riêng với kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn muốn tiếp tục duy trì kỳ này trong năm nay hay vài năm tới thì nhất định phải đưa ra các cơ sở khoa học, những lập luận nhằm phản biện lại các luận điểm mà những người đề xuất không tiếp tục kỳ thi đưa ra (như tôi vừa trình bày ở trên) chứ không nên phát biểu một cách chung chung nhất là chỉ thụ động “ngồi chờ” công tác phòng chống dịch của Chính phủ như thế nào rồi mới quyết.

Người lãnh đạo không nhất thiết lúc nào cũng chiều theo ý đám đông nhưng chắc chắn phải biết quan sát và lắng nghe.

Đặc biệt, phải có bản lĩnh và chính kiến, dám chịu trách nhiệm về những quyết sách quan trọng của mình. 

Nguồn tham khảo:

[1]: “Nếu đi học trước 15/6, vẫn thi Trung học phổ thông quốc gia vào tháng 8”.

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/ky-thi-thpt-quoc-gia-2020-van-dien-ra-neu-hoc-sinh-tro-lai-truong-truoc-15-6-632500.html

Nguyễn Trọng Bình