'Liều Vitamin' yêu nghề giúp 'má Xuân' đồng hành cùng học sinh gặt trái ngọt

02/07/2021 09:59
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi luôn nói với các con, không quan trọng xuất phát điểm là gì, quan trọng là sự cố gắng của bản thân, cô Hoàng Thị Xuân, Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy chia sẻ

“Má Xuân” và câu chuyện truyền cảm hứng học tập

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông và Trung học phổ thông Chuyên năm học 2021 – 2022, trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (quận Cầu Giấy – Thành phố Hà Nội) đã có 199 em học sinh với 387 lượt đỗ chuyên (74% học sinh đỗ chuyên tính đến thời điểm hiện tại), điểm trung bình vào lớp 10 Trung học phổ thông là 50,48 điểm (trong đó điểm trung bình môn Toán: 8.82, môn Văn: 7.39, môn Tiếng Anh: 9.4 và môn Lịch sử: 8.67), đặc biệt số học sinh đạt điểm 10 là 107 học sinh.

Để có được những "trái ngọt" này, ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô cùng các em học sinh đã nỗ lực rất nhiều.

Cô Hoàng Thị Xuân được vinh danh là gương mặt nhà giáo tiêu biểu của trường năm học 2020-2021. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Cô Hoàng Thị Xuân được vinh danh là gương mặt nhà giáo tiêu biểu của trường năm học 2020-2021. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Đặc biệt, lãnh đạo nhà trường, phụ huynh, học sinh chia sẻ với chúng tôi rất nhiều về cô giáo Hoàng Thị Xuân, giáo viên dạy môn Toán của trường, một người đã dành nhiều tâm huyết đồng hành cùng các con.

“Má Xuân” chính là cách mà học sinh dùng để gọi cô giáo Hoàng Thị Xuân (sinh năm 1969, giáo viên dạy Toán, Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy - Hà Nội).

Năm học 2020 - 2021, cô Xuân nhận dạy Toán cho hai lớp 9, nhiều đồng nghiệp thậm chí ít nhiều lo lắng, liệu cô có đủ sức khỏe để đưa hai “chiếc thuyền” vượt qua thử thách của “cuộc đua” vào lớp 10. Khi kết quả được công bố, học sinh, phụ huynh và cô Xuân vỡ òa trong vui mừng. Điểm trung bình vào 10 của 2 lớp 9A4 và 9A6 rất cao, có 2 thủ khoa, 2 điểm 10, tỉ lệ đỗ chuyên, đặc biệt là lớp 9A4 có 32/39 em (gần 82%) đỗ, 100% học sinh đỗ các trường công lập.

Dù kết quả này được lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp, phụ huynh ghi nhận và đánh giá có sự góp sức rất lớn của cô Xuân nhưng bản thân cô Xuân khi chia sẻ với phóng viên đều nhấn mạnh: “Đó là kết quả từ sự nỗ lực của chính bản thân mỗi học sinh và sự ủng hộ, tin tưởng từ phía các bậc phụ huynh. Tôi là giáo viên, nên luôn xác định mình đã đi theo nghề thì phải luôn yêu nghề, bởi vậy, tôi luôn coi các con như con mình, yêu thương hết lòng, sẵn sàng chỉ dạy những điều các con cần, để có được hành trang tốt nhất trên hành trình của mình”.

Cô Xuân không ngại giãi bày: “Thực ra, thuở bé, tôi vẫn chưa nghĩ đến việc mình sẽ “đặt chân” vào sư phạm. Trong mắt tôi, những người thầy luôn đẹp như pha lê trong suốt, nhưng lại không dám “mơ” đến nghề giáo, thêm nữa, lại vì sở thích ăn trái cây mà tôi nghĩ mình sẽ theo ngành nông nghiệp. Trước ngày thi, bố đã thử gợi ý tôi theo ngành sư phạm. Đến khi đỗ và chính thức vào học, tôi ngày càng yêu nghề và thầm nghĩ, gợi ý của bố không ngờ lại phù hợp đến vậy. Có lẽ, với tôi, đúng là nghề chọn người”.

"Má Xuân" là cách gọi thân thương mà học sinh thường dùng để gọi cô Hoàng Thị Xuân. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

"Má Xuân" là cách gọi thân thương mà học sinh thường dùng để gọi cô Hoàng Thị Xuân. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Bắt đầu đi dạy từ năm 1989, cô giáo Hoàng Thị Xuân đã tận tụy với công việc “ươm mầm tri thức” tại nhiều môi trường khác nhau suốt 32 năm và luôn để lại những ấn tượng đặc biệt trong lòng học trò.

Với sự chỉn chu và cẩn thận, mỗi giờ học Toán của cô Xuân khiến học sinh đôi lúc phải e dè: “Lúc đầu, học sinh rất sợ tôi, có lẽ bởi vì tôi rất nghiêm khắc. Nhưng sau đó, các em sẽ chuyển sang vừa sợ, vừa yêu, vừa kính trọng.

Ngay trong buổi đầu tiên nhận lớp, tôi luôn nói với các con rằng, không quan trọng xuất phát điểm là gì, quan trọng là sự cố gắng của bản thân. Nếu mình mặc định là mình kém Toán, thì sẽ mãi mãi kém như vậy. Nhưng nếu mình mặc định là mình giỏi, mình làm được, thì nhất định sẽ có sự tiến bộ qua thời gian”, cô Xuân nhấn mạnh.

Một bức thư của học sinh gửi cho cô Xuân, với cô đây là những kỷ niệm khó phai trong nghề. Ảnh: NVCC

Một bức thư của học sinh gửi cho cô Xuân, với cô đây là những kỷ niệm khó phai trong nghề. Ảnh: NVCC

Bật mí thêm về phương pháp truyền cảm hứng học tập cho học sinh, cô Xuân chia sẻ: “Tôi thường kể một câu chuyện hư cấu về một ổ trứng được bác nông dân nọ mua về, ngoài 9 quả trứng gà có lẫn thêm 1 quả trứng đại bàng. Khi trứng nở, đại bàng con vẫn sống và học theo tập tính của đàn gà. Đến khi một bác nông dân khác đến thăm nông trại, nhận ra sự thật liền nói với đại bàng con.

Đại bàng con không tin, nhưng bác nông dân vẫn kiên trì thuyết phục rằng: “Cậu có thể bay xa hơn” và đưa đại bàng con vào không trung. Sau một vài lần vấp ngã, cuối cùng, đại bàng con cũng cất cánh bay xa.

Mặc dù đây chỉ là một câu chuyện trẻ con kể cho học sinh lớp 9 nghe, nhưng lại có thể khiến các con chăm chỉ hơn mỗi ngày. Trong cuộc sống, nếu mình nghĩ mình là gà thì mãi mãi chỉ có thể bay thấp, nhưng nếu mình nghĩ mình là đại bàng, thì có thể bay xa. Đó là nội lực từ bên trong. Nếu các con cố gắng, nỗ lực, môn Toán sẽ chẳng có gì “khó nhằn”. Và đó chính là cách mà tôi gieo niềm tin và giúp học sinh thực hiện niềm tin ấy. Đôi khi, đối với học sinh suốt những năm đi học chưa từng được điểm 10 Toán, tôi sẽ tạo cơ hội để các con tích cực phát biểu xây dựng bài và cho điểm 10. Đó là động lực không nhỏ khiến các con tự tin hơn.

Sau khi tôi đã khơi gợi được niềm yêu thích với môn Toán, các con sẽ tin tưởng và chăm chỉ hơn, lúc này, tôi sẽ “buông” dần, để các con tự lập và chủ động học Toán, đồng thời, giao thêm bài tập nâng cao để rèn mức độ cao hơn, các con sẽ cứ như thế mà tiến bộ”.

“Liều vitamin” yêu nghề

Tâm sự về những kỷ niệm với nghề, cô Xuân cho biết, thật khó để có thể liệt kê hết từng dòng cảm xúc, bởi với cô, mỗi học sinh đều có cá tính, có dấu ấn riêng. Với cô, những điểm 9, điểm 10 môn Toán của học sinh là những món quà đáng quý, nhưng cô cũng rất trân trọng những điểm số nhẹ nhàng hơn của học trò, chỉ cần biết đó là sự nỗ lực của học trò là đủ.

Cô nhớ lại: “Ngay khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10, điện thoại tôi rung lên liên tục, nhận tin nhắn thông báo kết quả và cảm ơn từ học trò. Tôi xúc động khi các con báo tin cho tôi đầu tiên, ngay giữa đêm khuya. Có những học sinh chỉ cần được cô hướng dẫn để không bị “điểm liệt”, chinh phục giấc mơ đỗ chuyên, cũng cảm ơn cô không ngớt. Mỗi mùa thi qua đi, nhìn từng lớp học trò của mình đạt được nguyện vọng, vào được ngôi trường mơ ước, tôi lại như thấy mình có thêm động lực để hoàn thiện bản thân, để yêu nghề”.

Cô Xuân và các đồng nghiệp. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Cô Xuân và các đồng nghiệp. Ảnh: Nhà trường cung cấp

“Trong cuộc đời sư phạm, tôi đã gặp rất nhiều học trò từ ngoan ngoãn đến bướng bỉnh, thậm chí, có những lúc, học trò không hiểu được tâm ý của giáo viên thì cáu gắt, bực bội. Những lúc ấy, tôi vẫn phải tìm mọi cơ hội để tâm sự với học sinh, có những bạn nửa đêm cũng nhắn tin về những bức xúc trong lòng, có những bạn gặp áp lực tâm lý... tôi cũng phải theo sát như một người bạn để tìm hiểu căn cơ mà tháo gỡ”, cô bộc bạch.

Đối với mỗi giáo viên, điều đáng quý nhất chính là được học trò nhớ đến. Không ít học sinh sau khi tốt nghiệp hoặc đã chuyển trường, vẫn thường xuyên nhắn tin, gọi điện, hay viết thư tay để cảm ơn “má Xuân”. “Học sinh thường hay gọi tôi là “má Xuân”, rất ít khi gọi là cô Xuân”, nói đến đây, niềm vui chợt dâng lên trong đáy mắt người giáo viên đã hơn 30 gắn bó với bục giảng.

Để có những giờ giảng bổ ích và hấp dẫn, những bài học giàu tính ứng dụng, cô Xuân luôn dành nhiều thời gian soạn bài, chấm bài, chữa bài và gửi bài chia sẻ với phụ huynh học sinh một cách tỉ mỉ. Suốt nhiều năm giảng dạy, kiến thức trên từng trang giáo án dù đã “thuộc làu”, nhưng không có buổi nào cô không đọc lại bài giảng trước khi lên lớp.

Tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện là cách mà các giáo viên Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy giáo dục học sinh sự sẻ chia, giúp đỡ người xung quanh. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện là cách mà các giáo viên Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy giáo dục học sinh sự sẻ chia, giúp đỡ người xung quanh. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Là một giáo viên kỳ cựu, nhưng cô vẫn chủ động tìm tòi, miệt mài học hỏi, cập nhật công nghệ thông tin để cùng học sinh vượt qua “cơn bão” Covid-19 với những bài giảng online.

Không chỉ là một giáo viên tâm huyết với nghề, cô Hoàng Thị Xuân còn luôn tạo cơ hội cho học sinh của mình tiếp cận và tham gia cùng các hoạt động thiện nguyện, như tặng hàng trăm suất cơm cho bệnh nhân và người nhà tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Cô bày tỏ: “Việc làm nhỏ bé của cô trò nhà trường chưa thể so sánh với sự sẻ chia của các cá nhân, tổ chức khác, nhưng đây cũng là một hoạt động nhằm giáo dục các con ý thức chia sẻ, yêu thương ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Chia sẻ với phóng viên, cô giáo Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy cho biết: " Cô Hoàng Thị Xuân là một cô giáo, một người chị cả của ngôi nhà Cầu Giấy. Trong công việc cô luôn tận tuỵ, tận tâm, tận lực cống hiến, hết lòng vì học sinh và nhà trường. Là một nhà giáo cô Xuân luôn nêu cao tấm gương của một nhà giáo mẫu mực, cháy hết mình với từng bài dạy, thích ứng nhanh với công nghệ thông tin khi dạy học trong thời kì dịch bệnh,yêu thương học sinh hết lòng.

Đặc biệt, cô Xuân là một người chị cả trong ngôi nhà Cầu Giấy, cô luôn quan tâm, chia sẻ, động viên, giúp đỡ các giáo viên trẻ. Là người sáng lập quỹ Cầu Giấy yêu thương để giúp đỡ các đồng nghiệp còn khó khăn. Cô luôn đoàn kết, trách nhiệm, thẳng thắn, có nhiều ý kiến tham mưu hữu ích cho ban giám hiệu

Ở vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cô được phụ huynh và học sinh yêu quý, kính trọng. Cô xứng là một nhà giáo tâm huyết, sáng tạo. Chắc chắn sự phát triển, đi lên của nhà trường không thể thiếu những giáo viên tâm huyết, lửa nghề luôn được thắp sáng như cô Xuân và tất cả thầy cô đang công tác tại trường. Nhà trường cảm ơn sự đồng hành, chung tay, góp sức của các thầy cô để ngôi trường Trung học cơ sở Cầu Giấy luôn là một ngôi trường được học sinh, phụ huynh lựa chọn và tin yêu.

Ngân Chi