Giá sách giáo khoa mới tăng cao, ai được lợi?

30/04/2020 06:15
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Ông Lê Như Tiến: Giá sách giáo khoa lớp 1 mới tăng cao bất hợp lý, con nhà nghèo khó khăn không đủ tiền mua sách dẫn đến thất học thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Từ trước đến nay Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn độc quyền phát hành sách giáo khoa, với Nghị quyết 88 của Quốc hội thì năm nay thế độc quyền này bị chia sẻ cho Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng nếu tính về số lượng có tới 24/32 sách giáo khoa mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Như vậy, các trường lựa chọn sách nào thì đa số cũng thuộc của nhà xuất bản này, đương nhiên với lợi nhuận đi kèm.

Năm học 2019-2020, cả nước có hơn 8 triệu học sinh tiểu học thì dự tính năm học 2020 - 2021 sẽ có hơn 1,7 triệu học sinh vào lớp 1, và số tiền các phụ huynh phải bỏ ra để mua sách giáo khoa mới sẽ vào khoảng 340 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ trong khi năm học 2019 - 2020 số tiền này là gần 90 tỷ đồng.

Có 24/32 sách giáo khoa mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Có 24/32 sách giáo khoa mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Nghị định 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, tại điểm (h) Chương 3 Kê khai giá, niêm yết giá thì có mặt hàng sách giáo khoa.

Theo quy định thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá bằng việc gửi thông báo mức giá kê khai đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước 05 ngày khi định giá, điều chỉnh giá, và trong trường hợp giá sách giáo khoa thì đơn vị tiếp nhận kê khai giá được quy định là Bộ Tài chính.

Cũng tại Điều 21 của Chương 4 Nghị định này nêu rõ Bộ Tài chính trình Chính phủ chính sách, biện pháp quản lý, điều hành giá hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực mà Bộ quản lý. Ban hành định mức kinh tế - Kỹ thuật; quyết định giá hàng hóa, dịch vụ theo thẩm quyền.

Như vậy có thể nói cho đến thời điểm hiện nay khi năm học mới đang đến gần, nhưng mức giá chốt cuối cùng của sách giáo khoa mới vẫn chưa có là trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính, theo đúng chỉ đạo Nghị định 177 của Chính phủ.

Văn bản số 115/BGDĐT - KHTC ngày 14/1/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị: “Chính phủ giao Bộ Tài chính đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá theo Luật Giá 2012.

Góp phần đảm bảo an sinh xã hội, trình Chính phủ về mức giá kê khai sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo không vượt mức giá kê khai bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường cho năm học 2019-2020”.

Bộ Tài chính cũng khẳng định thống nhất quan điểm với Văn bản số 115 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến và hướng dẫn các nhà xuất bản kê khai giá theo đúng chủ trương tại Văn bản số 115.

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Không thể tự tiện nâng giá sách giáo khoa. Nâng tới mức mà bất hợp lý, con nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền mua sách dẫn đến thất học thì ai sẽ chịu trách nhiệm". Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Không thể tự tiện nâng giá sách giáo khoa. Nâng tới mức mà bất hợp lý, con nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền mua sách dẫn đến thất học thì ai sẽ chịu trách nhiệm". Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Nhưng thực tế hiện nay 4 bộ sách giáo khoa mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm bộ Kết nối tri thức với cuộc sống số lượng10 cuốn có giá 179.000 đồng; bộ sách Chân trời sáng tạo gồm 9 cuốn có giá 186.000 đồng; bộ sách Cùng học để phát triển năng lực gồm 10 cuốn có giá 194.000 đồng; bộ sách Vì sự bình đẳng và Dân chủ trong giáo dục gồm 9 cuốn có giá 189.000 đồng.

Bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh gồm 9 cuốn có giá 199.000 đồng.

Trong khi đó, giá sách giáo khoa lớp 1 năm học 2019 - 2020 theo chương trình giáo dục hiện hành chỉ 54.000 đồng 1 bộ. Tính ra giá sách giáo khoa mới tăng đến 267%.

Ngoài sách giáo khoa môn học bắt buộc, các nhà xuất bản cũng kê khai giá sách giáo khoa tiếng Anh (môn học tự chọn) theo chương trình giáo dục phổ thông mới có giá từ 45 đến 99 nghìn đồng 1 cuốn.

Thậm chí như mọi năm còn có tình trạng các địa phương tự in thêm một số sách luyện chữ, luyện toán, sách tham khảo…mà học sinh phải mua nên có thể tính cả bộ sách giáo khoa theo chương trình mới lên đến hàng triệu đồng. Như vậy, tính tổng thể giá một bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có giá rất cao.

Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đề ra một chương trình nhiều sách giáo khoa là muốn hướng tới mục tiêu xã hội hóa, cạnh tranh lành mạnh để học sinh được tiếp cận, sử dụng sách giáo khoa có chất lượng tốt với giá thành phù hợp.

Trước khi bắt tay vào biên soạn sách thì chắc chắn các nhà xuất bản cũng đã nắm chắc được tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 88 để mà triển khai, không thể nói làm xong việc đã rồi, và giá sách tăng cao như hiện nay là vì nhiều loại chi phí như tổ chức bản thảo, vật tư, công in, chi phí lưu thông, bán hàng, chi phí nhuận bút cao hơn, sách in 4 mầu, khổ sách lớn hơn, truyền thông, quảng cáo…

Tuy nhiên các nhà xuất bản muốn tăng giá phải có lộ trình chứ không phải cứ thích tăng là tăng ngay được, nhất là trong bối cảnh đất nước hiện nay.

Như vậy với giá sách giáo khoa mới tăng cao như hiện nay là các nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa mới đã phớt lờ chỉ đạo về giá của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục, đi ngược với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 88.

Thực chất là các nhà xuất bản đã xã hội hóa về giá sách giáo khoa, chứ không phải xã hội hóa về đổi mới chất lượng.

Giá sách giáo khoa mới tăng cao, ai được lợi? ảnh 3Bộ nào có trách nhiệm duyệt và công bố giá sách giáo khoa mới?

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khóa 12 - 13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: “ Sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, quốc sách hàng đầu, in ra là để phục vụ cho việc học tập của thế hệ trẻ.

Vì thế việc tăng giá sách giáo khoa thế nào phải có ý kiến của cơ quan quản lý giá, và nếu vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo Chính phủ hoặc Quốc hội".

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Không thể tự tiện nâng giá sách giáo khoa. Nâng tới mức mà bất hợp lý, con nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền mua sách dẫn đến thất học thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Tôi đề nghị Bộ Tài chính cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý vấn đề này phải có cân nhắc kỹ, kiểm soát chặt chẽ về giá sách của các nhà xuất bản, phát hành sách giáo khoa đưa ra”.

Tùng Dương