Có những đề thi Ngữ văn đang "giết chết" môn Văn

19/06/2021 06:40
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên ra đề thi muốn biến học sinh 15 tuổi thành nhà lí luận văn học là trái với quan điểm dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Đến nay đã có nhiều tỉnh thành trên cả nước tổ chức kì thi tuyển sinh 10 cho năm học 2021-2022. Kì thi năm nay, riêng đề thi môn Ngữ văn nhận được nhiều sự quan tâm bình luận của dư luận, trong đó có phụ huynh, giáo viên.

Bài viết phân tích một số đề thi môn Ngữ văn được đông đảo dư luận đề cập thời gian qua, nhằm giúp các thầy cô có thêm một kênh tham khảo khi ra đề kiểm tra, đề thi môn học này.

Đề thi vào Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn - Khánh Hòa

Câu nghị luận xã hội đề thi tuyển sinh 10 Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn - Khánh Hòa (ngày 4/6/2021), gây tranh cãi với giả định “nếu phải ở trong nước sôi”, thậm chí bị cho là phản cảm. Thế nhưng, câu nghị luận văn học (6 điểm) cũng rất đáng bàn luận nhưng chưa được giáo viên quan tâm thấu đáo.

Cụ thể, nội dung câu hỏi này như sau:

Thơ càng sắc, càng kiêu, càng chớ màng bất tử / Miễn đừng để loài người hèn hạ, tối tăm đi… (Thơ hay – Có cần phải chết, Bằng Việt, Nhà xuất bản Hội Nhà văn việt Nam, 2010).

Em hiểu thế nào về ý thơ trên? Bằng trải nghiệm văn học của bản thân, hãy làm rõ điều đó. [1]

Đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh 10 Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn - Khánh Hòa

Đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh 10 Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn - Khánh Hòa

Nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn chia sẻ, đề thi yêu cầu học sinh làm rõ ý thơ Thơ càng sắc, càng kiêu, càng chớ màng bất tử / Miễn đừng để loài người hèn hạ, tối tăm đi… là quá sức so với các em ở độ tuổi 15 - chưa hề được trải nghiệm văn học (đặt trong ngữ cảnh yêu cầu của đề thi).

Một giáo viên dạy Ngữ văn ở tỉnh Quảng Ngãi cho biết, câu nghị luận văn học của Trường Lê Quý Đôn yêu cầu chứng minh, nhưng mệnh đề cần chứng minh cũng quá khó với năng lực cảm thụ, khả năng tích hợp kiến thức để giải quyết vấn đề của học sinh lớp 9.

“Đành rằng đọc hiểu phần nào. Nhưng tách hai câu thơ ra, đưa vào đề thi liệu thỏa đáng không. Tôi cho rằng, học sinh đọc trọn vẹn bài thơ “Thơ hay – Có cần phải chết”, biết được tác giả và bối cảnh ra đời rồi suy ngẫm, đồng cảm thì may ra mới hiểu được. Lứa tuổi 15 chưa trải sự đời, chưa hiểu sâu đời sống muôn màu,... hiểu được thì có là thiên tài”, thầy giáo bình luận thêm.

Cùng với đó, thầy giáo dẫn trọn vẹn bài thơ “Thơ hay – Có cần phải chết” để làm rõ ý kiến của mình như sau:

“Maiakốpxky giơ cao tấm hộ chiếu đỏ tươi

Ngẩng đầu hiên ngang: ‘Ta chính là Liên bang Xô Viết!’

Câu thơ trác việt một thời, nhưng hôm nay phải chết

Khi ngay cả Liên bang Xô Viết không còn!

Tố Hữu dịch bài thơ ‘Đợi anh về’

Bài thơ được chuyền tay, suốt thời bom rơi đạn nổ...

Cho tới lúc hàng vạn người xuất ngũ,

Người mất cũng mất rồi, người chờ đợi đã già đi,

Bài thơ kiên trung đầy khắc khoải, chia ly,

Đành thở phào ra đi, khi làm xong nhiệm vụ!

Các cô gái nếu trọn đời cứ vô danh, bé nhỏ,

Đâu phải chịu số phận ngặt nghèo như số phận Tây Thi!

‘Mỹ nhân tự cổ như danh tướng...’

Đã vượt quá tầm cao, cái chết có xa gì?!

Thơ càng sắc, càng kiêu, càng chớ màng bất tử,

Miễn đừng để loài người hèn hạ, tối tăm đi...

(Thơ hay – Có cần phải chết, Bằng Việt)

Đồng quan điểm, một cô giáo dạy Ngữ văn ở Đắk Lắk nói rằng, cô cũng phải tìm đọc toàn bài thơ, với cái tựa phải có dấu chấm hỏi nữa (Thơ hay - có cần phải chết?) thì mới tạm hiểu.

“Tôi xem video Bằng Việt nói về việc một số nhà thơ ảo tưởng, cho rằng thơ họ bất tử, rồi tác giả đọc bài thơ này. Lúc này, tôi mới hiểu ý nghĩa bài thơ (dù tôi cũng không hoàn toàn đồng tình với quan điểm đó của nhà thơ).

Từ đó thấy rằng, tách hai câu cuối ra khỏi hoàn cảnh cảm hứng thì sẽ xảy ra hai điều: một là, hiểu sai/không hết ý thơ; hai là, mà cái thứ hai này là hệ quả của cái thứ nhất, thí sinh sẽ máy móc, khuôn sáo, bàn về chức năng của thơ ca. Vì vậy, kết luận rằng, hai câu này không nên đưa vào đề”, cô giáo phân tích thêm.

Đề thi lớp 10 Trường chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định

Đề thi Ngữ văn của Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định (ngày 16/6/2021) được cho lỗi thời, giáo điều khiến dư luận xôn xao bàn tán (câu 1).

Còn câu 2, yêu cầu học sinh chứng minh “sự nhìn nhận và tu sửa của thơ ca đối với con người và cuộc sống” qua bài “Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận), cũng áp đặt một cách rất vô lí.

“Chưa bàn tới nhận định của Chế Lan Viên nhưng cách ra đề lấy một nhận định, lẩy ra một câu, một ý của ai đó rồi yêu cầu chứng minh bằng một văn bản là hết sức khiên cưỡng và áp đặt.

Huống chi, hiện nay, người đọc thơ rất ít, có thể nói là thơ đang “chết yểu” trên “thị trường” văn học. Vậy mà đặt ra vấn đề “thơ không phải chỉ nhìn nhận mà còn tu sửa” thì quá xa lạ với thế hệ trẻ nói chung và với tâm lý học sinh lớp 9.

Vì vậy học sinh sẽ chỉ viết những điều sáo rỗng, xa rời thực tế, thậm chí giả dối, khác hoàn toàn với tư duy của trẻ. Điều này chỉ làm trẻ thêm chán, ghét môn Văn”, Báo Dân Việt dẫn lời cô Phạm Thái Lê, giáo viên Văn Trường Marie Curie Hà Nội nêu nhận xét. [2]

Đề thi Ngữ văn của Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định

Đề thi Ngữ văn của Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định

Bàn về câu 2 của đề thi, một giáo viên Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra ý kiến:

“Chỉ có cái tựa bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” (Huy Cận) là thuộc về chương trình Ngữ văn 9, còn kiến thức cần có để làm rõ yêu cầu đề thuộc về lí luận văn học thì học sinh chưa được học bao giờ. Như thế, các em chưa học chức năng văn học, làm sao biết “nhận thức” và “tu sửa” là cái gì?

Chưa kể, “thơ nhìn nhận và tu sửa”, thì không biết học xong bài “Đoàn thuyền đánh cá”, học sinh sẽ tu sửa cái gì ở chính mình? Các em sẽ ăn mặc kín đáo và lịch sự hơn, tâm hồn phóng khoáng hơn khi học câu thơ này: “Thuyền ta lái gió với buồm trăng?”, thầy giáo nói đầy chua chát.

Thay lời kết

Có thể nhận thấy, ngoài trường Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) và trường Lê Hồng Phong (Nam Định), vẫn còn nhiều Sở Giáo dục, nhiều trường ra đề thi Ngữ văn quá sức với trình độ của học sinh lớp 9.

Chương trình Ngữ văn 9, học sinh chưa được trang bị kiến thức lí luận văn học, ngay cả bậc trung học phổ thông cũng vậy, thì việc học tập, thi cử quả là rất áp lực, căng thẳng với lứa tuổi 15.

Vậy nên, đề thi cho học sinh lớp 9 cần ra thiết thực, phù hợp với tâm lí lứa tuổi là có thể phân hóa được điểm số, không cần “đao to búa lớn”.

Minh chứng là, đề thi Ngữ văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai được đông đảo học sinh yêu thích khen ngợi, bởi vấn đề nghị luận gần gũi, người làm bài được tự do thể hiện quan điểm riêng.

Câu 1:

“Tốn bao nhiêu tiền ăn học, tại sao điểm thấp thế này? Sao chỉ có ăn với học mà làm cũng không xong? Con phải cố gắng đậu trường A. bố mẹ đặt hết kì vọng vào con”. Đó là những lời bố mẹ luôn nói với tôi. Lúc ấy, tôi chỉ muốn trả lời rằng: “Con chỉ muốn sống 1 cuộc sống bình thường nhưng sống bình thường cũng rất khốc liệt”.

Bằng trải nghiệm của bản thân hãy bày tỏ suy nghĩ về câu trả lời trên.

Câu 2:

Trong cuốn “Phẩm cách văn chương”, tác giả Hàn Quốc Ki Ju Lee đã chia sẻ: “Có lẽ việc đặt tên cho 1 tác phẩm cũng cần sự chân thành không kém gì đặt tên cho 1 con người... Từng chữ được tác giả lấy tâm hồn và nước mắt làm mực, tận tụy viết ra trang giấy trắng với ước ao chạm đến trái tim người đọc”.

Em hiểu ý kiến như thế nào? Hãy chọn nhan đề của 2 tác phẩm văn học “chạm đến trái tim em” để làm rõ.

Có thể nhận thấy, đề thi biến học sinh 15 tuổi thành nhà lí luận văn học là trái với quan điểm dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Hệ lụy kéo theo là học sinh phải đi học thêm quanh năm suốt tháng, thậm chí phải học thuộc lòng những kiến thức lí luận văn học mà không hề hiểu gì.

“Giáo viên ra đề văn, nhất là đề chuyên, hầu như người ra đề muốn thể hiện cái tầm của mình hơn là đặt mình vào vị trí, lứa tuổi, trình độ, tâm lý của học sinh để giải quyết vấn đề. Nhiều đề Văn khó, không thiết thực, ý nghĩa giáo dục không có... thậm chí có đề còn đánh đố, lừa sự cảm nhận của học sinh”, thầy giáo Ngữ văn ở Quảng Ngãi thẳng thắn nhìn nhận.

Vậy nên, việc ra đề Ngữ văn cho học sinh kiểu đánh đố, thậm chí sai lạc nội dung như đã dẫn thì “học thật, thi thật, nhân tài thật” khó thành hiện thực một sớm một chiều.

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/de-van-neu-em-phai-o-trong-nuoc-soi-bi-cho-la-phan-giao-duc-20210606100008129.htm

https://danviet.vn/de-van-thi-lop-10-chuyen-khien-thi-sinh-thot-len-cu-tuong-de-thoi-me-em-di-thi-qua-cu-20210617075333432.htm

https://danviet.vn/de-thi-ngu-van-chuyen-vao-lop-10-o-dong-nai-co-gi-khien-phu-huynh-phai-thot-len-muon-di-hoc-lai-20210608170815117.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài