Có 1 F0 là phong tỏa trường, vậy khi nào học sinh mới được đến lớp?

22/12/2021 06:33
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mở cửa trường cho học sinh đi học được dăm ba ngày lại nghỉ, rồi lại ngấp nghé đến trường. Nếu cứ như vậy thì biết đến khi nào các em mới được đi học trở lại?

Nhiều ý kiến lo ngại khi mở cửa lại trường học, nhưng nếu xuất hiện 1 F0 ở lớp nào đó mà cả trường hốt hoảng, lập tức "đóng sập" cửa trường và coi trường đó là ổ dịch; Các trường cùng phường, thậm chí cùng quận, nếu lo lắng cũng cho học sinh dừng học trực tiếp,... Thì sẽ gây ra bất ổn cho kế hoạch dạy học, có thể đi học được dăm ba ngày lại nghỉ, rồi lại ngấp nghé đến trường. Nếu cứ như vậy thì bao giờ các em học sinh mới được đi học trở lại?”.

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Ảnh: T.D.
Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Ảnh: T.D.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Bác sĩ Phúc phân tích: “Đại dịch Covid-19 tính cho đến thời điểm này đã diễn ra được 2 năm, và trong giai đoạn đầu tiên tất cả các quốc gia trên thế giới đều đóng cửa trường học, bởi thời điểm đó mọi người đều chưa hiểu gì về Covid-19.

Nhưng một thời gian sau đó, qua nhiều nghiên cứu khoa học người ta đã hiểu được vi rút này cũng như tác hại của nó thế nào. Sau mùa xuân năm 2020, chúng ta thấy một loạt các quốc gia như Mỹ, Châu Âu đã đi đầu trong việc mở cửa trở lại, đầu tiên thì mở cửa dè dặt, sau đó tương đối cởi mở hơn và trường học cũng không nằm ngoài việc đó. Tính đến thời điểm này thì hầu hết các quốc gia cũng không đóng cửa và cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, có thể nói họ không đóng cửa trường học “khắt khe” như chúng ta.

Nếu như chúng ta yêu cầu cứ xuất hiện 1 F0 ở lớp nào đó là cả trường hốt hoảng, lập tức "đóng sập" cửa trường và coi trường đó là ổ dịch, theo tôi nếu cứ như vậy sẽ không bao giờ chúng ta mở cửa lại được trường học. Việc đóng cửa trường học cũng là một việc rất “nguy hiểm” không kém gì bệnh dịch.

Theo nghiên cứu của Thụy Sỹ ở 32 quốc gia trên thế giới cho thấy, khi thực hiện các biện pháp đóng cửa trường học sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lí học sinh. Trẻ em đang trong độ tuổi phát triển nên rất cần sự tham chiếu với thầy cô, kiến thức, bạn bè, với tự nhiên xã hội,…Nhưng khi những đứa trẻ này lại bị “nhốt” trong 4 bức tường sẽ căng thẳng, stress,…dẫn tới những hành vi tiêu cực và theo báo cáo của nhiều quốc gia thì hiện tượng này đang tăng cao.

Nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết trẻ học trực tuyến ở nhà sẽ rất áp lực đối với việc học tập và gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đặc biệt ở những môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh, còn những môn xã hội và ngôn ngữ sẽ ít hơn".

Bác sĩ Phúc nói: "Việc đóng cửa trường gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống giáo dục, và như vậy chúng ta sẽ phải “trả giá” trong tương lai sẽ vô cùng khủng khiếp, đó sẽ là những đứa trẻ không “lành lặn” về tinh thần, thể chất, học thức,… đó sẽ là những hệ lụy rất ghê gớm”. Ảnh minh họa: T.D.
Bác sĩ Phúc nói: "Việc đóng cửa trường gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống giáo dục, và như vậy chúng ta sẽ phải “trả giá” trong tương lai sẽ vô cùng khủng khiếp, đó sẽ là những đứa trẻ không “lành lặn” về tinh thần, thể chất, học thức,… đó sẽ là những hệ lụy rất ghê gớm”. Ảnh minh họa: T.D.

Mọi quyết định phải dựa vào nghiên cứu khoa học cụ thể

Theo bác sĩ Phúc: “Quá nhiều yếu tố tiêu cực như vậy nên người ta phải tính biện pháp mở cửa trường học, thế giới họ cũng phải dè dặt, tính toán lên những kế hoạch rất kĩ. Bằng những nghiên cứu cụ thể, bằng đánh giá và họ đã thấy, ví dụ: Ở Thụy Sĩ, sau khi nghiên cứu ở 32 quốc gia trên thế giới họ thấy trẻ càng bé thì khả năng mắc Covid-19 lại càng thấp, cụ thể ở độ từ 4 đến 9 tuổi chỉ có 747 ca trên cùng 100 nghìn trẻ, có nghĩa tương đương cứ 1 nghìn học sinh sẽ có 7 em mắc Covid-19.

Ở lứa tuổi Trung học cơ sở đến hết Trung học phổ thông có 1.218 em trên 100 nghìn em bị nhiễm bệnh, có nghĩa 1 nghìn trẻ sẽ có 12 trẻ mắc Covid-19. Rõ ràng con số trẻ em mắc dịch bệnh thấp hơn so với người lớn, hơn nữa tỷ lệ tử vong ở trẻ bị mắc Covid-19 rất thấp so với người già mắc Covid-19 và có bệnh nền. Theo nghiên cứu những người trên 65 tuổi so với trẻ 10 tuổi cho thấy 65 tuổi thì nguy cơ tử vong gấp 700 lần. Nếu lấy độ tuổi 85 so với trẻ 10 tuổi thì nguy cơ tử vong của người 85 tuổi gấp 7.500 lần, như vậy là rất lớn.

Ở nước Mỹ, người ta thấy trẻ em có nguy cơ chết vì Covid-19 là tỷ lệ 1/ 1 triệu, trong khi đó các nguy cơ chết vì các nguyên nhân khác có thể gấp tới 10 lần. Ở Việt Nam khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 từ ngày 27/4 cho đến nay, tạm lấy con số của Thành phố Hồ Chí Minh là 14 nghìn 800 trẻ bị mắc, so với số người lớn bị mắc lên tới hàng triệu người. Số trẻ bị tử vong là 13 trẻ trên 14 nghìn 800, và đều mắc bệnh nền như ung thư, bệnh mãn tính nguy hiểm”.

Bác sĩ Phúc chia sẻ: “Khi chúng ta mở cửa trường học thì điều chắc chắn phải đối mặt đó là những ca nhiễm ở trẻ, không thể nào không có được. Để khắc phục tình trạng này, thế giới đã phân cấp lứa tuổi từ mẫu giáo đến hết Trung học phổ thông và tiêm vắc xin phòng dịch theo độ tuổi giảm dần xuống thấp để đảm bảo tính an toàn, đảm bảo độ bao phủ.

Ở nước Mỹ, nếu trong trường học xuất hiện 1 học sinh có triệu chứng ho, sốt, đau người, mất khướu giác, vị giác,…một trong những triệu chứng của nhiễm Covid-19, ngay lập tức đứa trẻ đó sẽ được tách ra khỏi lớp, đưa đến một khu cách ly trong trường để làm xét nghiệm, các em trong lớp đó tạm thời ra bên ngoài sân, đồng thời khử khuẩn lớp học, sau 30 phút đồng hồ các em lại vào lớp đó học bình thường.

Nếu học sinh kia xét nghiệm dương tính có diễn biến nặng sẽ đưa vào bệnh viện, nếu nhẹ sẽ được đưa về nhà để tự cách li, có hướng dẫn y tế, nếu sốt thì dùng thuốc hạ sốt, sau 1-2 ngày hết chứng triệu của dịch bệnh sẽ được quay trở lại trường học bình thường mà không cần phải xét nghiệm.

Như vậy có thể thấy nước Mỹ họ “đối xử” với dịch Covid-19 cũng giống như cúm, sởi, thủy đậu, họ coi đó là bệnh đặc hữu chứ không phải 1 học sinh bị nhiễm Covid-19 là cả lớp bị đi cách li, thậm chí đóng cửa cả trường học và các trường lân cận. Việc đóng cửa trường gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống giáo dục, và như vậy chúng ta sẽ phải “trả giá” trong tương lai sẽ vô cùng khủng khiếp, đó sẽ là những đứa trẻ không “lành lặn” về tinh thần, thể chất, học thức,… đó sẽ là những hệ lụy rất ghê gớm”.

Theo bác sĩ Phúc: "các nhà trường rất cần có những biện pháp, giải pháp về giáo dục và nhân cơ hội dịch bệnh hiện nay, biến những nguy cơ đó thành cơ hội để giáo dục trẻ biết cách phòng chống bệnh, thành phản xạ tự nhiên để bảo vệ chính mình và những người xung quanh, thay vì cứ đóng cửa trường như hiện nay”. Ảnh minh họa: T.D.

Theo bác sĩ Phúc: "các nhà trường rất cần có những biện pháp, giải pháp về giáo dục và nhân cơ hội dịch bệnh hiện nay, biến những nguy cơ đó thành cơ hội để giáo dục trẻ biết cách phòng chống bệnh, thành phản xạ tự nhiên để bảo vệ chính mình và những người xung quanh, thay vì cứ đóng cửa trường như hiện nay”. Ảnh minh họa: T.D.

Cần có kế hoạch sống chung và an toàn với dịch bệnh

Bác sĩ Phúc chia sẻ: “Chúng ta nên tổ chức cho các em đi học trở lại một cách khoa học, bài bản để kiểm soát dịch, vậy chúng ta nên tổ chức việc này ra sao?

Tất cả các quốc gia họ đều đưa ra quy trình đi học an toàn, họ đã xây dựng “Vũ phong biểu trường học”, có nghĩa sẽ điều tra tất cả các vấn đề liên quan đến phụ huynh, đến giáo viên, học sinh đã bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đó xây dựng liên tục, cập nhật liên tục các quy trình cho học sinh đến trường an toàn trước dịch bệnh.

Một quy trình rất hoàn chỉnh trước khi trẻ từ nhà đến lớp, cha mẹ cần có ý thức xem trẻ có bị ho, sốt,… Hoặc cũng có thể lỡ tiếp xúc gần với F0, như vậy cần thông báo với nhà trường rằng con tôi tạm thời ở nhà theo dõi.

Việc thứ 2 là học sinh di chuyển từ nhà đến trường rồi trở lại nhà, với các nước trên thế giới họ đã xây dựng quy trình rất chặt chẽ, khuyến khích học sinh đi bộ đến trường nhiều nhất có thể, hoặc đi bằng phương tiện cá nhân. Nhưng nếu đi bằng phương tiện đưa đón của nhà trường, hay phương tiện giao thông công cộng thì phải tuân thủ những quy định rất nghiêm ngặt như ngăn cách lái xe với mọi người, mở cửa sổ xe, không bật điều hòa, đeo khẩu trang, như vậy khả năng lây nhiễm gần như rất thấp.

Việc thứ 3 ở cổng trường, theo tôi quan sát tại Việt Nam khi đầu giờ hoặc tan học thì cổng trường là nơi rất đông người, học sinh tụ thành từng nhóm đợi bố mẹ và đây là điều rất nguy hiểm dễ lây lan dịch bệnh. Nhưng vấn đề này ở nước ngoài họ xử lí rất tốt, khuyến khích cha mẹ đưa con đến gần đến cổng trường rồi để trẻ đi bộ vào, khi đón cũng như vậy, tránh tập trung đông người. Việc đo thân nhiệt học sinh cũng được thực hiện ngay tại cổng trường.

Trong lớp học, họ cũng cố gắng giảm số lượng học sinh bằng cách chia bớt sang những phòng học khác, tăng cường mở cửa và thông gió lớp học, khuyến khích đeo khẩu trang đối với các lớp lớn, xu hướng tăng số lượng những tiết học ngoài trời. Tôi có đọc rất kĩ các tài liệu, sách giáo khoa của học sinh và thấy một số bài giảng có thể giảm tải bớt và thay vào đó là những hoạt động ngoại khóa.

Phòng ăn cũng được coi là có nguy cơ lây nhiễm, có thể chia ca lệch nhau, kê bàn để các em ngồi cùng quay về một hướng, khi ăn không nói chuyện, hoặc chia phần về ăn tại từng lớp.Với các hoạt động thể thao ngoài trời thì việc lây nhiễm rất thấp nếu nói gần như không có, chỉ cần không quá đông người.

Một địa điểm rất “nóng” nữa là nhà vệ sinh trong trường học, khả năng lây nhiễm rất cao, chính vì vậy cần quy định thực hiện giãn cách, tránh nhiều học sinh cùng sử dụng một thời điểm, đeo khẩu trang và rửa tay sau khi sử dụng, đảm bảo thông thoáng sạch sẽ.

Với những cách làm như trên, các nước trên thế giới vẫn mở cửa trường duy trì học sinh đi học một cách an toàn. Khi giáo dục các hành vi cho một đứa trẻ dưới 10 tuổi thì mọi chuyện sẽ dần trở thành thói quen ở trong tiềm thức, còn trên 10 tuổi sẽ rất khó cho trẻ trở thành phản xạ tự nhiên. Vậy nên các nhà trường rất cần có những biện pháp, giải pháp về giáo dục và nhân cơ hội dịch bệnh hiện nay, biến những nguy cơ đó thành cơ hội để giáo dục trẻ biết cách phòng chống bệnh, thành phản xạ tự nhiên để bảo vệ chính mình và những người xung quanh, thay vì cứ đóng cửa trường như hiện nay”.

Tùng Dương