Chỉ tiêu sư phạm 2020 tăng đột biến, nhu cầu giáo viên ở đâu ra?

01/07/2020 06:02
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm nay, Bộ Giáo dục đã giao 69.630 chỉ tiêu cho 102 trường đào tạo giáo viên trên cả nước, nếu so với năm 2019 thì chỉ tiêu năm nay tăng tương đương 64%.

Theo định hướng chiến lược đào tạo giáo viên thì từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm theo nhu cầu của các địa phương.

Năm nay, Bộ Giáo dục đã giao 69.630 chỉ tiêu cho 102 trường đào tạo giáo viên trên cả nước, nếu so với năm 2019 thì chỉ tiêu năm nay tăng tương đương 64% (năm 2019 là 44.076 chỉ tiêu).

Việc tăng chỉ tiêu đào tạo sư phạm như thế này liệu có dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa giáo viên cho những năm tới đây hay không? Bởi thực tế tình trạng giáo sinh ra trường đang thất nghiệp rất nhiều.

Chỉ tiêu đào tạo sư phạm năm nay tăng hơn năm trước rất nhiều (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: suphamhanoi.edu.vn)
Chỉ tiêu đào tạo sư phạm năm nay tăng hơn năm trước rất nhiều
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: suphamhanoi.edu.vn)

Chỉ tiêu đào tạo sư phạm năm nay đều tăng.

Theo Báo Thanh niên ngày 27/6 vừa qua đã dẫn lời bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học thì chỉ tiêu các trường sư phạm đề xuất là 84.475 chỉ tiêu.

Căn cứ vào các nguyên tắc và tiêu chí nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định phân bổ 69.630 chỉ tiêu sư phạm, tương đương khoảng 64% chỉ tiêu đề xuất của các địa phương. [1]

Cũng theo Báo Thanh niên ngày 27/6 thì Trường đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm nay được giao 5.313 chỉ tiêu, cao hơn năm trước 1.000 chỉ tiêu.

Trường đại học Đồng Tháp, được Bộ giao 940 chỉ tiêu, trong đó bậc đại học 820 và cao đẳng 120 chỉ tiêu. Cao hơn năm 2019 khoảng trên 200 chỉ tiêu. [2]

Chúng tôi tham khảo trang tuyển sinh của Trường đại học sư phạm Hà Nội 2 năm nay tuyển 3.574 chỉ tiêu, năm ngoái (1.600 chỉ tiêu). [3]

Như vậy, nhìn chung thì chỉ tiêu mà Bộ giao cho khối trường sư phạm năm nay đều cao hơn so với năm trước.

Nhiều lãnh đạo các trường đại học sư phạm cho rằng việc tăng chỉ tiêu đào tạo sư phạm nhằm đáp ứng với lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chẳng hạn, Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “các ngành đào tạo giáo viên năm nay tăng hơn năm ngoái do nhu cầu xã hội, đặc biệt là đào tạo đội ngũ để đáp ứng với lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018”. [2]

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ tăng nhân sự ở một số môn học mới như Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông mà thôi.

Cấp tiểu học và trung học cơ sở nếu các địa phương quy hoạch, sắp xếp tốt thì thực tế giáo viên sẽ không thiếu, thậm chí cấp trung học cơ sở sẽ thừa ở một số môn.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ cần tăng nhân sự như thế nào?

Căn cứ vào số môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì cấp trung học phổ thông có thêm 2 môn mới là Âm nhạc và Mĩ thuật.

Số trường trung học phổ thông trên cả nước hiện nay có khoảng 2.700 trường. Nếu mỗi môn cần 1 người thì cả nước cần khoảng 5.400 giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật- đây là lực lượng thiếu hoàn toàn mà ngành giáo dục phải đào tạo.

Đối với cấp trung học cơ sở có 2 môn học tích hợp mới là Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý.

Nhưng, theo các hướng dẫn và những chia sẻ trước đây của các thầy trong ban soạn thảo chương trình tổng thể, chương trình môn học thì môn Khoa học tự nhiên sẽ do giáo viên Lí, Hóa, Sinh đảm nhận, môn Lịch sử và Địa lý thì do giáo viên Lịch sử và Địa lý hiện nay đảm nhận.

Có 1 hoạt động mới là Hoạt động trải nghiệm thì có thể cũng không cần nguồn giáo viên mới vì hoạt động này chỉ cần tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên chủ nhiệm là có thể đáp ứng được vì thực tế các hoạt động này cũng đã được thực hiện lâu nay ở các nhà trường.

Cấp tiểu học có môn Tin học là môn học mới được đưa vào giảng dạy nhưng nếu các Phòng Giáo dục điều chuyển giáo viên Tin học ở cấp trung học cơ sở xuống thì sẽ không thiếu bao nhiêu.

Vì môn Tin học hiện hành ở cấp trung học cơ sở có 2 tiết/tuần. Khi chương trình mới được áp dụng thì chỉ còn 1 tiết/ tuần- sẽ dư một nửa giáo viên Tin học hiện nay ở cấp trung học cơ sở.

Môn tiếng Anh trong chương trình mới ở lớp 1-2 là môn tự chọn nên về cơ bản thì giáo viên hiện nay cũng không thiếu.

Chính vì thế, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới thì nếu sắp xếp tốt, ngành Giáo dục chỉ thiếu giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông mà thôi.

Các lý do không nên tăng thêm chỉ tiêu đào tạo sư phạm như hiện nay

Thứ nhất: số lượng sinh viên sư phạm thất nghiệp hiện nay trên cả nước là rất nhiều. Theo số liệu năm 2018 thì cả nước có khoảng 40.000 sinh viên sư phạm đang thất nghiệp. [4]

Các địa phương cần tận dụng nguồn lực này để đỡ lãng phí trong đào tạo vì đào tạo 1 sinh viên sư phạm trước đây nhà nước đã phải miễn hoàn toàn học phí, trả lương cho đội ngũ giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng. Đầu tư trang thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng.

Không sử dụng họ sẽ lãng phí vô cùng, nhiều người ra trường nhiều năm vẫn chưa có cơ hội được đứng trên bục giảng. Nhiều người dạy hợp đồng thì số tiền lương bèo bọt, sống lay lắt nhưng vẫn bám nghề để chờ hy vọng.

Thứ hai: theo phân phối số tiết ở tất cả các cấp học phổ thông của chương trình mới đều giảm so với chương trình hiện hành.

Dù cấp tiểu học có dạy 2 buổi/ngày thì cũng nằm trong biên chế số tiết của năm và định mức giảng dạy của giáo viên nên về cơ bản sẽ không phải tuyển thêm, nếu tuyển chỉ là bổ sung cho đội ngũ giáo viên về hưu mà thôi.

Thứ ba: đối với đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019 thì Bộ cũng đã có lộ trình bồi dưỡng cụ thể để nâng chuẩn nên số lượng tinh giản biên chế có lẽ rất hiếm.

Thứ tư: tới đây sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ mỗi tháng 3,63 triệu đồng thì việc Bộ giao 69.630 cho các trường sư phạm trong năm nay sẽ tốn kém rất nhiều cho ngân sách. Tính ra, mỗi sinh viên sẽ được ngân sách hỗ trợ trực tiếp khoảng trên 145 triệu đồng/ khóa học.

Chính vì thế, Bộ Giáo dục và các địa phương, các trường sư phạm cần cân nhắc kĩ số lượng chỉ tiêu đào tạo hàng năm để hạn chế tình trạng giáo sinh ra trường thất nghiệp như những năm qua là điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]//thanhnien.vn/giao-duc/chi-tieu-su-pham-bo-duyet-giam-nhieu-so-voi-de-xuat-cua-dia-phuong-1243979.html

[2]//thanhnien.vn/giao-duc/vi-sao-chi-tieu-dao-tao-nganh-su-pham-tang-manh-1243978.html

//tuyensinh.hpu2.edu.vn/tuyen-sinh-2020/thong-tin-tuyen-sinh-2020/chi-tieu-tuyen-sinh-cac-nganh-dao-tao-vao-truong-dhsp-ha-noi-2-11.html

[4]//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hien-co-40-000-cu-nhan-su-pham-that-nghiep-post185712.gd

NHẬT DUY