Chỉ cần cấm giáo viên ôn/luyện thi đi chấm thi học sinh giỏi, sẽ công bằng

21/01/2022 06:36
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có giáo viên nào dám khẳng định mình là người ra đề thi học sinh giỏi mà không “định hướng” học sinh của mình tiếp cận theo nội dung của đề thi?

Năm học 2021-2022 là một năm mà ngành giáo dục gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhiều địa phương vẫn tiến hành tổ chức kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh - điều này cũng đồng nghĩa với việc thầy và phải nỗ lực rất nhiều trong việc ôn thi trực tuyến.

Chính vì thế, việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi phải hướng tới tiêu chí khách quan, công tâm để đem lại sự công bằng cho các thí sinh dự thi và những trường có thí sinh tham dự.

Muốn kỳ thi khách quan, chấm thi công bằng thì điều quan trọng nhất là các cấp tổ chức phải lựa chọn được những giám khảo đủ tâm và tài của các kỳ thi này.

Song, với cách thức lựa chọn giám khảo của nhiều địa phương hiện nay khiến cho những giáo viên ôn thi ở nhiều nhà trường chưa thực sự yên tâm vì có nhiều giám khảo đang đóng nhiều vai khác nhau ở kỳ thi quan trọng này.

Giám khảo phải là những người không liên quan đến ôn thi, ra đề mới đem lại công bằng cho kỳ thi

Hiện nay, kỳ thi học sinh giỏi văn hóa ở các địa phương chủ yếu tập trung vào 2 khối lớp cuối cấp là kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 và kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 do cấp Phòng và Sở đứng ra tổ chức.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 được đánh giá là khách quan hơn vì do cấp Sở tổ chức và chỉ diễn ra một lần nên tỉ lệ tiêu cực (nếu có) cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến cục diện của kỳ thi. Nhưng, kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 từ lâu vẫn tiềm ẩn rất nhiều điều… khó nói, nhất là kỳ thi do cấp huyện tổ chức.

Bởi lẽ, theo cách phân chia số lượng hiện nay thì những trường loại I sẽ có số lượng khoảng 10 học sinh/ 1 môn thi, những trường loại II, loại III sẽ được phân bổ khoảng 3-5 thí sinh.

Mỗi kỳ thi, Phòng Giáo dục thường chủ trương lấy khoảng 20-30% số thí sinh dự thi đạt giải, lấy từ trên xuống dưới theo điểm thi.

Những trường loại I thì nguồn học sinh nhiều hơn và thông thường thì chất lượng chung cũng cao hơn những trường loại II, loại III vì trường loại I đa phần là những trường thuộc địa bàn trung tâm, nơi mà điều kiện kinh tế tốt hơn.

Song, điều này không có nghĩa là học sinh ở các trường loại II, loại III không có những học sinh giỏi vì chúng ta vẫn thường chứng kiến rất nhiều thủ khoa ở các kỳ thi xuất thân từ những vùng quê nghèo.

Trong khi, kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện ở nhiều địa phương hiện nay đang tồn tại một nghịch lý là đề thi thường do tổ trưởng hội đồng bộ môn ra đề (thường là giáo viên ở trường loại I). Điều tréo ngoe ở chỗ là người ra đề cũng đang là người ôn thi học sinh giỏi.

Sau đó, khi chấm thi thì Phòng lại điều giáo viên ôn thi đi làm giám khảo. Vì thế, nhiều giáo viên vừa ôn thi, vừa ra đề và vừa đi chấm thi luôn nên sau mỗi kỳ thi lại rộn ràng những điều thị phi vì học sinh họ rớt và họ không phục vào cách tổ chức.

Đành rằng chấm thi thì các bài thi đã được rọc phách nhưng cả huyện chỉ có vài chục bài/ môn nên cho dù rọc phách thì giáo viên chấm thi cũng dễ dàng nhận ra chữ của học trò mình.

Bởi lẽ, ôn luyện gần cả một năm học thì thầy trò đã quá hiểu và tường tận về nhau…

Không chỉ dễ dàng trong việc nhận diện ra chữ học trò và cách thức triển khai bài thi cũng không khó để phát hiện ra. Vì có ai dám khẳng định mình là người ra đề thi học sinh giỏi mà không “định hướng” học sinh của mình tiếp cận theo nội dung của đề thi.

Trong khi, đề thi học sinh giỏi hiện nay thì không có một khuôn mẫu cụ thể nào cả. Thông thường vẫn là đánh đố học trò…

Vì thế, khi nhìn vào giám khảo kỳ thi được phân công thì phần lớn các giáo viên ôn thi ở các đơn vị còn lại đã biết trước được kết quả của học trò trường mình- nhất là các môn xã hội như môn Văn, Sử, Giáo dục công dân…

Đa phần giải của kỳ thi sẽ thuộc về đơn vị mà có giáo viên vừa ra đề, vừa làm giám khảo kỳ thi. Nếu giám khảo mà là người ở trường loại I thì phải tới 70-80% thí sinh đạt giải, thậm chí còn cao hơn đối với các môn Khoa học xã hội. 20-30% còn lại là sự hên xui của hàng chục trường còn lại.

Thực tế này tồn tại hàng chục năm trời ở một số địa phương nhưng cho dù dưới cơ sở nêu ý kiến nhưng không hiểu sao hằng năm cấp trên vẫn điều động một số giáo viên vừa ôn thi, vừa ra đề đi chấm thi học sinh giỏi!

Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ thì kỳ thi học sinh giỏi sẽ công bằng và khách quan

Chúng tôi cho rằng muốn nâng cao chất lượng kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 và lớp 12 hiện nay không phải là quá khó và không thể không làm được - nếu như lãnh đạo Sở, Phòng chịu thay đổi và hướng tới một kỳ thi công bằng.

Bởi lẽ, việc tổ chức một kỳ thi học sinh giỏi công bằng nằm ở 2 khâu là ra đềchấm thi.

Vì thế, tìm người ra đề không thể “đặt hàng” với một giáo viên đang ôn thi ra đề vì về cơ bản là tính trung thực không còn, tính gian lận lên ngôi.

Trong khi, ở 1 tỉnh, 1 huyện thì thiếu gì giáo viên dạy lớp 9 và lớp 12 thừa khả năng để ra 1 cái đề thi học sinh giỏi. Cứ chi thù lao phù hợp, tương xứng và ràng buộc quy chế vào đố giáo viên nào dám để lộ đề thi.

Việc lựa chọn giám khảo còn đơn giản hơn ra đề thi nhiều vì lúc này cần khoảng 2 giám khảo/ 1 môn (đối với cấp huyện) và khoảng 2-4 giám khảo/1 môn (cấp tỉnh) mà giáo viên dạy lớp 9 và lớp 12 thì nhiều vô kể.

Điều động giáo viên làm giám khảo cũng là giáo viên đang dạy lớp 9 và lớp 12 nhưng không dính dáng gì đến công tác ôn thi ở các nhà trường. Chắc chắn những tiêu cực sẽ không còn.

Một khi không bị ràng buộc yếu tố “gà của mình”, không ràng buộc về quyền lợi, uy tín, xét thi đua thì chắc chắn giám khảo chấm thi sẽ không phải lưu ý bài nọ, bài kia, họ thanh thản chấm và cũng chẳng thể nào biết được học sinh nào là của trường mình.

Nếu điều giáo viên vừa ôn thi, vừa ra đề đi chấm thi thì việc đầu tiên họ phải nghĩ đến “danh dự” của mình trong công tác ôn thi học sinh giỏi. Vì thế, điều đầu tiên họ hướng tới là học sinh của họ đạt giải.

Nếu học sinh của họ đạt giải thì họ được nhiều người “khen ngợi” từ đồng nghiệp, được thưởng và tất nhiên cuối năm xét viên chức, xét chuẩn nghề nghiệp, xét thi đua thì họ sẽ đương nhiên nằm ở tốp trên.

Vì thế, những giáo viên ôn thi học sinh giỏi luôn mong muốn cấp Sở, cấp Phòng khi tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cần lưu tâm đến công tác ra đề và chấm thi bởi đó là khâu then chốt để hướng tới sự công bằng cho kỳ thi.

Đừng bao giờ đặt hàng, điều động những giáo viên đang ôn thi học sinh giỏi ra đề và đi chấm thi vì nếu làm như vậy thì tính trung thực sẽ không còn.

Như thế, kỳ thi học sinh giỏi sẽ trở thành những vở kịch kệch cỡm mà thôi - nhất là những môn thi thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội - những môn thi luôn mang nặng định tính.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI