Bộ trưởng: chưa quy đổi giờ dạy trực tuyến, chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp

11/11/2021 15:19
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chiều 11/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn, nhiều đại biểu chất vấn về chính sách đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ thầy cô.

Liên quan đến vấn đề nên quy đổi giờ, tính giờ dạy học trực tuyến như thế nào để giáo viên đỡ thiệt thòi. Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết thời gian qua các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tính toán đến vấn đề này tuy nhiên nhìn từ thực tiễn thì đi đến thống nhất, ngành y tế, công an, quân đội đang gồng mình chống dịch.

Do đó hiện tại ngành giáo dục chưa tính đến tăng thù lao cho đội ngũ thầy cô khi dạy học trực tuyến, tuy nhiên nếu công việc này diễn ra lâu dài thì Bộ sẽ tính toán đề xuất với Chính phủ để trở thành chính sách ổn định.

Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (ảnh:quochoi.vn)

Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (ảnh:quochoi.vn)

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) chất vấn, nhiều trường tuyển sinh đông là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm. Nên chăng, khi các trường tuyển sinh cần có cam kết việc làm cho sinh viên để các em yên tâm học tập. Cử tri muốn nghe chia sẻ của Bộ trưởng về vấn đề này. Đại biểu cũng đặt vấn đề về việc có nên bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay không?

Trả lời Đại biểu Phạm Văn Hoà, Bộ trưởng trao đổi, việc yêu cầu các trường ký cam kết sẽ khó khả thi. Việc tuyển dụng không nằm trong tay của nhà trường. Ngay cả doanh nghiệp, cũng khó có thể khẳng định là ký hợp tác tuyển dụng bao nhiêu nhân lực. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tăng cường mối liên kết giữa nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, trường.

Về việc có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay không, Bộ trưởng chia sẻ, năm ngoái kỳ thi đã tổ chức thành 2 đợt. Năm nay cũng vậy. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nhiều học sinh được xét đặc cách tốt nghiệp.

Theo Bộ trưởng, kỳ thi có nhiều tác dụng: đánh giá kết quả học tập của học sinh và còn là căn cứ để các cơ sở đại học, cao đẳng tuyển sinh. Năm 2022, Bộ đã nghiên cứu phương án thi, thậm chí còn linh hoạt hơn để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Căn cứ vào tình hình, các tỉnh thành hoặc nhóm tỉnh thành có thể có lịch thi linh hoạt hơn so với năm 2021.

Bộ đang xây dựng ngân hàng đề thi mang tính tổng hợp, đủ lớn và theo hướng cho phép thi thành nhiều đợt hơn; thậm chí mỗi tỉnh có một kế hoạch thi. Tuy nhiên, đây là phương án bất đắc dĩ. Nếu kỳ thi được tổ chức thành 1 đợt vẫn là tối ưu nhất.

Chốt lại vấn đề, Bộ trưởng khẳng định: Trước mắt, việc tổ chức thi vẫn là cần thiết. Kỳ thi đã được luật hoá và Bộ đang thực thi theo quy định của pháp luật.

30% trường phổ thông trên cả nước thiếu nhân viên y tế

Về vấn đề chăm sóc sức khỏe y tế của học đường, Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn, trong bối cảnh dịch bệnh, việc chăm sóc sức khỏe học đường còn khó khăn. Nhiều cơ sở giáo dục thiếu biên chế về y tế học đường, mong ngành giáo dục có hướng giải quyết?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết số trường phổ thông thiếu nhân viên y tế 30%. Tuy nhiên, nếu như tuyển nhân sự y tế đầy đủ cũng sẽ làm gia tăng bộ máy của ngành. Trước mắt, ngành giáo dục sử dụng nhân viên y tế tại địa phương để chăm sóc cho học đường.

Còn trong tương lai, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trao đổi, thống nhất với Bộ Nội vụ để xử lý vấn đề này Việc các cơ sở giáo dục được trưng dụng để làm cơ sở cách ly, chữa bệnh, sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì các cơ sở cần khẩn trương hoàn trả lại cơ sở hạ tầng, để trả lại cho các trường sử dụng bình thường.

Về câu hỏi cơ chế hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài công lập, Bộ trưởng cho hay khi có dịch bệnh, hệ thống các trường tư thục, đặc biệt là tư thục mầm non chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Các cơ sở mầm non đang đảm nhiệm nuôi dạy 22,3% số trẻ ở độ tuổi đến trường và đang có hơn 90.000 lao động trong hơn 19.000 cơ sở giáo dục. Thế nhưng nhiều cơ sở đang gặp khó khăn, nhiều nơi phải đóng cửa, sang tên, rao bán; nhiều người lao động chuyển sang làm công việc khác.

Như vậy, 1,2 triệu các học sinh tuổi mầm non đang chịu ảnh hưởng. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ có gói hỗ trợ cả cơ sở mầm non và người lao động với giá trị khoảng 800 tỷ đồng. Một trong những vấn đề ngành giáo dục nhìn thấy qua dịch bệnh là cần phải quan tâm và hỗ trợ hơn nữa cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Thùy Linh