Bỏ chứng chỉ giáo viên mừng, các trường đào tạo mất nồi cơm liệu có làm được?

06/06/2021 07:41
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc bỏ, giảm đi những chứng chỉ không cần thiết cho đội ngũ công chức, viên chức sẽ tránh được những lãng phí, tránh được bệnh hình thức như chúng ta đang thấy.

Trước thông tin, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ, giảm quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của một số ngạch công chức, viên chức đã tạo ra những luồng ý kiến tích cực, đồng thuận của dư luận trong những ngày qua.

Nhưng, bên cạnh đó, nhiều người cũng ngại vì nó đã đụng chạm đến lợi ích nhóm của nhiều trường, nhiều cơ sở đào tạo trên cả nước bởi việc đào tạo chứng chỉ đang là cần câu cơm của nhiều trường đại học, nhiều trung tâm đào tạo.

Trả lời vấn đế này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã chia sẻ rằng: “Đây là vấn đề tác động trực tiếp đến hàng triệu viên chức và liên quan đến phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức.

Vì vậy, chúng ta phải quyết tâm cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp, để một mặt vừa giảm “gánh nặng” đối với công chức, viên chức; một mặt đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn”.[1]

Rõ ràng, những tín hiệu tích cực từ người đứng đầu Bộ Nội vụ đang tạo nên sự đồng thuận của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước, nhất là đội ngũ giáo viên- nơi có trên 1 triệu nhà giáo đang công tác và cũng là thị trường tiềm năng trong việc đào tạo chứng chỉ những năm qua.

Nhiều chứng chỉ của giáo viên cũng được đề nghị bỏ, giảm bớt (Ảnh minh họa: VOV.vn)

Nhiều chứng chỉ của giáo viên cũng được đề nghị bỏ, giảm bớt

(Ảnh minh họa: VOV.vn)

Nhìn vào số lượng chứng chỉ mà Bộ Nội vụ đề xuất bỏ khiến dư luận hãi hùng

Phải thừa nhận một điều rằng những năm qua thì câu chuyện chứng chỉ đã khiến cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức ngán ngại bởi để có được những chứng chỉ theo quy định thì họ không chỉ phải bỏ ra một số tiền lớn mà còn phải đầu tư nhiều thời gian, công sức để học tập, bồi dưỡng.

Chỉ nhìn con số mà Bộ Nội vụ đề xuất bỏ, giảm sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ cũng đủ cho đội ngũ công chức, viên chức trên cả nước sợ hãi, đó là:

Đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức”. [1]

Chừng ấy loại chứng chỉ đề xuất bỏ, giảm bớt đủ cho mọi người thấy những năm qua những loại chứng chỉ này đã tạo ra áp lực cho cán bộ, công chức, viên chức như thế nào.

Và, cũng từ đây cho thấy lợi nhuận đối với những cơ sở được phép đào tạo, cấp chứng chỉ là rất lớn bởi mỗi chứng chỉ ít cũng trên dưới 1 triệu đồng, nhiều loại chứng chỉ tốn đến cả tháng lương của công chức, viên chức.

Đối với giáo viên cũng vậy, họ là những viên chức hành chính sự nghiệp, cũng liên tục phải học tập, bồi dưỡng nhằm hoàn thiện các loại văn bằng, chứng chỉ theo quy định chung.

Những năm qua, chuyện chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đã không biết cụ thể có bao nhiêu bài báo phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng chúng ta thấy nó nhiều lắm.

Tiếng kêu than ấy đã được các cơ quan chức năng mà cụ thể là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục đã có một số lần phải giải trình chất vấn đại biểu trong các phiên họp Quốc hội và những người đứng đầu 2 Bộ này đã hứa sẽ bỏ các chứng chỉ này.

Nhưng, phải đến khi Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, rà soát toàn bộ quy định về chứng chỉ đối với đội ngũ công chức, viên chức thì tiến độ công việc mới được tiến triển.

Và, chúng ta hy vọng những đề xuất trong văn bản số 2499/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức sẽ được Thủ tướng chấp thuận.

Hy vọng vào những khâu đột phá trong những năm tới đây

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về nội dung: “học thật, thi thật, nhân tài thật” thì dư luận đã bàn luận rất nhiều về chủ đề này.

Dư luận xã hội đều mong muốn ngành giáo dục phải thực hiện được việc “học thật, thi thật, nhân tài thật” thì giáo dục nước nhà mới có thể phát triển toàn diện, mới có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu được.

Cùng với chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ thì Bộ Nội vụ cũng đã báo cáo Thủ tướng bằng văn bản số 2499/BNV-CCVC, trong đó có việc đề xuất bỏ, giảm một số chứng chỉ cho đội ngũ thầy cô giáo đang giảng dạy, công tác ở ngành giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ngay sau khi nhậm chức cũng đã trăn trở: “Học thật, hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức những gì mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước.

Thực học là tránh việc học những cái ra đời không dùng vào việc gì, còn cái cần cho việc thì không được học.

Thực học ở đây với nghĩa là nền giáo dục thiết thực, hữu dụng, có thực chất, giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với đời sống. Học thật là danh vị, học hàm, bằng cấp là phù hợp và phản ánh đúng cái thực lực của người học”. [2]

Trước những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những đề xuất của Bộ Nội vụ và mong muốn, trăn trở của người đứng đầu ngành giáo dục thì chúng ta thấy rất nhiều điểm mới và nó sẽ tác động trực tiếp đến ngành giáo dục trong thời gian tới đây.

Vì thế, chúng ta hy vọng vào một sự thay đổi lớn trong ngành khi mọi thầy cô, nhà trường, lãnh đạo ngành đều chung sức, chung lòng để hướng tới mục tiêu “dạy thật, thi thật, nhân tài thật”.

Những áp lực về chứng chỉ vô bổ được loại bỏ, những tiêu cực trong giáo dục không còn thì giáo viên sẽ tập trung cho việc dạy học, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà ngày một tốt hơn.

Điều quan trọng hơn nữa là việc bỏ, giảm đi những chứng chỉ không cần thiết cho đội ngũ công chức, viên chức sẽ tránh được những lãng phí, tránh được bệnh hình thức như chúng ta đang thấy lâu nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://baotintuc.vn/thoi-su/bo-truong-noi-vu-quyet-tam-cat-giam-nhung-chung-chi-khong-phu-hop-20210603150744820.htm

[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-nguyen-kim-son-ban-ve-chu-that-trong-giao-duc-post217970.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO