Ấm lòng bếp ăn, chợ di động 0 đồng của “thầy giáo Doraemon”

26/08/2021 06:20
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chứng kiến những hoàn cảnh éo le, thầy Khải quyết định thực hiện mô hình Bếp ăn 0 đồng và Chợ di động 0 đồng để san sẻ khó khăn với bà con mùa dịch.

Ấm lòng bếp ăn, chợ di động 0 đồng

Hơn 13 năm qua, lớp học tình thương của thầy giáo Huỳnh Quang Khải (31 tuổi, phường Hiệp Thành, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) luôn là ngôi nhà thứ hai của những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận 12. Học trò thường gọi thầy với cái tên hết sức gần gũi và thân thương, là “thầy giáo Doraemon”.

Khi Covid-19 ập đến thành phố Hồ Chí Minh, lớp học tình thương phải tạm dừng hoạt động, người thầy luôn sát sao với học trò bên phấn trắng, bảng đen giờ đây thử sức trong một vai trò mới. Đó là trở thành một đầu bếp nấu những suất cơm đầy ấm áp, kiêm lái xe vận chuyển miễn phí lương thực thực phẩm cho bà con trong phạm vi thành phố.

Nhắc đến thời điểm bắt đầu những mô hình ý nghĩa mới, anh Huỳnh Quang Khải khẽ nheo mắt nhớ lại: “Lớp học của thầy trò phải dừng lại do dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền địa phương yêu cầu không tụ tập quá 20 người, trong khi lớp của tôi lại đông hơn thế rất nhiều. Buổi học cuối cùng kết thúc vào ngày 29/5, đó cũng chính là ngày sinh nhật của tôi. Trong khoảng thời gian ấy, tôi chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh éo le, họ khó khăn và thiếu thốn đủ thứ. Vì thế, tôi quyết định cùng những người thân trong gia đình nấu những suất ăn miễn phí để gửi tặng họ, như một cách san sẻ khó khăn trong mùa dịch”.

Bếp ăn 0 đồng vẫn đang “đỏ lửa” mỗi ngày. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bếp ăn 0 đồng vẫn đang “đỏ lửa” mỗi ngày. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ngoài những thành viên trong gia đình, bếp ăn 0 đồng của anh còn nhận được sự giúp đỡ từ hàng xóm và một số người dân ở trọ xung quanh.

“Ngày đầu tiên, chúng tôi thử phát miễn phí 100 phần cơm ngay trước cửa nhà. Buổi sau, là phát tại khu trọ cách nhà khoảng 400m. Sau đó, thấy lượng người khó khăn nhiều, gia đình tôi tăng lên 150 suất rồi 250 suất và sau đó, giai đoạn nấu nhiều nhất là hơn 900 suất ăn mỗi ngày”, anh cho biết.

Ngày nào bếp ăn 0 đồng của gia đình “thầy giáo Doraemon” cũng bắt đầu từ 4 giờ sáng và nấu nướng không ngừng nghỉ đến tận 9 giờ tối. Hễ có cơm chín là anh Khải lại hối hả đi tặng, những người còn lại trong gia đình thì tất bật chuẩn bị thực phẩm cho bữa sau.

Anh Huỳnh Quang Khải trao những suất ăn đến bà con. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Anh Huỳnh Quang Khải trao những suất ăn đến bà con. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong những lần đi phát các suất ăn, anh Khải nhận thấy, ngoài thực phẩm, bà con cũng cần thêm một số nhu yếu phẩm khác. Thế là mô hình chợ di động 0 đồng được ra đời, từng chuyến hàng được vận chuyển trên những chiếc xe ba gác, rong ruổi trong từng ngõ ngách.

Theo anh Khải, thời điểm ban đầu, ngoài nguồn kinh phí tự túc, bếp ăn 0 đồng nhận được sự hỗ trợ của mọi người về vật phẩm và lương thực, thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, sau khoảng 2 tháng, có nhiều mạnh thường quân muốn chung tay cùng bếp ăn ý nghĩa này, nên đã liên lạc, ủng hộ bằng tiền mặt.

“Tuy nhiên, sau một thời gian, mạnh thường quân cũng đuối dần… họ không còn đủ sức để tiếp tục đồng hành với chúng tôi. Gia đình tôi cũng không biết còn có thể tiếp tục đến khi nào… Đây cũng chính là khó khăn lớn nhất của mô hình bếp ăn 0 đồng và chợ di động 0 đồng.

Từ khi bắt đầu, mỗi ngày, tôi nhận vô số tin nhắn “cầu cứu” của mọi người. Có những hôm tôi nhận liên tục cả hàng nghìn tin nhắn. Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa xem được hết lượt tin nhắn chờ trên Facebook, bởi, biết mình vẫn chưa đủ tài chính để giúp đỡ được toàn bộ. Tôi muốn, mình giúp được đến đâu thì trả lời đến đó. Nghĩ đến cảnh họ đang “cầu cứu” mà mình không giúp được cũng có chút cảm giác gì đó bất lực”, anh Khải khẽ trút một hơi thở dài.

Chợ di động 0 đồng san sẻ khó khăn mùa dịch. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chợ di động 0 đồng san sẻ khó khăn mùa dịch. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chờ ngày hết dịch để được… ngủ tròn giấc

Trong suốt mấy tháng qua, thay vì đứng lớp, thầy Khải trở thành đầu bếp kiêm lái xe, chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh cơ cực đến ám ảnh.

“Tội nhất là những nhà có trẻ sơ sinh, mà cả hai vợ chồng thất nghiệp, không còn khả năng duy trì sinh hoạt, nhìn đám trẻ lấm lem, nheo nhóc, thấy mà thương... Những lúc ấy, tôi biết mình khó cầm nổi nước mắt, nhanh chân chạy đi tìm tạp hóa, mua sữa và một chút đồ cho bọn trẻ”, người đàn ông 31 tuổi chia sẻ.

Những hình ảnh như vậy cứ xuất hiện trước mắt là lại khiến tôi muốn khóc. Trước đây, mọi người muốn chọc cho tôi khóc còn khó. Vậy mà, không hiểu sao, đợt này tôi cứ như bị “bánh bèo nhập”, chỉ cần thấy những hình ảnh đó là tôi đã “mít ướt” rồi...”.

Hiện tại, bếp ăn 0 đồng của “thầy giáo Doraemon” không còn nấu những suất ăn cho bà con nữa, do thành phố “siết chặt” quy định phòng chống dịch: “Chúng tôi chuyển sang nấu khoảng 700 suất cơm, hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ tuyến đầu. Hiện tại lương thực, thực phẩm của bà con cũng được Thành phố phát đến từng nhà. Bà con cũng bớt lo về ăn uống. Mong bà con ai ở đâu ở yên đó để Thành phố sớm khống chế dịch thành công”, anh Khải chia sẻ.

Bên cạnh những kỷ niệm trở thành động lực duy trì bếp ăn và chợ di động, anh Khải cho biết, cũng có những lúc bị “tụt mood”, do vấp phải những cảm xúc khó chiều: “Cũng có một số ít những người rất khó tính, chúng tôi nấu những suất cơm giữa mùa dịch cũng không mấy dễ dàng, nhưng có người đòi hỏi: “canh chua thì phải có nhiều me”, “sườn ram thì phải có sụn”,… mà không để tâm đến việc chúng tôi cũng rất khó khăn để tiếp cận nguồn nguyên liệu.

Mỗi khi gặp những người trách cứ như vậy, tôi có chút chạnh lòng, lại thêm khó khăn về tài chính, nhiều lúc tôi cũng muốn dừng lại. Nhưng nghĩ đến khó khăn chung, chúng tôi lại muốn san sẻ đến cùng”.

“Thầy giáo Doreamon” tâm sự rất nhớ học trò. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Thầy giáo Doreamon” tâm sự rất nhớ học trò. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chia sẻ về ý tưởng tiếp theo, anh cho biết: “Nhìn những đứa trẻ ở xóm trọ của những người lao động Khơ-me, tôi đã nghĩ đến việc tặng sữa cho bé từ 0-24 tháng tuổi. Ngoài ra, tôi cũng ấp ủ mô hình siêu thị 0 đồng, thay cho chợ di động. Tức là, nếu có đủ điều kiện, tôi sẽ mở hàng với nhiều sản phẩm khác nhau, mỗi người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được đến chọn tối đa 4 món tùy ý”.

Nhắc đến những học trò đặc biệt của lớp học tình thương, “thầy giáo Doraemon” hóm hỉnh chia sẻ: “Cũng mấy tháng trời không được gặp mấy đứa nhỏ, nhớ kinh khủng! Trước đây có người còn trêu là tôi “nghiện” tụi nhỏ… Với tôi, ngoài giờ lên lớp là sẽ không còn khoảng cách thầy trò, chúng có thể tâm sự tỉ tê đủ thứ chuyện trên đời… Thậm chí, có đứa còn gọi điện thoại nói: “Thầy ơi, thầy chửi con đi cho con đỡ nhớ”…

Có lẽ, do các con đều hoặc không có nhà cửa, hoặc không có ba mẹ, nên tôi chăm lo rất kỹ, muốn tạo một lớp vỏ bảo vệ, che chở từ bên ngoài nên chúng rất yên tâm, tôi thân với chúng và chúng cũng coi tôi là gia đình, chuyện gì cũng có thể chia sẻ.

Dịp này, mặc dù không thể lên lớp, song, tôi vẫn cố gắng cứ 1-2 tuần lại hỗ trợ gạo thực phẩm một lần, để các con không bị đói. Chỉ mong dịch bệnh sớm qua, để tôi có thể trở lại đứng lớp, để gặp lại học trò của mình”.

Trước đó, thầy Khải thường cùng học trò giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, như một bài học về tình thương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trước đó, thầy Khải thường cùng học trò giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, như một bài học về tình thương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhắc đến “niềm ao ước” của bản thân, anh Khải cũng không ngần ngại giãi bày: “Mong rằng dịch bệnh chóng qua, để sớm trả lại cuộc sống bình thường trước đây. Và để tôi có thể tìm lại giấc ngủ trọn vẹn. Tôi chính thức “thèm ngủ”…

Nhiều người nghĩ rằng, trong giai đoạn giãn cách xã hội thì tôi cũng được thoải mái ngủ nướng hay ăn ngon, mặc đẹp, nhưng thực tế thì tôi thường xuyên làm bạn với mì gói hoặc bánh mì, còn giấc ngủ thì mỗi ngày chỉ được chợp mắt 3-4 tiếng.

Phần nhiều thời gian là tôi cùng gia đình giữ lửa cho bếp ăn 0 đồng và tiếp tục thực hiện những hoạt động sẻ chia khác đến cộng đồng”.

Ngân Chi