Giảng viên chỉ ra những khó khăn về mặt thủ tục khi xét chức danh GS, PGS

25/04/2025 06:29
ĐÀO HIỀN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc chuyển từ mô hình tập trung sang phân quyền học thuật đòi hỏi phải có một lộ trình rõ ràng, từng bước, có đánh giá, giám sát và điều chỉnh kịp thời.

Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trình độ cao trong hệ thống giáo dục đại học.

Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực đặc thù, nhiều chuyên gia cho rằng một số tiêu chí trong Quyết định 37 chưa thực sự phù hợp với đặc điểm riêng của ngành nên đã khiến nhiều giảng viên dù có năng lực chuyên môn cao và đóng góp thực tiễn lớn vẫn gặp khó khăn trong việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện được phong học hàm.

Cần cơ chế linh hoạt và minh bạch hơn trong xét công nhận học hàm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Minh Quang – Trưởng khoa Khoa Giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Một trong những điểm đáng ghi nhận trong Quyết định số 37 là việc quy định tiêu chuẩn công bố kết quả nghiên cứu khoa học như một yếu tố bắt buộc trong xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Cụ thể, ứng viên chức danh giáo sư phải là tác giả chính của ít nhất 05 bài báo khoa học, hoặc có thể thay thế bằng bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, tác phẩm nghệ thuật hoặc thành tích huấn luyện, thi đấu thể thao đạt giải thưởng quốc tế.

Với ứng viên phó giáo sư, yêu cầu tối thiểu là 03 công trình khoa học tương tự. Ngoài ra, Quyết định 37 cũng linh hoạt khi cho phép thay thế một phần bài báo khoa học bằng sách chuyên khảo hoặc chương sách phục vụ đào tạo, miễn là được xuất bản bởi các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới.

Theo đánh giá của thầy Quang, cách tiếp cận này không chỉ đảm bảo yêu cầu chất lượng mà còn tạo ra động lực mạnh mẽ để đội ngũ giảng viên tích cực tham gia vào hoạt động nghiên cứu và công bố khoa học. Việc phấn đấu đạt chuẩn chức danh giờ đây không chỉ nhằm đáp ứng tiêu chí xét phong, mà còn là cơ hội để ứng viên khẳng định năng lực chuyên môn, xây dựng uy tín học thuật cá nhân. Qua đó đóng góp vào thương hiệu và chất lượng đào tạo của nhà trường.

Đồng thời, điều này cũng tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu – đào tạo – phục vụ cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường học thuật nghiêm túc, chuyên nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động nghiên cứu và công bố khoa học không chỉ là tiêu chí của riêng quy trình xét phong học hàm, mà còn trở thành yếu tố bắt buộc trong việc đánh giá, xếp loại viên chức hàng năm, cũng như trong việc duy trì và phát triển ngành đào tạo, đặc biệt ở bậc sau đại học.

Do đó, việc quy định cụ thể và có định hướng về công bố khoa học trong Quyết định 37 không chỉ hợp lý, mà còn phù hợp với xu hướng nâng cao chất lượng giáo dục đại học, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững hệ thống giáo dục đào tạo ở Việt Nam.

34403691.jpg
Ảnh minh họa: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Về điểm công trình khoa học quy đổi, mặc dù quy định hiện nay đã có sự phân biệt rõ ràng giữa các nhóm ngành, trong đó Khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, thể dục thể thao được xem xét với những yêu cầu đặc thù phù hợp hơn. Song theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Minh Quang, cách tính điểm hiện nay vẫn còn một số bất cập cần tiếp tục điều chỉnh để minh bạch và công bằng hơn.

Đầu tiên, cần đảm bảo tính tường minh và minh bạch trong quy trình tính điểm cho từng loại công trình. Bởi hiện nay, nhiều ứng viên vẫn gặp khó khăn trong việc xác định cụ thể một bài báo, một chương sách hay một tác phẩm nghệ thuật được tính bao nhiêu điểm, căn cứ vào tiêu chí nào và do hội đồng nào thẩm định. Điều này dẫn đến tâm lý lúng túng trong lựa chọn kênh công bố cũng như chiến lược nghiên cứu phù hợp.

Ngoài ra, cần cân nhắc điều chỉnh khoảng điểm trong việc tính điểm công trình khoa học trong danh mục tạp chí của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Hiện tại, mức khởi điểm là 0 điểm đối với một số loại công trình hoặc tạp chí, điều này có thể gây khó khăn và không công bằng đối với ứng viên, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn - nơi công bố quốc tế có thể không nhiều như các lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Việc áp dụng mức điểm 0 cho một số tạp chí hoặc công trình nghiên cứu khiến những đóng góp này không được công nhận, làm giảm động lực cho các nghiên cứu viên. Do đó, cần cân nhắc xây dựng một phổ điểm hợp lý hơn, bắt đầu từ mức điểm tối thiểu có giá trị và có thể phản ánh đúng công sức và chất lượng công trình nghiên cứu, thay vì khởi điểm là 0 điểm.

Bên cạnh đó, thầy Quang cũng đã chỉ ra một số khó khăn về mặt thủ tục xét chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Thứ nhất là vướng mắc về yêu cầu thu thập và trình bày các minh chứng cho các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, hướng dẫn học viên,...Trên thực tế, các minh chứng này phải được in ấn, đóng quyển và sắp xếp theo đúng thứ tự, tuân theo một bộ hồ sơ cứng khá nghiêm ngặt.

Ví dụ, ứng viên cần in ra các chứng chỉ giảng dạy, quyết định phân công, hoặc biên bản họp, thư mời hội thảo, thậm chí là ảnh chụp hoạt động cộng đồng, tất cả đều phải có xác nhận, dấu đỏ của cơ sở. Việc này trở nên đặc biệt khó khăn khi một số tài liệu chỉ tồn tại ở dạng điện tử hoặc khi ứng viên công tác tại nhiều đơn vị khác nhau trong nhiều năm.

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, thầy Quang cho rằng hệ thống xét duyệt ở các cấp nên chuyển sang tiếp nhận hồ sơ trực tuyến (online), sử dụng chữ ký số, tài liệu số hóa có xác thực nhằm giúp tiết kiệm thời gian, tăng độ minh bạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ứng viên.

Thứ hai, theo Quyết định 37, ứng viên phải có công trình công bố trên tạp chí quốc tế uy tín, thường là thuộc danh mục Scopus hoặc Web of Science. Tuy nhiên trong thực tế, có một số tạp chí sau một thời gian bị Scopus loại bỏ do chất lượng không đảm bảo hoặc dính nghi vấn là “tạp chí săn mồi”.

Chẳng hạn như ứng viên công bố bài báo năm 2020 trên tạp chí A, thời điểm đó tạp chí A vẫn còn trong danh mục Scopus nhưng đến năm 2023, tạp chí này bị loại khỏi Scopus. Do đó khi xét hồ sơ năm 2025, bài báo bị từ chối do "tạp chí không còn trong danh mục", gây thiệt thòi cho ứng viên dù tại thời điểm công bố là hợp lệ.

Cùng bàn về vấn đề này, một giảng viên ngành Khoa học Chính trị tại một trường đại học khu vực miền Bắc lại cho rằng, mặc dù việc công bố quốc tế là một yếu tố quan trọng đối với chất lượng nghiên cứu khoa học song với một số ngành đặc thù, đây vẫn là một thử thách lớn.

Khi số lượng công trình nghiên cứu công bố quốc tế của các lĩnh vực này còn hạn chế sẽ dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận các tạp chí quốc tế uy tín,

Chưa kể, để có thể công bố trên các tạp chí này, ứng viên phải chi trả một mức phí tương đối lớn, dao động từ 500 - 11.000 USD tùy theo từng tạp chí và phạm vi nghiên cứu. Điều này tạo ra một rào cản lớn đối với các nhà nghiên cứu, đặc biệt là những người làm việc độc lập hoặc có nguồn tài chính hạn chế.

Từ những trở ngại đó, vị này cho rằng để thúc đẩy sự phát triển của khoa học xã hội, đặc biệt là ở những lĩnh vực khó khăn còn thiếu công trình nghiên cứu quốc tế thì cần xây dựng một cơ chế khuyến khích đặc biệt.

Theo đó, cơ chế này không chỉ tạo ra một hệ thống hỗ trợ hiệu quả, giúp giảng viên và nhà nghiên cứu dễ dàng tiếp cận các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, mà còn bao gồm hỗ trợ tài chính và học thuật để giải quyết những khó khăn mà các nhà nghiên cứu thường gặp phải trong quá trình công bố quốc tế.

Chẳng hạn như thiết lập các quỹ tài trợ nghiên cứu quốc tế, tạo các chương trình hỗ trợ học thuật, đào tạo kỹ năng viết và công bố quốc tế, hỗ trợ phát triển các bài báo nghiên cứu có khả năng được chấp nhận trên các tạp chí uy tín….

gdvn_GS.png
Ảnh minh họa: Đào Hiền

Thực hiện xét công nhận học hàm tại các cơ sở giáo dục đại học: Nên hay chưa?

Trước sự thiếu hụt số lượng phó giáo sư, giáo sư ở một số ngành đặc thù, có ý kiến cho rằng nên để Nhà nước đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn chung về quy trình xét công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, còn các trường đại học tự thực hiện việc xem xét công nhận và bổ nhiệm tùy theo yêu cầu của từng cơ sở đào tạo.

Theo quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng – Giảng viên cao cấp khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Việc cho phép các trường đại học tự chủ trong công tác công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư đã và đang được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là mô hình phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học hiện đại.

Trong tương lai, dư luận cũng sẽ dần thích nghi với thực tế rằng một ứng viên có thể được một cơ sở giáo dục đại học phong chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư nhưng lại không được công nhận tại một cơ sở đào tạo khác, kể cả trong cùng một quốc gia. Đây là biểu hiện của sự đa dạng trong chuẩn mực học thuật và cũng là thông lệ phổ biến trong đời sống khoa học quốc tế.

Tuy nhiên, thầy Hưng cũng nhấn mạnh điều này không nên được triển khai một cách vội vàng trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam. Bởi việc chuyển từ mô hình tập trung sang phân quyền học thuật đòi hỏi phải có một lộ trình rõ ràng, từng bước, có đánh giá, giám sát và điều chỉnh kịp thời.

Nếu không được thực hiện một cách thận trọng, có nguy cơ dẫn đến tình trạng rối loạn trong hệ thống học hàm/học vị, gây lẫn lộn giữa giá trị thật và giá trị ảo, làm suy giảm uy tín của đội ngũ trí thức. Và xa hơn là ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và hình ảnh giáo dục đại học Việt Nam.

Ghi nhận từ thực tế sau một thời gian thực hiện theo Quyết định 37, Giáo sư Hưng cho rằng nên hoàn thiện và bổ sung một số nội dung trong nghị định. Đặc biệt cần tính đến những đặc thù của các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong hệ thống tiêu chí và cơ chế phong học hàm.

Theo đó, nên xem xét việc thiết lập cơ chế trao tặng học hàm, học vị danh dự cho những cá nhân có đóng góp xuất sắc, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyên biệt dù họ không thuộc hệ thống giáo dục đại học chính quy.

Thực tế, chúng ta đã có tiền lệ trong việc trao học hàm/học vị danh dự cho các học giả nước ngoài có công trình nghiên cứu về Việt Nam hoặc đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ là việc tương tự lại chưa được thực hiện một cách tích cực và thường xuyên đối với chính các học giả Việt Nam – những người đã và đang âm thầm cống hiến, làm rạng danh trí tuệ Việt trong các lĩnh vực khoa học nền tảng.

Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc một quốc gia phát triển bền vững không thể thiếu chính sách dài hạn và thực chất về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, cần tạo lập hành lang pháp lý và môi trường học thuật minh bạch, trọng dụng người tài để thu hút và giữ chân các học giả có tâm, có tầm. Từ đó góp phần nâng cao vị thế khoa học Việt Nam và khơi thông dòng chảy tri thức trong nước.

gs-minhhoa-38-1480.jpg
Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Đồng tình với quan điểm trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Minh Quang cũng cho rằng thực tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã cho phép các trường đại học thực hiện việc xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ngay tại cấp trường. Tuy mức độ tự chủ khác nhau nhưng các quốc gia này thường vẫn dựa trên bộ tiêu chuẩn chung hoặc những hướng dẫn khung về đánh giá học thuật nhằm đảm bảo tính thống nhất và chất lượng trong hệ thống giáo dục đại học.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, việc mở rộng thẩm quyền này cần được triển khai một cách có lộ trình và thận trọng. Theo thầy Quang, Việt Nam nên thí điểm áp dụng cơ chế này tại các hội đồng khoa học của các đại học quốc gia và đại học vùng, nơi có điều kiện học thuật tương đối phát triển và có đội ngũ khoa học mạnh, cũng như hệ thống đảm bảo chất lượng tương đối vững vàng.

Đây sẽ là bước đi khởi đầu hợp lý, vừa đảm bảo tinh thần đổi mới, tăng cường tính tự chủ đại học, vừa có cơ sở thực tiễn để đánh giá, điều chỉnh khi cần thiết.

Bên cạnh đó, thầy Quang còn đặc biệt nhấn mạnh việc triển khai dù theo hình thức thí điểm cũng không thể thiếu sự giám sát chặt chẽ từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Bởi cơ quan này cần đóng vai trò định hướng, kiểm định và đánh giá chất lượng nhằm tránh tình trạng “nới lỏng chuẩn” hay xảy ra tiêu cực trong quá trình xét công nhận học hàm ở cấp cơ sở.

“Chỉ khi nào hệ thống đã thực sự vận hành ổn định, minh bạch và hiệu quả thì mới nên mở rộng mô hình này ra toàn hệ thống giáo dục đại học”, thầy Quang cho hay.

Ngoài ra, Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Minh Quang cũng cho rằng trong bối cảnh hội nhập và phát triển của nền khoa học hiện đại, cần xây dựng một cơ chế linh hoạt và thực chất hơn trong việc xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Cơ chế này cần hướng đến việc đánh giá năng lực học thuật của ứng viên một cách khách quan, không phụ thuộc vào yếu tố hình thức hay lý lịch cơ quan công tác.

Cụ thể, đối với những ứng viên có thành tích khoa học xuất sắc, nếu các công trình công bố của họ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng và chuẩn mực theo quy định thì nên được xét công nhận mà không cần phân biệt họ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học trong nước hay nước ngoài. Khi đó, việc đánh giá cần dựa trên năng lực và đóng góp học thuật, thay vì giới hạn bởi địa chỉ công tác hay vị trí hành chính.

Đồng thời, đối với những giảng viên người Việt đang công tác ở nước ngoài, đã được các trường đại học quốc tế uy tín phong học hàm giáo sư hoặc phó giáo sư theo chuẩn mực học thuật tại nước sở tại (tức giáo sư/phó giáo sư của Trường) thì nên được công nhận tương ứng khi họ trở về làm việc hoặc có nguyện vọng công tác tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.

Sau khi được công nhận và đến thời điểm bổ nhiệm lại, các cơ sở giáo dục đại học trong nước sẽ thực hiện việc bổ nhiệm theo đúng quy định hiện hành.

ĐÀO HIỀN