Giám đốc Sở GD TP.HCM: Dạy và kiểm tra theo ghi nhớ số liệu khiến học sinh sợ Sử

08/09/2022 09:01
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói về phương pháp để giúp học sinh yêu thích học Lịch sử.

Ngày 7/9/2022, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đến dự, có bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 – 2022, triển khai nhiệm vụ của năm học 2022 – 2023 của ngành giáo dục và đào tạo quận 1.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1, trong năm học trước, trong thời gian trẻ mầm non chưa được tới trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục mầm non đã tổ chức ghi hình 3.684 clip hoạt động, phù hợp với lứa tuổi, để chia sẻ đến phụ huynh học sinh.

Giáo viên đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục mầm non, lựa chọn các nội dung để phối hợp, hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.

Các trường tiểu học trên địa bàn quận 1 đã linh hoạt trong việc thay đổi phương thức dạy học, tổ chức 165.499 tiết dạy trực tuyến, 389 tiết ghi hình dạy học trên truyền hình đối với lớp 1,2, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dạy học 2 buổi theo hình thức câu lạc bộ, chú trọng việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, và 100% học sinh được học tin học và ngoại ngữ.

Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 của ngành giáo dục quận 1 (ảnh: P.L)

Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 của ngành giáo dục quận 1 (ảnh: P.L)

Các trường trung học cơ sở đã thực hiện việc ghi hình 96.464 tiết học trực tuyến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực đổi mới hoạt động dạy học, thực hiện có hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, đổi mới kiểm tra và đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Trong năm học này, theo bà Lê Thị Bình – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1, các trường thực hiện theo 14 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành đã đề ra, trong đó có: Chủ động thích ứng, tổ chức linh hoạt việc dạy và học an toàn, chất lượng; tăng cường các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm việc thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên theo yêu cầu đổi mới giáo dục.

Bà Lê Thị Bình cho rằng, hiện nay là thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, người thầy không còn đơn thuần là truyền thụ kiến thức, mà phải là người phát triển năng lực học sinh, giúp đỡ, tác động cho người học tự trưởng thành

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

“Nói cách khác, thầy cô là người tạo ra năng lực ở người học “ – bà Lê Thị Bình khẳng định.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, năm học này là năm học tập trung cho các mục tiêu đổi mới, năm thứ 3 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là dạy theo phẩm chất, năng lực của học sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, các thầy cô và nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể hơn, để làm sao phát huy được phẩm chất và năng lực của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh thực hiện khái niệm, thực hành nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay, chính cách dạy và kiểm tra theo ghi nhớ số liệu đã khiến học sinh sợ, ngán việc học môn Lịch sử. Muốn học sinh yêu thích môn học này, theo ông Hiếu là cần phải thay đổi phương pháp dạy học, nội dung kiểm tra đánh giá.

Khi tổ chức kiểm tra thì càng không được kiểm tra học sinh biết gì, nhớ gì, mà phải xây dựng cho được ma trận đánh giá, kiểm tra mức độ vận dụng của học sinh, phải cho học sinh học nhẹ nhàng, không nhàm chán.

Việt Dũng