Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT về quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 22/4/2025. Ngay từ bây giờ, các trường học đang gấp rút triển khai nội dung thông tư đến từng giáo viên.
Thông tư lần này mang lại nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt là quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy. Điều này, giúp giảm áp lực cho giáo viên và góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Nhiều hoạt động chuyên môn được quy đổi tiết giảng dạy
Quy đổi 1 tiết dạy = 1 tiết định mức khi giáo viên dạy trực tuyến theo kế hoạch của nhà trường, dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước lớp 1; Dạy liên trường; Ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp; Chấm thi giáo viên cấp trường.
Quy đổi 1 tiết dạy = 1,5 tiết định mức khi giáo viên là báo cáo viên trong các lớp tập huấn, bồi dưỡng; Dạy minh họa trong sinh hoạt chuyên môn; Báo cáo ngoại khóa, hướng nghiệp; Dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số vào mùa hè; Dạy trực tuyến cho từ 2 lớp trở lên; Dạy phụ đạo, dạy thêm học sinh chưa hoàn thành.
Bồi dưỡng học sinh giỏi, thi đấu, khởi nghiệp: 1 tiết dạy có thể quy đổi tối đa 2 tiết định mức (do hiệu trưởng quyết định). Dạy môn chuyên tại trường chuyên: 1 tiết dạy = 3 tiết định mức.
Giáo viên tham gia sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, thay vì chỉ được xem là một hoạt động bổ trợ, các buổi sinh hoạt chuyên môn phân tích bài giảng thực tế, rút kinh nghiệm và cải tiến phương pháp giảng dạy giờ đây được tính vào tiết dạy. Điều này khuyến khích giáo viên chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục.
Đáng chú ý là khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, điều 13 quy định, giáo viên tham gia dạy phụ đạo cho học sinh hoặc dạy thêm cho học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, cũng đã được quy đổi thành tiết dạy.
Nhờ đó, giáo viên có thêm động lực hỗ trợ học sinh một cách bài bản hơn, không còn cảm giác “làm thêm mà không được ghi nhận”.
Học sinh được ôn thi, được học kèm, thầy cô có thêm thu nhập
Theo điểm d, khoản 1, khoản 3, điều 13 Thông tư 05, rất nhiều hoạt động chuyên môn đã được quy đổi sang tiết dạy, giúp giáo viên có thêm động lực và quyền lợi rõ ràng hơn .
Học sinh được ôn thi miễn phí mà thầy cô cũng có thêm thu nhập. Trước đây, để ôn tập kỳ thi tuyển sinh vào 10 hoặc ôn thi tốt nghiệp, học sinh phải đóng tiền học thêm. Nay theo quy định mới, các em vẫn được ôn tập ngay tại trường mà không bị mất phí, trong khi giáo viên vẫn được tính thù lao tiết dạy tăng thêm từ ngân sách.
Học sinh có kết quả chưa đạt được học phụ đạo miễn phí ngay tại trường. Giáo viên dạy phụ đạo, kèm cặp cũng được tính tiết dạy và hưởng lương tăng giờ. Nhà trường không còn phải vận động giáo viên giảng dạy miễn phí. Các thầy cô đã có thêm động lực lớn để tập trung nâng cao chất lượng hỗ trợ học sinh yếu.
Trước đây, nhiều giáo viên đã dành không ít thời gian và tâm huyết để kèm cặp học sinh yếu, nhưng họ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ hay động viên nào.
Chính vì thế, trong quá trình giảng dạy, có những thầy cô vẫn tận tâm giúp đỡ, kiên trì uốn nắn từng học sinh, nhưng cũng có người chỉ hướng dẫn một cách đối phó, chiếu lệ vì thiếu động lực.
Khi công sức của giáo viên được ghi nhận và họ nhận được sự hỗ trợ xứng đáng, không chỉ tinh thần giảng dạy được nâng cao mà chất lượng học tập của học sinh cũng cải thiện đáng kể.
Việc đầu tư vào giáo viên chính là đầu tư vào tương lai của thế hệ trẻ, tạo nên một môi trường giáo dục công bằng, chất lượng và giàu tính nhân văn.
Giáo viên chủ nhiệm có thêm thời gian chăm lo cho học sinh
Một trong những thay đổi được quan tâm với nhiều giáo viên tiểu học là theo quy định tại Thông tư 05, giáo viên chủ nhiệm ở các trường phổ thông được giảm 4 tiết/tuần. Trước đây, giáo viên tiểu học chỉ được giảm 3 tiết/tuần cho công tác chủ nhiệm. Người viết là giáo viên tiểu học thấy quy định này mang lại nhiều động lực cho bản thân và thầy cô cùng cấp.
Điều này hoàn toàn hợp lý bởi giáo viên bậc tiểu học có khối lượng công việc rất lớn. Ngoài việc giảng dạy, họ còn phải đến trường sớm để hướng dẫn học sinh vệ sinh lớp học, chăm sóc cây xanh.
Thầy cô chủ nhiệm phải hỗ trợ học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, bồi dưỡng học sinh giỏi, kèm cặp học sinh yếu; liên lạc với phụ huynh để cập nhật tình hình học tập của các em hằng ngày.
Nhiều người ví giáo viên chủ nhiệm tiểu học như "người nuôi con mọn", khi gần như tất cả các công việc trong lớp đều do họ đảm nhiệm. Việc giáo viên chủ nhiệm được giảm thêm 1 tiết so với quy định cũ là tạo thêm thời gian cho các thầy cô chăm sóc học sinh một cách chu đáo hơn.
Đây không chỉ là sự điều chỉnh hợp lý mà còn giúp giảm áp lực công việc, tạo điều kiện để giáo viên đầu tư nhiều hơn vào chất lượng giảng dạy và công tác chủ nhiệm.
Với sự thay đổi này, giáo viên có thêm động lực để cống hiến, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện, đảm bảo mỗi học sinh đều được quan tâm, chăm sóc tốt hơn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.