ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương:

"Giá đền bù đất từ xưa đến nay có kẽ hở trục lợi cho một nhóm lợi ích"

06/11/2013 19:46
Ngọc Quang
(GDVN) - “Theo tôi, giá đền bù đất từ xưa đến nay có kẽ hở trục lợi cho một nhóm lợi ích, chứ người dân không phải là nguyên nhân cơ bản gây ra khiếu kiện, khiếu nại. Vì mục đích quốc phòng hay kinh tế, an sinh xã hội, người dân vẫn sẵn sàng giao đất. Tuy nhiên, giá trị đất người dân sử dụng bao năm nay so với giá thị trường quá thấp, nảy sinh điều kiện không công bằng". Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật đất đai trong ngày hôm nay, nhiều ĐBQH còn tỏ rõ sự băn khoăn về cơ chế thu hồi đất, số vụ khiếu kiện quá nhiều vì dân mất đất, quyền lợi rơi vào túi tư nhân, còn nhà nước chỉ thu được một phần rất nhỏ.

Chia sẻ với các PV bên lề kỳ họp, ĐBQH Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đánh giá, dự thảo sửa đổi Luật Đất đai sửa đổi lần này đáp ứng được những nội dung cơ bản và tôi cho rằng có điểm rất mới là phần thu hồi đất có bồi thường hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ đời sống, việc làm cho người bị thu hồi đất, nhưng vẫn băn khoăn cơ chế thu hồi đất khi có tới trên 70% khiếu nại xung quanh các vấn đề thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ tái định cư.

ĐBQH Trương Văn Vở.
ĐBQH Trương Văn Vở.

"Có một điều bản thân tôi góp ý đã nhiều lần và nhiều đại biểu quan tâm xung quanh cơ chế thu hồi đất, đó là dự án luật Đất đai sửa đổi phải làm sao tách bạch những dự án phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và lợi ích kinh tế xã hội. Riêng dự án kinh tế xã hội, cần phân rõ Nhà nước thu hồi đất đối với những dự án phục vụ lợi ích công cộng, hay lợi ích quốc gia và kể cả hạ tầng kinh tế phục vụ cho sự phát triển kinh tế. Nói cách khác là hạ tầng thu hồi đất để phục vụ cho việc phát triển các công trình phúc lợi xã hội. Nếu quy định thu hồi đất cho các dự án kinh tế phục vụ các dự án đầu tư thuần túy cho nhà đầu tư, theo tôi phải xem xét tính toán cân nhắc”, ông Vở nói.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) phân tích: Vấn đề là một miếng đất có thể người dân đang sử dụng để họ làm kinh tế, họ buôn bán thì cũng là làm kinh tế, giờ chuyển đổi để một người khác cũng làm kinh tế để phát triển đất nước nhưng người đó có điều kiện để làm kinh tế tốt hơn, sử dụng miếng đất hiệu quả hơn.

Người dân sẵn sàng giao lại nhưng quyền lợi của họ cũng phải được đảm bảo. Luật Đất đai đã nói được điều đó, giá đất sát với giá thị trường và phù hợp với thị trường mà nó ở khu vực mang tính phổ biến. Các miếng đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, cùng khả năng sinh lời giá phải như nhau là công bằng. Nhân dân sẽ ủng hộ nếu đảm bảo được tính minh bạch và  công bằng.

Bên cạnh đó, bà Tâm nhấn mạnh: “Khi thu hồi đất xong không chỉ đền bù chỗ ở mới là xong mà phải tổ chức lại cuộc sống cho dân, vì còn nhiều vấn đề kéo theo như: văn hóa, giáo dục, y tế, cộng đồng dân cư nên không phải là bồi thường cho người ta bao nhiêu rồi họ muốn đi đâu ở thì đi. Tôi cho rằng, Luật Đất đai kỳ này theo hướng tiếp thu đã thể hiện được chỗ đó. Ví dụ, trước khi thu hồi phải có chỗ ở tái định cư, phải được xây dựng hạ tầng đồng bộ, trường học, trạm y tế… vấn đề còn lại là áp dụng thực tế có đạt được kết quả như mong muốn hay không”.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn chỉ ra nguồn cơn của những vụ khiếu nại kéo dài trong lĩnh vực đất đai, đó là người dân bất bình là đa số chênh lệch đất rơi vào túi của tư nhân, trong khi dân mất đất, còn ngân sách nhà nước chỉ thu được một phần rất nhỏ.

“Đa số ĐBQH vẫn đang băn khoăn về vấn đề thu hồi đất. Nó vẫn là vấn đề rất nóng hiện nay cần phải nói một cách chỉnh chu hơn. Ví dụ như thu hồi vào mục đích phát triển kinh tế-xã hội. Đây là một phạm trù rộng. Khi người thực hiện chính sách đó có cái tâm trong sáng, biết nghĩ đến quyền lợi của người dân đi đôi với phát triển chung của đất nước thì không có vấn đề gì để nói. Nhưng người ta muốn lợi dụng nó thì cũng có đường để lợi dụng. Chính vì vậy việc đó cần phải tính toán để ghi vào các điều luật sao cho nó có tính thực tiễn nhất chứ không phải là lý thuyết”, bà Tâm nói.

Một vị ĐBQH khác là ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình thí nhấn mạnh, phải có giám sát chặt chẽ khi thu hồi, đền bù đất.

“Theo tôi, giá đền bù đất từ xưa đến nay có kẽ hở trục lợi cho một nhóm lợi ích, chứ người dân không phải là nguyên nhân cơ bản gây ra khiếu kiện, khiếu nại. Vì mục đích quốc phòng hay kinh tế, an sinh xã hội, người dân vẫn sẵn sàng giao đất. Tuy nhiên, giá trị đất người dân sử dụng bao năm nay so với giá thị trường quá thấp, nảy sinh điều kiện không công bằng.

Luật Đất đai sửa đổi lần này quy định rõ đền bù theo giá thời điểm thu hồi và theo tôi Chính phủ cũng nên quy định rõ ngay ai là người thu hồi và ai người giám sát, tham gia. Ví dụ: Khi các tỉnh định giá đất, Hội đồng nhân dân đóng vai trò gì? Hay ĐBQH tham gia vấn đề gì? Đó là những vấn đề và yếu tố kèm theo để đảm bảo tính chính xác trong quá trình định giá đất”, ông Phương cho hay. 

Ngọc Quang