Được đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn là cơ hội để trường đại học thu hút SV giỏi

08/10/2024 06:20
Minh Quân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dự kiến Trường Đại học Công nghệ Thông tin là 1 trong 18 cơ sở giáo dục được đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn theo Quyết định 1017/QĐ-TTg.

Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" nêu, mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Tới năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.

Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình nêu rõ, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn dự kiến tại 18 cơ sở giáo dục đại học công lập ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Tăng cường đào tạo ngành bán dẫn để giải “cơn khát” nhân lực, hội nhập quốc tế

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến nay nhà trường đã đào tạo được 18 khóa chuyên ngành Thiết kế vi mạch, thuộc ngành Kỹ thuật máy tính. Qua thời gian, trường đã dần khẳng định năng lực, chất lượng đào tạo và thu hút được các sinh viên ưu tú, có điểm chuẩn đầu vào ở mức giỏi.

thay-khang-8208.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website nhà trường)

“Năm 2023, Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm đào tạo ngành Thiết kế vi mạch. Sinh viên theo học ngành này tại trường được đào tạo kiến thức cơ sở ngành bán dẫn, điện tử, máy tính, công nghệ thông tin và ngành kỹ thuật thiết kế vi mạch, cùng kiến thức về kỹ năng mềm khác.

Để tham gia các dự án tại doanh nghiệp, sinh viên còn được học kỹ năng sử dụng các công cụ thiết kế, mô phỏng và đánh giá kiểm tra từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như Synopsys, Cadence, Siemens (Mentor Graphics), Xilinx,

Tốt nghiệp, sinh viên nắm vững kiến thức nền tảng và chuyên sâu về kỹ thuật thiết kế vi mạch để ứng dụng; có kỹ năng thiết kế, hiện thực hóa và đánh giá hệ thống, giải pháp của ngành thiết kế vi mạch”, thầy Khang cho hay.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Từ 2019 đến nay, mỗi năm, nước ta cần khoảng 1.000 kỹ sư ngành thiết kế vi mạch, với hơn 50% nhu cầu tuyển dụng tới từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong những năm qua, số lượng các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn mở cơ sở và trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ về đầu tư của các doanh nghiệp vi mạch trên thế giới vào Việt Nam trong tương lai gần.

Về cơ hội việc làm, nhu cầu vị trí kiểm tra, kiểm thử thiết kế và lĩnh vực liên quan đến thiết kế vật lý đang tăng cao. Ngoài ra, các công việc liên quan đến thiết kế logic, thiết kế số cũng thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp.

Hiện nay, kỹ sư thiết kế vi mạch mới ra trường có mức lương trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng và tăng dần theo số năm kinh nghiệm làm việc. Theo đó, có kỹ sư trên 6 năm kinh nghiệm có mức thu nhập năm trung bình từ 600 triệu - 1 tỷ đồng. Kỹ sư trên 10 năm kinh nghiệm sẽ có mức lương cao trên 1,5 tỷ đồng/ năm.

Ảnh5.jpg
Nhân lực chất lượng cao làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn có mức thu nhập cao và tăng theo số năm kinh nghiệm làm việc. (Ảnh: NTCC)

“Tuy đã có nhiều chủ trương và kế hoạch để phát triển lĩnh vực công nghệ vi mạch tại Việt Nam, nhưng nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp vẫn còn khá thấp so với nhu cầu đặt ra trong thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai gần.

Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức nền tảng và kỹ năng chuyên sâu về thiết kế vi mạch là cấp thiết cho sự hội nhập quốc tế và nắm bắt cơ hội phát triển của sự dịch chuyển nghề nghiệp này.

Để đạt được kỳ vọng về ngành này, Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực không ngừng, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.

Cụ thể, chương trình đào tạo luôn được cập nhật, bám sát thực tiễn; đảm bảo chất lượng kiểm định trong nước và quốc tế, thường xuyên tổ chức các hội thảo, khảo sát lấy ý kiến các nhà khoa học, các doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu xã hội.

Về tổ chức và quản lý đào tạo, phòng thanh tra pháp chế và đảm bảo chất lượng là đơn vị thực hiện khâu giám sát quá trình đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực và cũng là bảo vệ lợi ích người học. Một cơ chế giám sát tốt sẽ giúp giảng viên và sinh viên tự giác thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Cơ chế phục vụ người học từ đầu vào đến đầu ra là một lợi thế đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của chương trình đào tạo”, thầy Khang bày tỏ.

Đầu tư phòng thí nghiệm để tiếp cận yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp

Nói về cơ sở vật chất đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang cho biết, theo đề án phát triển, nhà trường đã được trang bị cơ bản các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để phục vụ trong công tác đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực. Trong đó, có 1 phòng thí nghiệm đào tạo và nghiên cứu về thiết kế vi mạch định hướng hệ thống trên chip (System-on-Chip Design) do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư.

Hiện nay, nhà trường đang gặp một số khó khăn trong hoạt động đào tạo như thiếu cơ chế và chính sách thu hút các chuyên gia từ doanh nghiệp, từ nước ngoài tham gia đào tạo và nghiên cứu khoa học tại trường; khó tiếp cận các nguồn lực của đề tài khoa học công nghệ từ các doanh nghiệp và từ nhà nước để đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu trong ngành thiết kế vi mạch; gặp khó trong công tác triển khai xây dựng phòng thực hành, phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch có thể tiếp cận yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp.

Về giảng viên và nghiên cứu viên tại nhà trường, thầy Khang cho biết đội ngũ hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh đại học và sau đại học.

Tuy nhiên, trong những năm học tới, khi sinh viên vào học năm 3 và 4, nhà trường vẫn cần tuyển thêm các giảng viên hoặc chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch; đặc biệt là định hướng thiết kế vi mạch hệ thống trên chip (SoC Design).

Ảnh6.jpg
Trường Đại học Công nghệ Thông tin hiện có 1 phòng thí nghiệm đào tạo và nghiên cứu về thiết kế vi mạch định hướng hệ thống trên chip (System-on-Chip Design). (Ảnh: NTCC)

Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có giải pháp tăng cường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia đào tạo và nghiên cứu lâu dài như xây dựng và thành lập phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch định hướng SoC, phòng thực hành thiết kế vi mạch số và phát triển nhân sự tham gia đào tạo và nghiên cứu.

Bên cạnh đó, nhà trường đưa ra phương án tăng cường đầu tư phòng thí nghiệm nghiên cứu chuyên sâu từ các nguồn lực tài chính từ vốn đầu tư chính phủ và từ doanh nghiệp; xây dựng chính sách và tạo cơ chế thuận lợi để giảng viên, nhà khoa học trẻ, chuyên gia đầu ngành về làm việc tại trường.

“Chính vì vậy, việc nhà trường được Chính phủ xem xét ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn, cụ thể là phòng thí nghiệm về thiết kế vi mạch, sẽ tạo điều kiện cho Trường Đại học Công nghệ Thông tin trang bị được các phần mềm chuyên nghiệp, thiết bị thực hành, thiết bị đo lường phục vụ cho hoạt động đào tạo đại học, sau đại học tiếp cận được yêu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa sẽ giúp nhà trường thu hút các bạn sinh viên giỏi, học viên cao học giỏi đến học tập; thu hút giảng viên và nhà khoa học có chuyên môn sâu về thiết kế vi mạch tham gia giảng dạy và nghiên cứu lâu dài”, thầy Khang nhận định.

Theo Phụ lục II kèm theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg, ngày 21 tháng 9 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, danh sách các cơ sở giáo dục đại học công lập dự kiến được ưu tiên, xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn bao gồm:

1. Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Trường Đại học khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Đại học Đà Nẵng.

4. Đại học Bách khoa Hà Nội.

5. Đại học Thái Nguyên.

6. Đại học Huế.

7. Học viện Kỹ thuật Quân sự.

8. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

9. Trường Đại học Giao thông vận tải.

10. Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

11. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

12. Trường Đại học Vinh.

13. Trường Đại học Cần Thơ.

14. Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

15. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

16. Trường Đại học Điện lực.

17. Học viện Kỹ thuật Mật mã.

18. Trường Đại học Việt Đức.

Minh Quân