Dùng vô tư vì đó là đồ mượn

16/05/2012 14:51
Minh Phương, Lớp Báo in k29a2
(GDVN) - Từ những thứ nhỏ nhặt đến những vật dụng đắt tiền: máy ảnh, laptop, xe máy… sinh viên đều mượn của nhau dễ dàng. Nhiều phiền toái nảy sinh từ đây.
Không phải của mình không cần giữ
Đa số mọi người đều có thói quen không phải đồ mình thì không tiếc, không gìn giữ cẩn thận. Nguyễn Thuỳ Anh (năm 4 Học viện Tài chính) từng ngỡ ngàng khi nhắc cô bạn cùng phòng cất quyển sách ra chỗ khác không chẳng may thức ăn bắn vào, thì cô bạn thản nhiên: “Không sao đâu, sách mượn ấy mà”. 
Còn Lê Thu Ngân (năm 3 ĐH Mỏ địa chất) cũng tiếc đứt ruột khi chiếc máy ảnh Cannon mới tinh cho bạn mượn xuất hiện nhiều vết xước. Hỏi thì cô bạn bảo không biết, vì hôm đó đi chơi với lớp, nhiều người cầm máy để chụp. Ngân bực bội bởi trước khi cho mượn đã dặn bạn giữ gìn cẩn thận rồi, nhưng… Cuối cùng Ngân chép miệng thở dài: “Lần sau thì từ chối khéo, cứ kiểu mượn chuyền tay thế này đồ mình hỏng sớm!”.
Ai cũng có lúc nhỡ nhàng phải đi mượn. Nhưng không phải ai cũng có “văn hoá dùng đồ mượn”, thậm chí có những tình bạn bị sứt mẻ chỉ vì những sự cố đáng tiếc xảy ra khi mượn đồ. “Mình không hóm ruột khi bạn bè mượn đồ, chỉ mong đồ của mình được giữ gìn cẩn thận” – Thuỳ Anh chia sẻ.

Mượn đồ thành “nhảy” đồ

Nhưng đến kiểu mượn đồ của bạn và để món đồ đó “bốc hơi” một cách có chủ đích thì đáng lên án hơn. 
Hồi còn là sinh viên năm nhất trường CĐ Hàng Hải, Đặng Văn Huy (ngành Điều khiển tàu biển) ở với bạn cùng trường học Thiết kế tàu biển là Trần Thanh Tùng. Sau một thời gian ở cùng nhau, Huy đã bị Tùng lừa lấy mất xe đạp. Gần Tết, Tùng mượn xe của Huy để chở đồ ra bến xe giúp người quen. Huy vui vẻ đồng ý. Thấy bạn đi lâu, Huy còn chủ quan nghĩ thằng bạn còn lượn lờ đâu đó. Nhưng đến chập tối, không thấy bạn về, Huy mới tá hoả, gọi điện thì không ai bắt máy. Kiểm tra đồ đạc thấy trống không. Thì ra, đồ “của người quen” lại chính là đồ của cậu bạn gian trá đó. 


Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Huy đã bị bố mắng vì tội dễ tin người, không biết bảo quản đồ đạc của mình. Kể từ đợt ấy Huy chưa gặp lại Tùng lần nào. Huy bảo không muốn “chuyện bé xé ra to”, “Coi như đây là bài học cho mình. Vì cái xe đạp mà gây gổ với nhau cũng không đáng. Bạn bè tớ biết chuyện cũng đủ để cho Tùng xấu hổ rồi” – Huy tâm sự.

“Mượn là mất, cất là còn”

Trên các trang mạng: ttvnol.com (trai tim vietnam online), cungtrochuyen.com, 5giay.vn, me.zing.vn…diễn đàn các trường đại học: thương mại, hành chính… thì chủ đề “Có nên cho bạn mượn đồ” lúc nào cũng rôm rả. Đa số các bạn lưỡng lự khi phải cho mượn món đồ nào đó có giá trị vì sợ bạn mình dùng mà không giữ, không cho mượn thì sợ mang tiếng ki bo, ích kỷ.
Một bạn có nick Đậu đen hỏi: “Bạn mình rất hay mượn đồ make up của mình, điều đó làm mình không thích. Mình mua mỹ phẩm của nó nên nó biết mình có những gì, thỉnh thoảng đến mượn. Con gái mà dùng chung như vậy trông rất mất vệ sinh mà cũng vô văn hóa. Nhưng mình là bạn mình không dám nói. Phải làm sao để nó không nghĩ mình là đồ ích kỉ?”.
Ngay lập tức, các bạn trên diễn đàn đều khuyên Đậu đen nói thẳng, vì “mất lòng trước được lòng sau”, và cũng không nên mượn gì của cô bạn kia. Bạn tên Hoàng Văn Thế nói: “Tốt nhất là bạn nói thẳng với bạn mình ấy. Muốn dùng thì mua mà dùng, dùng chung mất vệ sinh mà không lịch sự”.
Các bạn cho rằng đối với những người chuyên “đào mỏ” thế thì nghỉ chơi vì đó không phải là bạn, chỉ là những kẻ chuyên đi lợi dụng người khác, rồi khuyên nhau phải biết chọn bạn mà chơi.
Bạn có nick dovantuan2006 thậm chí còn đưa ra cách để nhận diện những người chuyên mượn đồ: “Người tử tế rất ít khi mượn mõ. Họ ngại làm phiền người khác. Hoặc cực chẳng đã, họ cũng đắn đo mãi rồi mới ngỏ lời mượn. Nhóm này nhận ra dễ lắm. Mình có mang xe, đồ đạc ra cho họ mượn họ cũng chẳng dễ nhận lời. Còn một số người luôn làm phiền người khác (kể cả thân lẫn sơ) một cách thản nhiên. Những người này không nên dây dưa vì họ thường trơ trẽn lắm. Thậm chí mượn xe đến khi trả cũng chẳng có thái độ cảm ơn. Loại này thì nên cắt cái rụp khuyến mại thêm cái đá đít bạt tai”. 
Việc “mượn” không đáng bị lên án, cái đáng bàn là cách mượn và dùng đồ mượn. Để tránh những rạn nứt trong tình cảm bạn bè, sinh viên hãy mượn một cách có văn hoá và ý thức.
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ” và tiểu mục “Nếu tôi là...":Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Minh Phương, Lớp Báo in k29a2