Những sinh viên có nghị lực "xương rồng"

Bài cuối: Gian nan đường đến trường của cô sinh viên mồ côi

10/07/2012 00:04
Phùng Minh Phúc (Lớp Báo in K29a2, HV. BC)
(GDVN) - Bố mẹ mất sớm, tuổi thơ của Lưu Thị Hạnh cùng 3 chị em phải sống trong cảnh mồ côi. Nhưng, họ đã vượt qua đau thương để sống có ý nghĩa.

 Con đường gian nan

Đến nhà em Lưu Thị Hạnh ở thôn Tử Cầu, xã Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một ngôi nhà ngói cũ kĩ với những bậc thềm mọc đầy rong rêu. Nền nhà chỉ được đổ xi-măng qua loa, chỗ lồi chỗ lõm. Tại góc sân sát cổng, một cô gái nhỏ nhắn, khuôn mặt khả ái đang khom lưng nhổ mạ và xếp vào rổ.
Thấy có người đến nhà, Hạnh nghiêng đầu hỏi: - Anh là sinh viên báo chí hôm qua gọi điện thoại hẹn em đúng không? Tôi đáp – Đúng! Sắc mặt em trùng xuống, không buồn cũng không vui nói: - Được anh về thăm tận nhà thế này em mừng lắm! Nhưng nhớ lại chuyện cũ em lại thấy chạnh lòng. 
Lưu Thị Hạnh - sinh viên năm nhất khoa Kế toán, Cao đẳng Tài chính - Quản trị Kinh doanh Hưng Yên -một cô bé cứng cỏi trong gian khó, chín chắn trong cách nghĩ, nhưng, khi mở lòng mình kể cho tôi nghe câu chuyện thương tâm của gia đình, em không thể kìm nổi nước mắt.

Hạnh bên người cô ruột Lưu Thị Thanh (ảnh: Minh Phúc)
Hạnh bên người cô ruột Lưu Thị Thanh (ảnh: Minh Phúc)

Hạnh nhớ lại: “Năm 1996, khi gia đình em vừa xây ngôi nhà cấp 4 nho nhỏ, chưa trả hết nợ nần thì bố em có dấu hiệu tức ngực như bị búa đập, thở khò khè như mèo hen. Lên bệnh viện Bạch Mai khám, bác sĩ kết luận bố bị yếu tim. Khoảng hai năm sau, bệnh tình của bố em ngày càng phát mạnh, người gầy rộc, khuôn mặt hốc hác chỉ còn da bọc xương, chỉ đi bộ một đoạn là mệt nên không lao động nặng được. 
Mẹ em vay mượn khắp nơi cắt thuốc cho bố nhưng uống bao nhiêu cũng vô ích. Cuộc sống gia đình túng thiếu đủ đường. Ngôi nhà trống hoang hoác vì mọi thứ đáng giá bị đem đi bán hoặc cầm cố hết. Năm 2001, bệnh tim của bố em đến giai đoạn suy kiệt. Chân tay phù lên toàn bọng nước và  đã qua đời”.

Một nách cắp 4 đứa con thơ, cô Loan làm đủ mọi công việc nặng nhọc, từ làm đồng áng đến gánh gạch thuê mãi tận Đồng Thang để trả nợ nần và nuôi con khôn lớn. Thấy mẹ vất vả sớm khuya, hai chị lớn Lưu Thị Hiền và Lưu Thị Thảo buổi đi học, buổi cắt cỏ, chăn trâu, nấu cơm giúp mẹ. Còn Hạnh khi ấy mới học lớp 2 đã phải trông em Hường mới hơn 2 tuổi và lo cơm nước cho gia đình.
Có ai ngờ đâu, năm 2003, người mẹ Lương Thị Loan đột ngột qua đời vì dính cảm. Nỗi đau mất cha chưa lành, giờ đây 4 chị em Hạnh lại bị cứa thêm một vết thương nữa. Không còn cha mẹ đùm bọc, cưu mang, họ trở thành những đứa trẻ mồ côi, bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời.
Đôi mắt nhòa lệ của Hạnh đã chuyển sang sắc đỏ. Em đứng lên xin phép tôi thắp cho cha mẹ nén hương thành kính. Khói nhang trắng xóa lan tỏa khắp gian phòng. Hai tay chắp trước ngực, mắt hướng về ảnh thờ cha mẹ đã khuất núi, giọng Hạnh đau đớn: “Chẳng biết cái tên làng Tử Cầu này nó có vận vào gia đình mình hay không mà sao chúng con khổ thế này. Chúng con nhớ bố mẹ lắm!”.

Nỗ lực vươn lên 

Bao nhiêu nợ nần của gia đình đổ hết lên đầu 4 cô con gái thơ dại đang tuổi ăn, tuổi chơi. Thấy cháu mình đói khổ, người cô ruột Lưu Thị Thanh (chưa chồng) đau xé ruột xé gan. Mặc dù đang phải nuôi bố mẹ già trên 70 tuổi nhưng cô vẫn dang rộng vòng tay che chở cho những đứa con của anh mình.
Ngày ngày ra đồng cấy hái, cắt cỏ, chăn trâu, trưa, chiều lo cơm nước để cô Thanh yên tâm đi buôn đồng nát kiếm đồng ra đồng vào, tối đến, cả 4 chị em Hạnh phải cùng cô đến các chủ nợ. Ai có lòng hảo tâm xóa nợ thì mang ơn. Ai cho lãi thì sẽ khất trả gốc. 
Hạnh bảo: "Bao nhiêu năm nay em đã phải nếm trải nỗi đau của một đứa trẻ mồ côi cha mẹ. Nhưng chính nỗi đau ấy đã giúp em trưởng thành và can đảm hơn để đương đầu với mọi gian khó của cuộc sống. Khổ đau rồi cũng sẽ qua và em tin có ngày cô cháu em sẽ được hạnh phúc''.
Nhiều chủ nợ tốt bụng biết hoàn cảnh mấy chị em em bần cùng nên họ tận tâm giúp đỡ, như gia đình bà Lết xóa nợ 1 tạ thóc, gia đình bác Hùng Toàn (thôn Yên Phú) xóa nợ hơn 1 triệu tiền phân đạm,… nhưng, cũng có người không thông cảm, họ đến tận bắt gà, bắt lúa để gán nợ”- Hạnh tâm sự.
Gian nhà bếp phủ rơm rạ sau nhà đã mục nát và đổ cách đây 1 năm nhưng chưa có tiền dựng lại, thế nên chỗ nấu nướng của mấy chị em Hạnh đành phải đặt tạm ở chuồng gà. Hạnh bảo: “Căn nhà chúng em đang ở mỗi khi mưa lại dột lỗ chỗ, phải mang chậu, nồi, bát loa ra hứng mà chưa rặm ngói mới, huống chi là nhà bếp”.
Cô Thanh kể: “Hồi Hạnh học lớp 10, có lần tôi đóng chậm tiền học phí của cháu. Bị BGH trường thường xuyên nhắc nhở, cháu tủi phận, buồn phiền lắm nhưng khi về nhà, sợ tôi lo nghĩ chạy vạy tiền nong nên không cho tôi hay. Thấy thế tôi thương nó vô cùng!”.

Cả nhà có 7 miệng ăn nhưng chỉ trông chờ chủ yếu vào cô Thanh và cuốn sổ hộ nghèo nên cuộc sống vô cùng túng bấn. Bởi vậy, từ năm lớp 11, Hạnh đã quyết định làm thêm bán thời gian cho một xưởng may gia công Tuấn Thái (gần nhà) để đỡ đần cô. 
Hạnh đang vội vàng rút rơm chuẩn bị bữa trưa để kịp giờ lên đường đi học (Ảnh: Minh Phúc)
Hạnh đang vội vàng rút rơm chuẩn bị bữa trưa để kịp giờ lên đường đi học (Ảnh: Minh Phúc)

Đêm nằm ngủ cùng các cháu, cô Thanh thường động viên: “Bố mẹ chúng bay mất rồi nên chúng bay phải cố gắng phấn đấu học tập để thành người. Phận con gái mà không có chữ như cô thì suốt ngày nai lưng làm việc như con trâu mà vẫn nghèo”. Nghe theo lời dạy của cô, Hạnh càng nỗ lực phấn đấu học hành. Sáng đến trường, chiều vào xưởng may, tối đến, Hạnh lại vùi đầu vào sách vở để học tập. Năm nào Hạnh cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến xuất sắc. 
Học hết lớp 12, Hạnh nộp hồ sơ vào khoa Kế toán, Cao đẳng tài chính Thương Mại Kinh doanh và thi được 23,5 điểm. Tôi hỏi Hạnh sao không thi đại học? Em bảo: “Ở Hưng Yên không có trường Đại học anh ạ! Mà lên Hà Nội thì cái gì cũng đắt đỏ, cô em đào đâu ra tiền. Thôi thì em học ở gần nhà để có thể đạp xe đến trường cho đỡ tốn”.
Từ nhà Hạnh đến trường hơn 10km, trong khi đó, mỗi buổi học lại bắt đầu từ 12h30 đến 17h45. Phải đi xe đạp nên em xuất phát từ 11h30 để kịp giờ lên lớp và khi về đến nhà thì bầu trời đã đen mịt. Mới đây, Hạnh đã vinh dự nhận được học bổng "Thắp sáng niềm tin" trị giá 7 triệu đồng/năm. Hạnh nghỉ làm thêm ở xưởng may Tuấn Thái để giúp đỡ việc đồng áng cho cô Thanh. Kỳ học vừa rồi, điểm tổng kết của em vẫn đạt 7,5, đứng thứ 3 lớp.

Được tiếp xúc, trải lòng và thấu hiểu gia cảnh đặc biệt khó khăn của Hạnh, của Nga hay các sinh viên vượt khó học giỏi khác trong loạt bài "Những sinh viên có nghị lực "xương rồng" này, tôi đã hiểu ra rằng: khi người ta có ý chí và nghị lực mạnh mẽ, không khó khăn nào có thể ngăn cản bước chân họ trên con đường vươn tới ước mơ. Những tấm gương trong loạt bài này cũng là món quà và lời chúc của tôi dành cho các học sinh có số phận kém may mắn sẽ đạt được thành tích cao trong kỳ thi ĐH-CĐ năm nay.

Phùng Minh Phúc (Lớp Báo in K29a2, HV. BC)