Mơ có một gia đình
Tôi đến thăm Nga khi em đang đọc cuốn tiểu thuyết “Không gia đình”. Gấp cuốn sách lại, Nga bảo: “Em thấy cảnh ngộ của mình giống nhân vật chú bé Rêmi quá. Cứ nhắm mắt vào là em lại thấy ngôi nhà thân yêu của mình khi còn bố mẹ, thấy hàng luồng xanh mà chiều chiều mẹ vẫn lấy măng để sáng hôm sau đi chợ bán. Bố vất vả làm đủ mọi thứ nghề, từ phát nương, làm rẫy, đào giếng thuê… nuôi chúng em ăn học. Dáng bố gầy, mái tóc đã ngả sang màu bạc. Công việc vất vả là thế nhưng bố mẹ luôn quan tâm chăm sóc chúng em, dẫn chúng em lên thành phố mua áo mới, ăn những cốc kem xanh đỏ… Nhưng, hạnh phúc ấy ngắn chẳng gang tay”.
Nga và bà nội |
Cơn lũ nguồn lịch sử năm 2006, chỉ mình Nga thoát chết vì đang về quê thăm ông bà nội. Cô Khà Thị Ánh - hàng xóm cũ của Nga, kể lại: “Đêm định mệnh hôm ấy tôi sang nhà chị Thanh, anh Tá trú bão nhờ vì ngôi nhà của tôi chỉ đóng bằng những tấm ván, rất yếu ớt. Lũ nguồn ập đến bất ngờ, tôi kịp bế đứa con 5 tháng tuổi rồi vịn vào can xăng rỗng để bơi qua dòng lũ. Còn anh Tá may bấu được vào ngọn tre. Nhưng khi nhìn thấy vợ và 2 con bị cuốn theo dòng lũ, anh lại lao xuống để cứu họ nhưng cuối cùng cũng ra đi”.
Nga sụt sùi tâm sự: phải chứng kiến sự ra đi đột ngột của bố mẹ và hai em gái khiến em thấy trống vắng và đau đớn vô cùng. Đó là một tuổi thơ đầy đau thương mất mát. Suốt hai tháng trời người thân và hàng xóm cố tìm kiếm thi thể bố mẹ và hai em của em nhưng cuối cùng bất lực. Em cố gượng dậy sau trận lũ dữ, mặc dù đêm nào em cũng bị dày vò bởi sự cô đơn và nhớ thương người thân da diết.
Trưởng thành trong gian khó
Biết gia cảnh khó khăn của Nga, trại trẻ mồ côi thành phố Đăk Lăk muốn nhận chăm sóc em. Tuy nhiên, bà nội của Nga - bà Nguyễn Thị Được kiên quyết không cho cháu mình vào trại trẻ. Bà bảo Nga: “Cháu về đây ở với bà. Hai bà cháu cưu mang nhau, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Cuộc sống bần hàn thế nào thì vẫn sống được”.
Rời cao nguyên Đăk Lăk đầy nắng và gió, Nga về ở với bà nội tại thôn Vài, Hợp Thanh, Mỹ Đức, Hà Tây (cũ) để tiếp tục học hành.
Căn nhà hai bà cháu Nga đang sống chẳng khác cái hang động trên núi là mấy. Nó chỉ rộng 20m2; tường được xây bằng đá vụn và vôi cát nên bề mặt lởm chởm; kết cấu không chắc chắn. Nền nhà là đất nện, chỗ lồi chỗ lõm và luôn ẩm mốc. Mái ngói đã sụt lên sụt xuống nhiều lần, mưa thì dột, nắng thì chiếu vào nhà, khi ngủ bụi đất thường rơi từ mái xuống nên phải căng nilong chằng chịt để che chắn. Mỗi khi mưa bão, hai bà cháu không dám ở nhà mà lại vác chiếu sang nhà hàng xóm ngủ nhờ.
Hai bà cháu Nga sống qua ngày đoạn tháng bằng những đồng tiền bán rau |
Bà Được năm nay đã 78 tuổi nên thường xuyên đau chân, tuổi đã cao nên tai nghe không còn rõ. Bệnh viêm thượng tụy vẫn hành hạ bà mỗi ngày, nhất là khi thời tiết thay đổi. Do đó, từ khi lên lớp 10, việc học hành của Nga trở nên vất vả hơn. Sáng. Em dậy từ 4 giờ ra đồng hái rau rồi bó cẩn thận và gánh ra chợ bán để lấy chi phí hằng ngày. Tan chợ, Nga lại lóc cóc về nhà nấu cháo cho lợn ăn, rồi vội vã chuẩn bị cơm nước để kịp đi 8km quãng đường từ nhà đến trường. Tối. Phải 21 giờ Nga mới vào bàn học được.
Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Hồng Vân thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của Nga nên thương lắm. Cô đã thuyết phục thầy hiệu trưởng miễn toàn bộ học phí và các khoản đóng góp khác để em yên tâm học tập. Bên cạnh đó, “Cô Vân đã chép rất nhiều câu danh ngôn về cuộc sống vào một cuốn sổ và tặng cho em. Trong đó, em nhớ nhất câu nói của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: “Đời người phải trải qua giống tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố” – Nga cho biết.
Cứ thế, với chất rắn rỏi, mạnh mẽ của một cô gái trưởng thành trên cao nguyên, Nguyễn Thị Nga đã nỗ lực học tập tốt. Nhiều năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi; đạt giải nhì tỉnh môn Địa Lý năm 2010.
Giấc mơ sinh viên thành hiện thực
Ngày Nga đăng ký dự tuyển vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền, bà Được vay mượn tiền của hàng xóm để cháu mình có thể nộp hồ sơ. Trước 4 ngày lên Hà Nội dự thi, mỗi sáng Nga tranh thủ ra đồng cắt đầy hai gánh rau muống ra chợ bán để có tiền đi đường và ăn uống. Nga tâm sự: “Tiễn em ra đầu làng đón xe khách, nội nhìn em mếu máo: “Con gắng lên làm bài thật tốt, để đời con không phải khổ như bố mẹ con”. Trong sâu thẳm trái tim em nhói lên nỗi chạnh lòng lớn, vì bè bạn em được bố mẹ đưa đi thi và chăm sóc đầy đủ. Còn em thì lủi thủi một mình. Càng nghĩ vậy, em lại càng quyết tâm cố gắng”.
Nga kể rằng, ước mơ lớn nhất của em trở thành một nhà báo, có nhiều kiến thức để viết những bài báo về quê hương đất nước mình. Nên nhận được tin mình đỗ vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nga vội vã chạy về nhà, ôm lên cổ bà nức nở khoe thành tích của mình: “Bà ơi con đỗ rồi, con mừng quá, con chỉ tiếc… bố mẹ con không ở đây chứng kiến giây phút này bà ạ”.
Đứng trước di ảnh của bố mẹ, Nga đã suy nghĩ rất nhiều về khoản tiền mình phải tiêu hàng tháng trên Hà Nội. Nhưng, Nga đã tự động viên mình là phải cố lên, thiếu thốn thì sẽ tìm việc làm thêm.
Cuối cùng Nga cũng tự bước đi để đến được giảng đường đại học. Tại Hà Nội, em đã miệt mài viết báo để vừa rèn luyện khả năng viết, vừa có ít tiền chi tiêu để bà nội bớt lo lắng. Nga đã nhận được học bổng khuyến học của báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh. Em cũng nhận được học bổng dành cho sinh viên nghèo vượt khó của khoa Báo chí.
Nga tâm sự: “Em nhận được nhiều quan tâm và tình thương của mọi người. Tuy tình thương ấy không lấp đầy khoảng trống đau đớn trong lòng em. Nhưng, nó là động lực lớn để em cố gắng phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội”.
Tiễn tôi ra đầu làng, Nga tâm sự: "Nếu anh có thời gian thì ghé qua thôn Tử Cầu, xã Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên nhé. Em có quen bạn Lưu Thị Hạnh, sinh viên năm nhất, Cao đẳng Tài chính - Quản trị kinh doanh. Bạn ấy mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Khổ lắm anh ạ!"
Bài cuối: Gian nan đường đến trường của cô sinh viên mồ côi
Phùng Minh Phúc (Lớp Báo In k29a2, HV. BC)