Dự án thùng rác thông minh, tích hợp công nghệ AI và IoT của nhóm SV Đà Nẵng

12/02/2025 08:55
Ngọc Trâm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dự án khởi nghiệp xanh của nam sinh ngành Kinh doanh thương mại Trường ĐH Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã nâng cao hiệu quả thu gom và phân loại rác thải.

Nguyễn Việt Hoàng (21 tuổi) là sinh viên năm 3 ngành Kinh doanh thương mại, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã cùng các bạn của mình xây dựng, triển khai dự án DaNa Green - thùng rác thông minh tự động phân loại rác thải, tích hợp công nghệ AI và IoT.

Dự án được lên ý tưởng từ thực trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam, đặc biệt là ở Đà Nẵng với tinh thần: “Khi rác không chỉ để thải” và giành giải Nhất trong cuộc thi Khởi nghiệp NEO-UP 2024, do câu lạc bộ Khởi nghiệp Kinh tế trực thuộc Hội sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Bên cạnh đó, Việt Hoàng còn là sinh viên 5 tốt tiêu biểu cấp thành phố Đà Nẵng năm học 2023 - 2024. Nam sinh cũng có thành tích học tập xuất sắc với GPA 3.8/4.0.

unnamed - 2025-02-11T161405.586.png
Nguyễn Việt Hoàng, sinh viên năm 3 ngành Kinh doanh thương mại, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: NVCC)

Dự án thùng rác thông minh, tích hợp công nghệ AI và IoT

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Việt Hoàng cho biết, dự án DaNa Green ra đời từ những vấn đề về môi trường mà nam sinh và nhóm cộng sự có cơ hội quan sát được trong cuộc sống hằng ngày tại nơi mình sinh sống.

“Báo cáo của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) năm 2020 chỉ ra rằng Việt Nam nằm trong top quốc gia có lượng chất thải nhựa xả ra biển cao nhất thế giới. Trong đó, thành phố Đà Nẵng thải ra khoảng 80.000 tấn rác nhựa mỗi năm, gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, đất, nước và chi phí xử lý.

Hiện nay, các khu vực công cộng có rất nhiều thùng rác hướng dẫn phân loại rác. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, đa số người dân vẫn chưa vứt đúng rác vào ngăn phân loại phù hợp, dẫn đến tình trạng nhân viên thu gom phải phân loại lại mất rất nhiều thời gian”, Hoàng chia sẻ.

unnamed - 2025-02-11T161412.352.png
Việt Hoàng (thứ 2 từ trái sang) và nhóm cộng sự cùng sản phẩm thùng rác thông minh trong dự án DaNa Green giành giải Nhất với giải thưởng trị giá 80 triệu đồng từ cuộc thi Khởi nghiệp NEO-UP 2024. (Ảnh: NVCC)

Từ thực tế đó, Việt Hoàng cùng nhóm bạn đã hình thành ý tưởng hệ thống thu gom rác thải bằng thùng rác thông minh, tích hợp công nghệ AI và IoT nhằm tối ưu hóa quy trình thu gom, phân loại và quản lý rác thải, kích thích người dùng sử dụng qua những phần quà tặng được quy đổi từ rác thải tái chế với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (thu gom - phân loại - tái chế).

Theo đó, khi người dùng bỏ rác vào thùng, hệ thống sử dụng camera AI để quét và phân tích hình ảnh nhằm xác định loại rác thải như nhựa, giấy, kim loại, hoặc các loại rác không thể tái chế. Mô hình AI này được huấn luyện bằng dữ liệu thực tế, đảm bảo khả năng phân loại đạt độ chính xác trên 95%. Nếu rác thuộc nhóm tái chế, hệ thống sẽ tự động chuyển hướng rác vào ngăn tương ứng, giúp phân loại rác ngay từ ban đầu và giảm thiểu sai sót trong quá trình xử lý.

“Để quản lý và theo dõi hiệu quả thu gom, thùng rác được tích hợp cảm biến IoT để giám sát trạng thái thùng theo thời gian thực. Khi thùng gần đầy, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo đến trung tâm thu gom hoặc đơn vị quản lý, giúp tối ưu hóa quy trình vận chuyển rác. Dữ liệu về tình trạng của thùng rác được liên tục cập nhật trên nền tảng website quản lý, giúp các cơ quan chức năng hoặc doanh nghiệp dễ dàng theo dõi hiệu suất thu gom, từ đó đưa ra các quyết định chính xác và kịp thời trong việc quản lý rác thải”, Việt Hoàng thông tin thêm.

unnamed - 2025-02-11T161415.761.png
Mô hình hệ thống thu gom rác thải tái chế thông minh DaNa Green. (Ảnh: NVCC)

Sau khi rác được phân loại sẽ được thu gom và chuyển giao cho các doanh nghiệp tái chế chuyên nghiệp để tiếp tục xử lý. Theo Hoàng, dự án DaNa Green đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối người dân, các đơn vị thu gom và doanh nghiệp tái chế, từ đó tối ưu hóa mô hình kinh tế tuần hoàn. Mô hình này không chỉ giúp xử lý rác hiệu quả mà còn thúc đẩy việc tái chế, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Mọi hoạt động thu gom và số lượng rác được xử lý sẽ được ghi nhận trên hệ thống giám sát dữ liệu. Cơ quan quản lý có thể theo dõi lượng rác thu gom, tỷ lệ tái chế, và hiệu quả triển khai mô hình. Từ đó, họ có thể đưa ra các chính sách quản lý rác thải phù hợp và hiệu quả hơn, đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ thu gom và tái chế trong cộng đồng.

“Trước đây, việc quản lý rác thải phụ thuộc nhiều vào các phương pháp thủ công và hệ thống thu gom truyền thống, dẫn đến chi phí cao, hiệu quả thấp. Nhưng với sự phát triển của AI, IoT và dữ liệu lớn, việc phân loại rác, giám sát chất lượng môi trường có thể tự động hóa theo thời gian thực và tối ưu hóa quy trình xử lý.

Sự kết hợp giữa công nghệ và bảo vệ môi trường không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến thiên nhiên mà còn mở ra cơ hội lớn cho các mô hình kinh tế bền vững. Với những giải pháp như dự án DaNa Green, tôi tin rằng Việt Nam có thể xây dựng một tương lai xanh, nơi công nghệ không chỉ hỗ trợ mà còn định hình cách con người sống và bảo vệ môi trường sống”, Việt Hoàng nói.

Kết hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp để phát triển và ứng dụng sản phẩm

Trong quá trình triển khai dự án DaNa Green, Việt Hoàng và nhóm cộng sự đã đối mặt với không ít thử thách. Một trong những khó khăn lớn nhất là thay đổi thói quen phân loại rác của người dân, vì hiện tại, việc phân loại rác vẫn chưa phổ biến, nhiều người vẫn giữ thói quen bỏ tất cả rác vào một thùng mà không quan tâm đến khả năng tái chế.

Để giải quyết vấn đề này, nhóm của Việt Hoàng đã áp dụng cách tiếp cận thực tế và sáng tạo. Theo đó, thay vì chỉ tập trung vào việc tuyên truyền, Hoàng và nhóm cộng sự đã tận dụng sự hiệu quả công nghệ để tạo động lực cho người dân tham gia vào việc phân loại rác.

Cụ thể, cơ chế tích điểm đổi quà được áp dụng, khi người dân vứt rác đúng cách, họ sẽ nhận được điểm thưởng và có thể đổi lấy các phần quà nhỏ. Điều này không chỉ tạo thói quen phân loại rác mà còn tạo sự hứng thú cho người tham gia.

Bên cạnh đó, nhóm dự án cũng nhận thức rằng không thể thực hiện dự án một mình mà cần sự hợp tác với chính quyền địa phương, các tổ chức môi trường và doanh nghiệp để lan tỏa thông điệp đến cộng đồng. Sự hỗ trợ từ các bên liên quan đã giúp dự án dễ dàng tiếp cận hơn với cộng đồng.

“Chúng tôi tổ chức các sự kiện truyền thông và giáo dục cộng đồng tại các khu vực như Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, phường Mỹ An, khu phố du lịch An Thượng và các doanh nghiệp, đồng thời cung cấp hướng dẫn chi tiết về phân loại rác và giải thích lợi ích lâu dài của hành động này.

Khi dự án được triển khai thử nghiệm tại khu vực phố du lịch An Thượng, trung tâm du lịch của thành phố Đà Nẵng, đã thu hút được đông đảo khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách du lịch từ Châu Âu. Dự án mang lại nhiều trải nghiệm thú vị và tích cực cho du khách nước ngoài, đồng thời góp phần vào nỗ lực xây dựng hình ảnh Đà Nẵng như một thành phố môi trường, thành phố thông minh và thành phố đáng sống”, nam sinh cho hay.

Hiện tại, sản phẩm thùng rác thông minh DaNa Green vẫn đang trong giai đoạn phát triển và cải tiến, Việt Hoàng cùng nhóm cộng sự thực hiện xin đặt sản phẩm tại các doanh nghiệp, các khu phố,... và chưa mở bán kinh doanh.

Sau thời gian triển khai, sản phẩm đã nhận được những phản hồi tích cực, sự đón nhận của người dân, các bạn sinh viên, học sinh và du khách nước ngoài khi bắt đầu chủ động tham gia phân loại rác. Thậm chí, nhiều người dân còn giới thiệu cho bạn bè, hàng xóm về sản phẩm.

unnamed - 2025-02-11T161420.930.png
Thùng rác thông minh của dự án DaNa Green được đặt tại 1 trung tâm Tiếng Anh tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: NVCC)

Hiện tại, Việt Hoàng và nhóm cộng sự đang có kế hoạch đưa dự án hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tái chế cà phê Lộc Nhân (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) trong việc nghiên cứu và phát triển những dự án thu gom - tái chế bã cà phê thông minh thành những sản phẩm xanh, có giá trị tới người dùng và tác động bảo vệ tới môi trường sống cũng như phát triển thêm công việc cho người dân.

Ngoài ra, nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ từ anh Trần Xuân Mới - quản lý Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) để có thể “ươm tạo” và phát triển dự án trong thực tế.

Việt Hoàng cũng hi vọng rằng, việc hợp tác cùng những doanh nghiệp có tinh thần bảo vệ môi trường sẽ góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp xanh, bảo vệ môi trường tới các bạn trẻ trên cả nước.

“Tôi luôn tin rằng một sự thay đổi lớn có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. Khởi nghiệp trong lĩnh vực môi trường, vì cộng đồng có thể không phải là con đường dễ dàng, nhưng nó thực sự rất đáng giá vì sẽ tạo ra giá trị và tác động lâu dài tới sự phát triển bền vững của xã hội.

"Thay đổi góc nhìn và bắt tay làm, chúng ta mới biết mình có khả năng thay đổi thế giới lớn đến đâu dù chỉ từ hành động nhỏ như bỏ rác vào thùng, cùng hành động để mọi ngóc ngách trên thế giới đều trong lành và đáng sống, đến cả một chiếc thùng rác cũng thấy thật đáng yêu”. Đây cũng chính là triết lý mà tôi cùng nhóm cộng sự đã theo đuổi khi xây dựng dự án DaNa Green”, Việt Hoàng bày tỏ.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát động cuộc thi viết "Sống Đẹp - Sống Xanh" với 1 giải Nhất là 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 10 triệu đồng. 2 giải Nhì: mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 5 triệu đồng tiền mặt. 3 giải Ba, mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 2 triệu đồng tiền mặt. Giải đồng hạng: 600 Voucher Sống đẹp - Sống xanh – trị giá 1 triệu đồng/ voucher để mua bất kỳ dòng xe máy điện nào của VinFast (Thời hạn sử dụng voucher: Từ 01/02/2025 - 30/9/2025) dành cho 600 tác giả có bài viết đạt chất lượng do Ban tổ chức xét qua vòng sơ loại.

Đối tượng tham gia cuộc thi viết là công dân, ưu tiên học sinh Việt Nam có tác phẩm phù hợp với nội dung cuộc thi.

Nội dung bài viết hướng tới lan tỏa, chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn, tích cực nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam văn minh, đủ tố chất là công dân toàn cầu, giữ gìn bản sắc Việt Nam; Chia sẻ những câu chuyện, những tấm gương trong việc bảo vệ môi trường xanh và phát triển bền vững của trái đất; Đưa các ý kiến, giải pháp, góp ý trong việc giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam về Sống Đẹp - Sống Xanh, đón chào kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Thời gian nhận bài: đến hết ngày 31/05/2025.

Bài viết gửi về hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc songdep@giaoduc.net.vn.

Ngọc Trâm