Đối thoại với hiệu trưởng nhà trường, dễ hay khó?

14/03/2024 07:31
Nguyễn Quân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong việc đảm bảo quy chế dân chủ tại trường học, việc tổ chức đối thoại định kì với lãnh đạo nhà trường là một nội dung quan trọng.

Việc tổ chức đối thoại với lãnh đạo nhà trường là cơ hội để nhà giáo, người lao động phát biểu tâm tư, được giải đáp các thắc mắc, nói lên nguyện vọng. Lãnh đạo nhà trường được kịp thời lắng nghe các ý kiến của nhà giáo, người lao động tránh thông tin tam sao thất bản, tháo gỡ những vấn đề phát sinh, mà đôi khi vì công việc bận rộn hoặc chủ quan không để ý, nhưng ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhà giáo. Qua đó, việc này sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng đến giải pháp các bên cùng có lợi.

2.png
Ảnh minh họa

Việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa hiệu trưởng và cán bộ, giáo viên người lao động trong trường do công đoàn thực hiện. Các buổi đối thoại được quy định với mục tiêu đảm bảo dân chủ, góp ý để giải quyết hài hòa quyền lợi giữa các bên trong nhà trường.

Việc này nghe có vẻ dễ nhưng trong thực tế triển khai ở một số nơi còn mang nặng tính hình thức, thậm chí phản tác dụng khi hiệu trưởng nhà trường mang tư tưởng cố chấp, bảo thủ và áp đặt khi trao đổi với người lao động.

Một giáo viên tại trường dân tộc nội trú một tỉnh ở khu vực Tây Nguyên kể lại quá trình đối thoại của trường cô cũng đầy chuyện ồn ào. Công đoàn được yêu cầu tập hợp các ý kiến của giáo viên, người lao động. Các ý kiến phải ghi rõ ràng của ai, tổ nào. Tại buổi đối thoại, hiệu trưởng "chiếm" gần hết diễn đàn, hoàn toàn không thấy vai trò của công đoàn, chủ tịch công đoàn ở đâu. Đáng nói, hiệu trưởng khi trả lời các ý kiến thì quay sang phê bình giáo viên rằng: "Sao lúc bình thường không nói" hay "Những ý kiến này tôi đã biết rồi nhưng tầm các thầy cô chưa hiểu nên đừng ý kiến như thế".

Có trường trung học phổ thông, khi có ý kiến được nêu ra không vừa lòng lãnh đạo, hiệu trưởng truy từ chủ tịch công đoàn, đến tổ trưởng để tìm cho ra người nêu ý kiến. Thậm chí, sau đó, hiệu trưởng gọi giáo viên lên phòng làm việc để "bóng gió" nhằm triệt tiêu các ý kiến trái chiều. Mặc dù, theo giáo viên những thắc mắc về vấn đề công khai tài chính là chính đáng và đã được quy định cụ thể trong các luật, văn bản liên quan.

Một đồng nghiệp của người viết ngao ngán kể hiệu trưởng của trường, khi được đồng nghiệp góp ý nên bớt nóng tính, không nên to tiếng với anh em, nhất là trước mặt học trò. Hiệu trưởng nghe góp ý thì thách thức ngược lại rằng: “Tính tôi nó thế, không sửa được, ai không chịu được thì cứ xin chuyển trường”.

Thậm chí, có hiệu trưởng còn tìm cách làm ngược với ý kiến đóng góp trong các buổi đối thoại. Ví dụ giáo viên có ý kiến về việc trực 15 phút đầu giờ, thay vì lắng nghe, giải đáp thì ngược lại, hiệu trưởng ra lệnh giáo viên phải trực thêm cuối giờ. Giáo viên có ý kiến về mặc áo dài trời mưa bất tiện thì yêu cầu có mặt ở trường bất kì lúc nào, thời tiết nào cũng phải áo dài, áo vest. Tất cả nhằm làm triệt tiêu các ý kiến đóng góp của giáo viên. Điều này làm căng thẳng, ức chế cho đội ngũ.

Người viết có cơ hội được đồng nghiệp ở không ít trường trung học phổ thông chia sẻ về biên bản đối thoại định kì. Phần nội dung các ý kiến góp ý đều để trống hoặc ghi là “không có ý kiến”. Thiết nghĩ, một trường học trong quá trình hoạt động sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra. Không có ý kiến đối thoại nào là người lao động đều hài lòng hay giáo viên, người lao động không dám hoặc không muốn cho ý kiến?

Về lý, việc tổ chức đối thoại định kì đã được quy định cụ thể trong Bộ Luật lao động 2019 và Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Căn cứ vào các quy định, hướng dẫn liên quan, các tổ chức công đoàn cơ sở, ban thanh tra nhân dân trong trường học cần phải phát huy hơn nữa vai trò của mình, là cầu nối vững chắc cho người lao động và lãnh đạo trường.

Đối thoại dễ hay khó, cởi mở thân thiện hay căng thẳng phải đến từ 2 phía. Đầu tiên cần tinh thần cầu thị, dũng cảm lắng nghe các ý kiến đóng góp và có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp từ hiệu trưởng nhà trường. Các ý kiến đóng góp của giáo viên, người lao động mang tính xây dựng, góp ý chân thành, tránh "bới lông tìm vết" có như vậy mới giúp cơ sở giáo dục đoàn kết, phát triển, tạo môi trường hạnh phúc cho lãnh đạo, giáo viên, nhân viên làm việc. Điều này cũng góp phần trực tiếp nâng cao hiệu quả dạy và học. Không thể có trường học hạnh phúc nếu mỗi thầy cô không yên tâm công tác, không cảm thấy được lắng nghe, được tôn trọng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Quân