Điểm xét tuyển học bạ chạm ngưỡng 30: Trường đại học nói gì?

09/07/2024 06:25
Lương Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công bố điểm xét tuyển học bạ năm 2024. Trong đó, có nhiều ngành/ chương trình đào tạo, mức điểm chạm ngưỡng tuyệt đối.

Những năm gần đây, xét tuyển bằng kết quả học tập trung học phổ thông (xét tuyển học bạ) được nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tuyển sinh. Đáng chú ý, năm 2024, nhiều trường có mức điểm xét tuyển học bạ lên tới 30 điểm.

Chỉ xét học bạ với nhóm thí sinh "chất lượng cao"

Theo thông tin đăng tải trên website, Trường Đại học Ngoại thương sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ) với 2 trường hợp. Thứ nhất là xét điểm học bạ với thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi tỉnh, thành phố và thí sinh hệ chuyên các trường trung học phổ thông. Thứ hai là xét tuyển kết hợp điểm học bạ với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc điểm bài thi ACT, SAT, A-Level.

Trong đó, phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập trung học phổ thông đối với các thí sinh đạt giải học sinh giỏi tỉnh, quốc gia và hệ chuyên có mức điểm khá cao.

Cụ thể, tại cơ sở Hà Nội, một số chương trình đào tạo có điểm chuẩn lên tới 30 điểm là chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh (30,3 điểm); Chương trình tiêu chuẩn kinh tế đối ngoại (30,3 điểm); Chương trình tiêu chuẩn thương mại quốc (30.3 điểm); Chương trình tiêu chuẩn kinh tế quốc tế (30,2 điểm)...

Tại cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế logistics và quản lý chuỗi cung ứng và chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế truyền thông marketing tích hợp cũng có điểm xét tuyển học bạ lên tới 30 điểm.

unnamed.jpg
Mức điểm chuẩn xét tuyển bằng học bạ của Trường Đại học Ngoại thương năm 2024. (Ảnh chụp màn hình)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Ngoại Thương cho biết: Nhà trường đã quy định rõ công thức tính điểm đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông trong đề án tuyển sinh.

Với phương thức này thí sinh đạt giải học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia và trường chuyên có điểm xét tuyển kết quả học tập trung học phổ thông một số ngành cao vì nhà trường tính điểm trung bình 5 học kỳ (trừ học kỳ II lớp 12) của ba môn trong tổ hợp xét tuyển (tối đa 30 điểm) cộng với điểm ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cộng thêm điểm thí sinh có giải học sinh giỏi tỉnh (tối đa 2 điểm) và giải quốc gia (tối đa 4 điểm). Như vậy, tối đa các thí sinh có thể đạt mức điểm là 32 và 34 điểm (chưa tính điểm cộng ưu tiên khu vực).

“Hầu hết các bạn trúng tuyển bằng phương thức xét điểm học tập trung học phổ thông tại trường có chất lượng học tập rất tốt. Nhà trường không xét tuyển học bạ với tất cả học sinh mà chỉ xét tuyển đối với những thí sinh có kết quả thi học sinh giỏi tỉnh, thành phố, học sinh giỏi quốc gia hoặc trường chuyên. Đó là những thí sinh đã có thành tích rất cao trong quá trình học tập tại trường trung học phổ thông.

Dựa trên số lượng thí sinh đăng ký và chỉ tiêu của từng phương thức, ngưỡng điểm nhà trường công bố là ngưỡng điểm đáp ứng chỉ tiêu của nhà trường”, cô Hiền thông tin.

GDVN-DSC04197.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương. (Ảnh: Minh Chi)

Điểm xét tuyển cao chính là yếu tố phân loại thí sinh

Năm 2024, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng sử dụng 6 phương thức xét tuyển, bao gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng của trường; xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông (xét tuyển học bạ); xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Trong đó phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập trung học phổ thông được áp dụng để xét tuyển cho 32/37 ngành. Điểm chuẩn học bạ của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng có ngành tới 28,83 điểm, nhiều ngành lấy trên 27 điểm là Kỹ thuật Cơ điện tử, Công nghệ sinh học, Kỹ thuật điện tử - viễn thông…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho biết: Năm 2024, nhà trường tuyển 3.650 chỉ tiêu chính quy cho 37 ngành. Phương án tuyển sinh trong năm 2024 của trường cơ bản ổn định như các năm trước.

Trong đó phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông được áp dụng để xét tuyển cho 32/37 ngành, chuyên ngành với 590 chỉ tiêu, giảm 30 chỉ tiêu so với năm 2023. Số lượng nguyện vọng đăng ký vào các ngành của trường theo phương thức xét tuyển học bạ là 9055, tăng khoảng 30% so với năm 2023. Nhà trường đã xét tuyển và công bố kết quả vào ngày 21/6/2024, điểm trung bình các ngành xét tuyển học bạ là 24,74 tăng nhẹ so với năm 2023 (24,47) và năm 2022 (24,54).

Như vậy, để đủ điều kiện trúng tuyển các ngành của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, thí sinh phải đạt điểm trung bình học tập mỗi môn khoảng 8,25 điểm. Đây là một điểm số khá cao ở bậc trung học phổ thông, qua đó thể hiện mức độ cạnh tranh tương đối cao để có suất trúng tuyển vào trường.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: website nhà trường)

Về vấn đề chênh lệch điểm xét tuyển đầu vào giữa các ngành, theo thầy Hiếu đây không phải là vấn đề riêng của Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng mà là thực trạng chung của rất nhiều cơ sở đào tạo khác hiện nay. Và vấn đề chênh lệch điểm đầu vào cũng không chỉ xuất hiện ở phương thức xét tuyển học bạ mà ở tất cả các phương thức khác.

Thực trạng này xuất phát từ xu hướng ngành nghề của xã hội. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao; nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam là nơi đầu tư và là cứ điểm sản xuất. Nhu cầu nhân lực đối với một số ngành “hot” trong thời gian tới dự báo sẽ tăng cao. Do đó sự quan tâm của xã hội đối với các ngành này cũng tăng cao. Ngược lại, đối với một số ngành, lĩnh vực truyền thống (xây dựng, giao thông vận tải, công trình thủy lợi…) sẽ ít được thí sinh quan tâm hơn. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng của các ngành này hiện nay vẫn đang rất cao. Do số lượng thí sinh nộp hồ sơ cũng như tỷ lệ cạnh tranh của các nhóm ngành khác nhau nên dẫn tới sự chênh lệch trong điểm đầu vào là điều tất yếu.

Cũng theo thầy Hiếu, lấy điểm xét tuyển học bạ cao giúp trường phân loại được thí sinh, tuyển được các thí sinh có chất lượng phù hợp với tiêu chí đào tạo, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của từng chương trình đào tạo, lĩnh vực đào tạo và từ đó quyết định chất lượng đào tạo sau này. Tuy nhiên nếu một số ngành có điểm đầu vào quá cao, sẽ dẫn tới tâm lý e ngại của các thí sinh trong những năm tuyển sinh tiếp sau, dẫn tới ảnh hưởng tới nguồn tuyển cho các năm sau.

Tương tự, năm 2024, Trường Đại học Luật Hà Nội tuyển sinh sớm bằng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông đối với 5 ngành đào tạo, xét tuyển nhiều tổ hợp khác nhau. Trong đó, điểm chuẩn trúng tuyển học bạ vào cơ sở chính tại Hà Nội dao động từ 26,86 – 30 điểm.

Ngành Luật kinh tế tổ hợp A00 và A01 lấy điểm chuẩn tuyệt đối 30 điểm. Năm 2023, ngành này có tổ hợp A00 cũng lấy điểm tuyệt đối là 30 điểm. Một số ngành khác đào tạo tại cơ sở Hà Nội điểm chuẩn học bạ cũng tương đối cao như: ngành Luật xét tổ hợp A00 là 28,76; Luật Thương mại quốc tế xét tuyển tổ hợp A01 là 29,08 điểm; Ngôn ngữ Anh xét tổ hợp A01 với 27,7 điểm.

Tại phân hiệu Đắk Lắk, mức điểm xét kết quả học bạ trung học phổ thông thấp hơn cơ sở Hà Nội khá nhiều, chỉ từ 22,51-23,14 điểm.

unnamed-1.png
Điểm chuẩn phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học bạ của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2024. (Ảnh chụp màn hình)

Với Học viện Ngân hàng, 8 chương trình đào tạo chất lượng cao có điểm chuẩn xét học bạ dao động từ 36-39,9/40 điểm. Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Marketing số với 39,9/40 điểm, kế tiếp là ngành Kinh doanh quốc tế với 39,01/40 điểm. Ngành xét tuyển có điểm thấp nhất là ngành Kinh tế đầu tư với 36/40 điểm.

unnamed (3).png
unnamed (4).png
Điểm chuẩn phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học bạ của Học viện Ngân hàng năm 2024. (Ảnh chụp màn hình)

Theo đó, chương trình đào tạo chuẩn, Học viện Ngân hàng có 16 ngành, mức điểm dao động từ 27 – 29,9/30 điểm. Đáng chú ý, học viện có 8 ngành cùng một mức điểm chuẩn là 29,9/30 điểm gồm Ngân hàng, Kiểm toán, Ngân hàng số, Tài chính, Công nghệ tài chính, Kinh doanh quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Luật kinh tế.

Đối với chương trình đào tạo quốc tế có điểm chuẩn dao động từ 25,5 – 28/30 điểm.

Lương Hiền