Điểm chuẩn khối kinh tế của 3 trường top phía Bắc, có ngành lấy 9,53 điểm/môn

16/09/2022 11:37
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Năm nay, điểm chuẩn khối ngành kinh tế ở các trường hầu hết luôn ở mức rất cao, có ngành thí sinh đạt 9,5 điểm vẫn không đỗ.

Từ ngày 15/9, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển từ điểm thi trung học phổ thông 2022. Theo đó, hiện nay khối ngành Kinh tế đang giữ mức điểm trúng tuyển ở ngưỡng cao, thậm chí là cao nhất tại một số trường đại học.

Ba trường top đầu khối ngành kinh tế ở phía Bắc là trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Ngoại thương và trường Đại học Thương mại đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2022, trong đó nhiều ngành có mức điểm gần như "chạm trần".

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông báo điểm chuẩn trúng tuyển vào đại học chính quy, phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học năm 2022.

Theo đó, năm nay, điểm chuẩn của trường dao động từ 26,10 đến 28,60 điểm, nhiều ngành giảm nhẹ so với năm 2021.

Ngành lấy điểm cao nhất là Quan hệ công chúng với 28,6 điểm, như vậy trung bình mỗi môn thí sinh cần đạt 9,53 điểm mới đỗ.

Một số ngành có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên như: Marketing, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Kiểm toán, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Theo đề án tuyển sinh của trường Đại học Kinh tế quốc dân, năm nay trường sẽ tuyển 6.100 sinh viên theo 4 phương thức: Tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục, xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường (tổng 63% chỉ tiêu), xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 (35%), xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy (2%).

Chi tiết xem tại đây:

Trường Đại học Ngoại thương

Nhìn chung điểm chuẩn năm nay của trường Đại học Ngoại thương khá cao, giao động từ 23,5 điểm đến 36,6 điểm.

Ở cơ sở Hà Nội, ngành Kinh tế đối ngoại có điểm chuẩn cao nhất với 28,4 điểm, như vậy thí sinh phải đạt trung bình 9,46 điểm mỗi môn.

Xét theo thang điểm 40, ngành ngôn ngữ Trung có điểm cao nhất là 36,60 điểm. Các ngành còn lại giao động ở mức 35 điểm đến 36,4 điểm.

Ở cơ sở Hồ Chí Minh, điểm chuẩn các ngành đều là 28,25 điểm.

Ở cơ sở Quảng Ninh, điểm chuẩn thấp nhất so với 2 cơ sở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với điểm trúng tuyển là 23,5 điểm.

Năm nay, ngành Kinh tế đối ngoại cơ sở Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất với 28,4 điểm, trung bình 9,46 điểm mỗi môn.

Năm nay, trường Đại học Ngoại thương vẫn giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh như năm 2021. Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 4050 chỉ tiêu cho cả ba cơ sở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh, tăng nhẹ so với mức 3.990 của năm ngoái.

Chi tiết xem tại đây:

Trường Đại học Thương mại

Trường Đại học Thương mại đã chính thức công bố điểm trúng tuyển theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 cho 22 ngành và chuyên ngành mà trường đào tạo.

Theo đó, năm nay điểm chuẩn của trường giao động từ 25,8 điểm đến 27 điểm. Ba ngành có điểm chuẩn cao nhất là 27 điểm gồm: Marketing, Logistics và Thương mại điện tử. Năm ngoái, các ngành này đều có mức điểm chuẩn vượt trên 27 điểm.

Các ngành có cùng điểm chuẩn là 25,8 là Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Luật Kinh tế...

Năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh Trường Đại học Thương mại là 4.150 chỉ tiêu, so với năm 2021 chỉ tiêu này về cơ bản không có sự thay đổi.

Chi tiết xem tại đây:

Trước đó, tại khu vực phía Nam, trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Theo ghi nhận của phóng viên, năm nay điểm chuẩn của trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh khá cao, đáng chú ý nhiều ngành có điểm chuẩn tăng cao so với năm ngoái như ngành Kinh doanh nông nghiệp có điểm chuẩn 25,8 - tăng 3,8 điểm; ngành Kế toán chương trình tài năng có điểm chuẩn là 27,5 - tăng 5,5 điểm.

Nhiều ngành của trường này có điểm chuẩn từ 27 trở lên như: Kinh doanh quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Marketing, Kiểm toán, Hệ thống thông tin quản lý, Thương mại điện tử, Công nghệ truyền thông…

Doãn Nhàn