Dịch thế này đừng bắt học sinh tiểu học đến trường kiểm tra, để thầy cô đánh giá

14/12/2021 09:02
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không tổ chức kiểm tra định kỳ mà vẫn đánh giá chính xác chất lượng học tập, điều này tránh được áp lực cho học sinh và tạo điều kiện để thầy cô kèm học sinh yếu.

Ngày 13/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 5766/BGDĐT-GDTT về việc “Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch Covid-19”.

Công văn nêu rõ, việc kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện theo quy định hiện hành, đảm bảo đánh giá đúng chất lượng học tập của người học, linh hoạt trong tổ chức thực hiện khi ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, đối với các lớp 3, lớp 4, lớp 5, bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và phù hợp với tình hình phòng dịch Covid-19 tại địa phương vào thời điểm tổ chức đánh giá.

Giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học thường theo sát học sinh mỗi ngày (Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn)

Giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học thường theo sát học sinh mỗi ngày (Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn)

Đối với lớp 1, lớp 2, việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp. Điều này, nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp.

Trước khi thực hiện các bài kiểm tra môn toán, tiếng Việt, các trường cần chia nhỏ số học sinh/lớp để hướng dẫn ôn tập, củng cố kiến thức, định hướng nội dung cốt lõi cần nắm chắc.

Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng Giáo dục và Đào tạo để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện.

Học trực tuyến, kiểm tra trực tiếp có tạo áp lực cho học sinh?

Tính tới thời điểm này, nhiều địa phương ở phía Nam học sinh đã nghỉ học khoảng 7 tháng trời. Với học sinh lớp 1, chưa một lần được đến trường, chưa biết mặt cả thầy cô. Các em được học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế (có học vẫn còn hơn không) chứ chất lượng cũng khá thấp.

Hiện diễn biến dịch bệnh nhiều nơi vẫn chưa ổn định, vì thế ngày trở lại trường của các em cũng chưa biết đến bao giờ. Công văn 5766/BGDĐT-GDTT không có gì đổi mới trong tình hình dịch bệnh, vẫn yêu cầu các nhà trường thực hiện việc kiểm tra, đánh giá học sinh theo quy định hiện hành.

Nghĩa là học sinh tiểu học bắt buộc phải trải qua 4 lần kiểm tra định kỳ (lớp 1 và lớp 2 có 2 lần kiểm tra) với khá nhiều môn học như tiếng Việt, toán, khoa học, lịch sử và địa lý, ngoại ngữ, tin học.

Kiểm tra trực tuyến với các em tiểu học, kết quả sẽ không chính xác vì nhiều phụ huynh thường làm bài thay con. Kiểm tra trực tiếp khi mới trở lại trường sẽ tạo áp lực không nhỏ đối với các em và gia đình.

Sau thời gian học trực tuyến tại nhà, ngày các em đi học lại giáo viên sẽ rất vất vả phân loại học sinh để có biện pháp hỗ trợ sao cho hiệu quả. Các thầy cô sẽ phải mất rất nhiều thời gian nỗ lực để ôn tập, phụ đạo mới mong giúp các em lấp lại những lỗ hổng về kiến thức.

Tuy nhiên, áp lực kiểm tra định kỳ giáo viên sẽ không còn nhiều thời gian kèm cặp học sinh mà lao vào ôn tập (một cách hỗ trợ theo kiểu "hớt ngọn"), còn học sinh đã không được phụ đạo đã phải lao vào ôn tập cũng sẽ rất mệt mỏi.

Nên trao quyền đánh giá học sinh cho giáo viên

Khi quy định học sinh lớp 1, lớp 2 phải kiểm tra trực tiếp Bộ Giáo dục đã yêu cầu kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực để hướng tới chất lượng thật.

Tuy nhiên, nếu không tổ chức kiểm tra trực tiếp hoặc trực tuyến đối với học sinh tiểu học mà giao quyền đánh giá cho giáo viên, liệu có kết quả chính xác và công bằng hay không?

Phải khẳng định ngay rằng, không cần tổ chức kỳ kiểm tra định kỳ với học sinh tiểu học thì giáo viên vẫn sẽ đánh giá chất lượng học tập, rèn luyện của từng em một cách chính xác nhất.

Bởi, các thầy cô giáo chủ nhiệm bậc tiểu học có lợi thế hơn nhiều các cấp học khác khi dạy gần hết các môn học của học sinh ở trường, ngày nào cũng có tiết giảng dạy nên thời gian gần gũi các em rất nhiều.

Vì thế, các thầy cô là người biết rõ năng lực học tập cũng như việc rèn luyện phẩm chất đạo đức của từng em nên việc đánh giá còn chính xác hơn nhiều những kỳ tổ chức kiểm tra.

Phát huy triệt để lợi thế của Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT trong việc đánh giá thường xuyên

Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT chú trọng nhiều đến việc đánh giá thường xuyên kết hợp đánh giá định kỳ bằng điểm số nhưng thông tư vẫn nhấn mạnh trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất."

"Điều 4. Yêu cầu đánh giá" trong Thông tư 22 quy định

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 Điều 4 như sau:

"1. Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan."

"3. Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kì bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất."

Trong thực tế, nếu ở các lần kiểm tra định kỳ bằng điểm số nếu học sinh đạt điểm số cao hoặc thấp bất thường (quá chênh lệch với đánh giá thường xuyên của giáo viên), nhà trường vẫn sẽ tổ chức cho học sinh kiểm tra lại để mang tính chính xác.

Theo đó, với học sinh tiểu học thì đánh giá thường xuyên bằng nhận xét vẫn là quan trọng nhất. Những điểm số trong 2 lần kiểm tra (với lớp 1,2,3) và 4 lần kiểm tra với lớp (4 và 5) gần như chỉ mang tính chất tham khảo.

Vậy nên, chúng tôi cho rằng với những năm dịch bệnh mà học sinh không thể tới trường, chủ yếu học online, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trao quyền cho giáo viên trực tiếp đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức như cho làm bài khảo sát nhẹ, đánh giá bằng các câu hỏi vấn đáp, bằng sự theo dõi trong suốt cả quá trình học tập của các em.

Không cần tổ chức các kỳ kiểm tra định kỳ nhưng vẫn đánh giá chính xác chất lượng học tập, điều này không chỉ tránh được áp lực cho học sinh mà còn tạo điều kiện để thầy cô giáo có thêm nhiều thời gian phụ đạo học sinh yếu, kém.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên