Đến thời điểm này, cả nước chỉ mới có vài tỉnh tổ chức thi tuyển 10 như An Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bình Dương, Lào Cai… và một số lớp chuyên thuộc các trường đại học. Đa phần các tỉnh chưa tổ chức thi tuyển, thậm chí có những tỉnh thành phải hoãn kỳ thi vào phút chót vì dịch bệnh Covid-19.
Dù khó khăn là vậy nhưng hình như các tỉnh vẫn duy trì kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 chứ không có ý định xét tuyển. Tính đến thời điểm này, chúng ta chỉ mới thấy duy nhất tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu là chuyển sang phương án xét tuyển, tỉnh này chỉ giữ lại phương án thi tuyển đối với trường Trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn mà thôi.
Thực tế cho thấy, dù các tỉnh đã lên phương án tổ chức thi tuyển nhưng trong trường hợp bất khả kháng như hiện nay thì cần mạnh dạn chuyển sang hình thức xét tuyển, chỉ cần tổ chức thi tuyển đối với khối trường chuyên khi mà dịch bệnh đã được kiểm soát tốt là phù hợp nhất.
Nếu các tỉnh tiếp tục duy trì kỳ thi nhưng hiện nay có nhiều tỉnh còn chưa xác định thời gian thi thì không chỉ làm cho các thí sinh lo lắng khi phải kéo dài thời gian ôn thi mà thực tế đối với những trường ít thí sinh dự thi thì thi hay xét tuyển cũng chẳng thay đổi được số lượng tuyển đầu vào.
Thí sinh làm bài thi môn chuyên Tin học ở An Giang (Ảnh minh họa: Báo An Giang) |
Tỉ lệ chọi cao ở kỳ thi tuyển sinh 10 chủ yếu nằm ở khối trường chuyên
Thực tế, nếu như không có dịch bệnh xảy ra như hiện nay thì phương án tổ chức thi tuyển là công bằng và khách quan nhất cho thí sinh. Tổ chức thi thì những thí sinh dự thi dù đậu hay rớt cũng không phải oán thoán, băn khoăn gì cả nhưng trong lúc dịch bệnh như thế này thì phương án xét tuyển cũng là một phương án phù hợp.
Bởi, những thí sinh đã đăng ký dự thi tuyển sinh 10, phần lớn các em đã đủ điều kiện để dự thi. Những em yếu hơn đã được nhà trường phân luồng từ khi chưa làm hồ sơ rồi nên phần lớn những em dự thi đều là những em có học lực tốt nhất ở các nhà trường.
Hơn nữa, suốt học kỳ I và gần hết học kỳ II thì mọi chuyện dạy và học ở các nhà trường diễn ra trong điều kiện tương đối bình thường. Chỉ có một số tỉnh phía Bắc thì cận kỳ thi học kỳ II mới phải nghỉ vì dịch bệnh.
Nhưng, phần lớn học sinh lớp 9 đã được dạy trước chương trình nên việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập phần lớn là trong điều kiện bình thường.
Các trường dạy để học sinh thi chứ không phải dạy để hướng tới xét tuyển nên việc một số người lo lắng có trường chạy theo điểm số để xét tuyển là gần như không xảy ra.
Lúc này, học sinh đã làm hồ sơ dự thi và công việc này cũng được các trường hoàn tất, thậm chí có những tỉnh cận ngày thi mới được thông báo hoãn thi nên tâm lý thí sinh là học để thi nên chất lượng đầu vào cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Chuyện sửa học bạ như một số ý kiến lo ngại cũng không thể xảy ra được vì không ai dám sửa học bạ cho học trò cả 4 năm học vì nó liên quan mỗi năm có tới hơn 10 giáo viên đứng lớp.
Không có Ban giám hiệu nào lại đánh đổi sự nghiệp của họ để làm việc này. Bởi suốt 4 năm học, liên quan đến mấy chục giáo viên và ríc rắc với rất nhiều sổ sách, giấy tờ liên quan đang được lưu trữ của nhà trường.
Chính vì thế, việc chuyển từ hình thức thi tuyển sang xét tuyển học bạ cả 4 năm học là điều khả thi trong lúc này để hạn chế việc tập trung đông người, hạn chế tối đa tình huống xấu có thể xảy ra.
Suy cho cùng, các trường trung học phổ thông hiện nay ở các địa phương chỉ có những trường chuyên, trường điểm là có tỉ lệ chọi cao mà mỗi tỉnh thì có được mấy trường như vậy.
Vì thế, các tỉnh chỉ cần thi tuyển đối với những trường chuyên, trường điểm. Các trường còn lại nên xét tuyển sẽ nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và học sinh cũng như các nhà trường.
Những năm qua, nhiều trường ở khu vực nông thôn, những trường huyện có khi số lượng thí sinh đăng ký dự thi còn ít hơn số lượng tuyển đầu vào vì mỗi huyện luôn có ít nhất là 2-3 trường, có huyện đến 7-8 trường Trung học phổ thông thì lấy đâu ra thí sinh dự thi nên tình trạng lấy điểm đầu vào dưới 10 điểm/ 3 môn khá phổ biến.
Thậm chí có trường chỉ lấy 0,58 điểm/ môn đã xảy ra ở kỳ thi năm trước ở Thanh Hóa.
Xét tuyển lúc này sẽ có nhiều cái lợi
Thực ra, số lượng tuyển lớp 10 cho năm học 2021-2022 của mỗi trường Trung học phổ thông là bao nhiêu thì Sở đã phân bố từ đầu học kỳ II, số lượng thí sinh dự thi bao nhiêu thì cũng được các trường tổng hợp, chốt danh sách cách đây cả tháng trời rồi.
Điều này có nghĩa là trong số lượng đó, đậu bao nhiêu, rớt bao nhiêu thì nó cũng đã có số liệu rõ ràng. Chỉ khác, thi tuyển thì nó đỡ vất vả hơn cho các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở. Vì bây giờ nếu xét tuyển thì các trường phải tập hợp hồ sơ, phải thành lập Hội đồng xét tuyển.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì thí sinh không phải dự thi, không phải phấp phỏm chờ đợi…mà chờ đợi nhiều khi không biết đến lúc nào mới tham dự được.
Các tỉnh thì không phải đầu tư một khoản tiền khá lớn để thành lập Hội đồng ra đề, in sao đề; Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi lên đến cả mấy ngàn con người.
Nhưng, cái lợi lớn nhất là tạo cho phụ huynh, học sinh và ngay cả với giáo viên được điều động đi coi thi, chấm thi một sự thoải mái, không nơm nớp lo sợ dịch bệnh xảy ra với mình.
Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng các tỉnh cần nhanh chóng đưa ra phương án tuyển sinh 10 một cách dứt khoát, rõ ràng như An Giang khi mạnh dạn thay đổi kế hoạch thi tuyển sớm hơn 1 tuần so với dự kiến và lúc này thì đã đang chấm thi.
Hoặc, như tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu chỉ tổ chức thi đối với trường Trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn, còn lại xét tuyển...
Có lẽ, lúc này thì các tỉnh khác chưa thi cũng nên làm như Bà Rịa- Vũng Tàu là phù hợp nhất. Tổ chức thi tuyển đối với trường chuyên thì quy mô nhỏ hơn, lúc nào thấy thuận lợi nhất thì tổ chức thi, còn lại nên xét tuyển để tạo sự an tâm cho thí sinh và phụ huynh.
Đồng thời, cũng tạo sự thuận lợi, chủ động cho các trường Trung học phổ thông tuyển sinh đầu vào cho năm học tới để đến đầu tháng 7 tới đây thì giáo viên các trường này sẽ bước vào coi thi, chấm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.