Đi vận động HS vùng cao đến lớp, có phụ huynh thấy GV, họ thả chó để không tiếp

17/12/2022 06:38
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  "Có trường hợp khi thấy giáo viên đến nhà, họ thả chó để không tiếp chúng tôi", cô Vũ Thị Ý cho hay.

13 năm qua, dù nắng mưa, gió rét, mỗi ngày cô giáo Vũ Thị Ý đều vượt qua chặng đường 16 cây số quanh co, khúc khuỷu để đến giảng dạy tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Xín Cái, Mèo Vạc, Hà Giang, nơi thuộc diện khó khăn của huyện.

Từng là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh khi còn công tác ở trung tâm huyện, nên khi về vùng khó khăn, hẻo lánh, cô đã mang kiến thức, kinh nghiệm của bản thân để truyền đạt cho các em học sinh ở Xín Cái.

Nhiều thế hệ học trò đã được cô bồi dưỡng, trở thành những hạt nhân tham dự kì thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Để có được kết quả đó, cô cũng như các đồng nghiệp đều vượt qua hành trình đi vận động các trò đến trường đầy gian nan.

Đến nhà vận động, phụ huynh thả chó

Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Xín Cái là trường thuộc vùng khó khăn 135, gần biên giới với nhiều dân tộc thiểu số, học sinh được nhà nước hỗ trợ trong quá trình ăn, học tại trường. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn không muốn con em họ đi học, mà ở nhà phụ giúp gia đình.

Cô Vũ Thị Ý cho hay, để vận động được các em học sinh đến trường là một chặng đường đầy gian nan. (Ảnh: NVCC)

Cô Vũ Thị Ý cho hay, để vận động được các em học sinh đến trường là một chặng đường đầy gian nan. (Ảnh: NVCC)

Cô Ý cho hay, bố mẹ của học sinh thường đi làm xa nhà, nên các em được phó mặc cho giáo viên khi đến trường. Nếu các em không đến lớp sẽ được cho ở nhà đi cắt cỏ cho trâu, bò, trông nom các em...

"Có những lần đi vận động phụ huynh cho con em đến lớp, đường đi khúc khuỷu khiến chúng tôi ngã xe. Có những tối không kịp về, chúng tôi xin ở điểm trường tại đây hoặc nhà dân, nhưng cũng hiếm khi bởi sẽ ảnh hưởng đến buổi dạy học hôm sau", cô Ý nhớ lại.

Nữ giáo viên cho hay, để tạo sự thiện cảm đối với các phụ huynh, nhiều các cô mua bánh kẹo cho các em. Tuy nhiên, sau khi đến trường học tập, có em lại trốn về.

Một vài năm nay, việc liên lạc cũng dễ dàng hơn khi phụ huynh đã có điện thoại, nhưng nếu họ không nghe, giáo viên bắt buộc phải đến tận nơi. Đã đến, là giáo viên phải cố gắng thuyết phục phụ huynh đồng ý.

"Có trường hợp khi thấy giáo viên đến nhà, họ thả chó để không tiếp chúng tôi", cô Ý cho hay.

Quyết tâm bám lớp, bám trường, gieo con chữ cho học sinh

Sinh ra trong gia đình nghèo có 7 anh chị em ở Vị Xuyên (Hà Giang), Vũ Thị Ý là người con duy nhất được ăn học đến nơi đến chốn. Tuy nhiên khi biết được tin con gái lên Mèo Vạc công tác, nơi còn nhiều khó khăn, mẹ đã khuyên ngăn cô đừng đi nữa. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, cô vẫn quyết định về Mèo Vạc công tác với hai ngày trời đi xe ca, say ngất ngưởng.

Nhớ về chuyến công tác đầu tiên tại điểm trường xóm Mù, đến đêm nữ giáo viên ngủ lại ở nhà sàn của dân nhưng không thể ngủ được do bọ gà ở phía dưới bò lên cắn.

Công tác được 6 năm, cô Ý được tham gia kì thi giáo viên giỏi cấp huyện, rồi đến giáo viên giỏi cấp tỉnh. Để đạt được thành tích đó, bản thân cô phải hoàn thành công việc cấp trên giao. Ngoài ra, là sự giúp đỡ đồng nghiệp để cùng tiến bộ.

"Ở cương vị nào, bản thân tôi đều phải cố gắng hết sức mình, nhiều khi quên cả việc nhà. Ngày đó không có máy tính, có những đêm viết sáng kiến phương pháp giảng dạy, tôi phải viết đi viết lại nhiều lần nếu sai chỉ một chữ", cô Ý chia sẻ.

Cô Ý chụp ảnh cùng học sinh trong buổi khai giảng năm học. (Ảnh: NVCC)

Cô Ý chụp ảnh cùng học sinh trong buổi khai giảng năm học. (Ảnh: NVCC)

Về Trường tiểu học Xín Cái, cô Ý gánh vác nhiều nhiệm vụ như về công đoàn, tổ chuyên môn, ban chi ủy…

"Phương pháp giảng dạy đối với học sinh trên này, là phải nắm được đối tượng học sinh. Đối với học sinh thị trấn thì phải dạy bài bản, còn đối với học sinh trong này phải đào sâu ôn luyện, phân tích đi phân tích lại, ngoài những giờ chính khóa còn ôn luyện thêm cho các em.

Đối với học sinh của lớp tôi lúc nào cũng phải đi sớm và về muộn. Có những hôm mải dạy học khi đi về chỉ còn một mình mình", nữ giáo viên 33 năm kinh nghiệm trong ngành chia sẻ.

Khi cô Ý về trường công tác, nhà trường có học sinh đi thi học sinh giỏi. Có những tối cô và trò cùng ôn đến 10 giờ mới nghỉ. Trước khi lên lớp, học sinh lại được giáo viên ôn luyện bài tập.

"Nếu ai bận công việc gia đình, không có lòng nhiệt huyết sẽ không thể nào gieo được những hạt giống đẹp như vậy. Nhiều bạn bè đồng nghiệp nói tôi, bà này già rồi còn làm làm gì", cô Ý nhớ lại.

Công tác trong ngành đã 33 năm cô Ý đã ươm mầm được nhiều lớp thế hệ học sinh, với sự cố gắng nỗ lực đó, vừa qua cô đã được Bộ Giáo dục tặng bằng khen giáo viên tiêu biểu.

Cũng là giáo viên giảng dạy tại xã Xín Cái, thầy Vừ Mí Pó (giáo viên dạy Thể dục, Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Xín Cái), cũng đã vượt qua nhiều khó khăn tại nơi đây để được nhận bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tại chương trình Chia sẻ cùng thầy cô vào năm 2019.

Thầy Pó cho biết, để đạt được thành tích trên, đó là sự ghi nhận đánh giá quá trình công tác của bản thân. Bên cạnh chuyên môn về môn Thể dục, thầy Pó cũng làm công tác đoàn đội.

"Điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn nhiều khi tôi mới về công tác. Về loa máy, nhà trường cũng mua loa kéo để các em nghe cho được rõ. Trang phục biểu diễn nhà trường cũng không có, nên phải đi thuê để tập luyện, biểu diễn. Bên cạnh đó, thời tiết ở nơi đây cũng rất khắc nghiệt", thầy Pó chia sẻ.

Mạnh Đoàn