Tôi theo nghề dạy học vì thấy bố làm giáo viên vùng cao được yêu thương, quý mến

09/12/2022 06:45
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không có hoa rực rỡ sắc màu, món quà của những em học sinh dành cho các giáo viên vùng cao vào các dịp lễ, tết là những túi gạo giản dị nhưng đầy ấm áp.

Đó là câu chuyện đầy xúc động của cô giáo Cao Thị Thu Hà, hiện đang là giáo viên tại một điểm trường ở Bản Hà Nôông của Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về lý do lựa chọn công việc dạy học tại trường vùng khó, cô Hà cho hay:

“Ngay từ hồi còn bé, chứng kiến cảnh bố tôi làm giáo viên vùng cao quá đỗi vất vả, bởi vậy bản thân tôi không hề có ý định sẽ bước theo con đường này. Cũng có thời điểm, tôi muốn theo đuổi nghề thiết kế thời trang, tự làm chủ kinh doanh để đảm bảo nguồn thu nhập kinh tế hơn.

Cô Cao Thị Thu Hà, giáo viên tại điểm trường ở Bản Hà Nôông của Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình (Ảnh: NVCC).

Cô Cao Thị Thu Hà, giáo viên tại điểm trường ở Bản Hà Nôông của Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, những lúc nhìn thấy người dân xung quanh yêu thương, quý mến bố rất nhiều, lúc cho măng, lúc cho gạo, lúc thì rau... tự nhiên tôi cảm thấy yêu con người ở vùng đất khó khăn, cằn cỗi này đến lạ!

Thế là không biết từ lúc nào tôi lại tiếp nối con đường của bố. Nhiều người nói lương giáo viên dạy trên vùng dân tộc cao lắm, hơn cả dưới dưới xuôi, nhưng ai đã làm việc trên này rồi mới hiểu được sự vất vả của các thầy cô như thế nào”, cô Hà chia sẻ.

Dù mới dạy vùng cao được gần 2 năm, nhưng cô Hà cho biết, bản thân đã có rất nhiều kỉ niệm khó quên. Các em học sinh vùng cao rất ngoan và dễ thương, dù có lúc học tiếng Việt chậm hơn nên khi đọc sai, bị cô nhắc, các em hơi buồn, nhưng chỉ một lúc sau, khi cô kể những chuyện cười thì các em lại vui vẻ ngay trở lại.

Thế nhưng, có lẽ kỉ niệm đẹp nhất trong lòng cô Hà là lúc các em ngại ngùng đưa túi gạo lên tặng cô cùng những lời chúc vào dịp ngày 20/11 vừa qua.

“Ở trường vùng cao, phụ huynh còn nhiều khó khăn, không có điều kiện nhưng bất ngờ là đến thứ hai sau ngày 20/11, các con mang túi gạo nhỏ làm quà tặng, lúc đó cảm giác của tôi thật sự vừa xúc động vừa thương các con vô bờ bến.

Các con thuộc những gia đình kinh tế khó khăn, không có tiền mua những bó hoa hay quà tặng, chỉ có gạo là thứ quý nhất trong nhà nên tôi trân quý những món quà ý nghĩa này lắm”, cô Hà nói.

Cũng theo cô Hà chia sẻ, trong khoảng thời gian gần hai năm giảng dạy, điều cô giáo trẻ tự hào nhất là luôn được các em học sinh yêu quý. Ngay từ thời điểm khi đi thực tập, dù đã hết thời gian giảng dạy ở trường, nhưng các em học sinh vẫn đến nhà tìm và chơi với cô thường xuyên.

Những việc làm ý nghĩa nhưng nhỏ bé này làm cô Hà luôn cảm thấy bản thân có ý nghĩa rất đặc biệt với các học sinh của mình; góp phần giúp cô có thêm động lực để phấn đấu, hết lòng hỗ trợ các em học sinh vùng cao được phát triển tốt nhất, đặc biệt là trong hoàn cảnh dạy và học của cô và trò cùng khó khăn, cô Hà càng phải cố gắng nhiều hơn.

“Dạy các con vùng cao vất vả hơn dưới xuôi nhiều, phụ huynh chủ yếu bận đi làm rẫy, đi làm ăn xa nên việc học của các con phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên. Nhiều em học sinh nền nếp đi học chưa đều, thích thì đi, không thích thì nghỉ, mà mỗi lần trò không đến lớp như thế thì thầy cô lại cuống cuồng chạy đi tìm, đi vận động các con trở lại lớp.

Đơn cử như ở bản tôi dạy, do nhà các con ở bên vùng trũng, mỗi lần mưa to nước dâng lên, các con không thể đi học được, việc đó làm ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng học tập”, cô Hà cho biết.

Bên cạnh đó, cô Hà cũng thường xuyên tìm tòi học hỏi để có phương pháp giảng dạy phù hợp nhất cho các em học sinh vùng cao, như các phương pháp trực quan, để tạo hứng thú và cho các em dễ tiếp thu kiến thức hơn.

Thay vào những tiết học nhàm chán, thường cô Hà sẽ tổ chức cho các em học sinh chơi trò chơi liên quan đến bài học. Trong lớp thì có nhiều đối tượng học sinh nên bản thân cô giáo trẻ cũng phải phân loại ra từng cấp độ để thuận tiện trong công tác giảng dạy.

Cô Hà thường xuyên tổ chức các trò chơi liên quan đến bài học để khích lệ các em chăm chỉ, yêu thích việc đi học hơn (Ảnh: NVCC)

Cô Hà thường xuyên tổ chức các trò chơi liên quan đến bài học để khích lệ các em chăm chỉ, yêu thích việc đi học hơn (Ảnh: NVCC)

“Đối với học sinh vùng cao, các thầy cô phải thật sự kiên nhẫn và bao dung, không được lớn tiếng, vì quát mắng sẽ khiến các em không muốn đi học nữa. Do đó, bên cạnh những phương pháp giảng dạy để tăng cường kiến thức, tôi cũng thường khen các con thật nhiều để động viên khích lệ các em.

Hơn nữa, tôi cũng là giáo viên mới vào nghề được hai năm nên vẫn phải tích lũy thêm kinh nghiệm, vẫn phải học hỏi các thầy cô giáo đi trước, để đảm bảo mỗi buổi học đều được diễn ra tốt nhất”, cô Hà nói thêm.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, cô Hà cho biết, vì nhà cách trường gần 60km, quãng đường đi lại khó khăn, vậy nên, cô giáo trẻ chỉ mong bản thân có đủ sức khỏe, đủ bản lĩnh để đưa được con chữ lên bản. Trong tương lai gần, cô Hà cũng chưa có định hướng gì khác ngoài việc chắc chắn sẽ cố gắng dùng hết tâm huyết để giúp cho các em học sinh vùng cao có được tương lai tươi sáng hơn.

Cô Hà luôn có mong muốn, tất cả các em học sinh, ai ai cũng được ăn no, mặc ấm, có dép để đi, có lớp để học, bởi nhiều bản trên này vẫn còn rất thiếu thốn.

“Trên này còn nhiều trường khó khăn thậm chí còn không có đủ lớp cho các con, các thầy cô phải chia nhà bếp nấu ăn của trường ra hai ngăn để làm lớp học. Mà nhà bếp thì mục nát hết rồi, nên tôi thương các con lắm. Mong ngành giáo dục, các mạnh thường quân quan tâm và giúp đỡ các con nhiều hơn”, cô Hà nói.

Trà My